30/01/2013 06:33 GMT+7

Tiến tới trẻ cậy cha, già cậy xã hội

PGS.TS HOÀNG BÁ THịNH
PGS.TS HOÀNG BÁ THịNH

TT - Trong bối cảnh mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay, việc có chính sách hỗ trợ các gia đình sinh con một bề gái là một việc cần làm, nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ.

Cần làm vì VN đang đứng trước thách thức về mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ năm 2006 đến nay, tỉ số giới tính khi sinh của VN bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể, xu hướng này xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Mấy năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và Tổng cục Dân số cũng đã có một số biện pháp can thiệp nhưng tình trạng này dường như chưa hề được khắc phục.

Một vài đề tài nghiên cứu khoa học gần đây của Tổng cục Dân số và các viện nghiên cứu trong nước cho thấy ở nước ta có bằng chứng về loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính. Với những cặp vợ chồng còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng coi trọng con trai hơn con gái, nhất là đã sinh con gái đầu lòng, nếu biết giới tính thai nhi thì dễ có xu hướng loại bỏ thai nhi gái để theo đuổi sinh con trai. Trong khi đó, có đến 77% phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước sinh, trong đó phụ nữ thành thị biết giới tính trước sinh cao hơn so với phụ nữ nông thôn: 82,5% so với 74,8%, mặc dù đã có quy định cấm xét nghiệm giới tính thai nhi. Đây cũng là nguyên nhân mất cân bằng giới tính trong dân số, dẫn đến hệ lụy trong tương lai không chỉ thị trường hôn nhân ở VN trở nên khó khăn do thiếu cô dâu, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...

Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ở Việt Nam sẽ đạt đến con số 10% vào năm 2017, dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017. Giống như việc gia tăng dân số, già hóa dân số cũng tạo ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội. Với nhóm người cao tuổi, họ thường đau ốm, bệnh tật và cần có người trẻ, khỏe mạnh hơn chăm sóc. Nếu chúng ta có phúc lợi xã hội tốt, có an sinh xã hội chăm lo đầy đủ cho các nhóm đối tượng có yêu cầu, đặc biệt là các vùng nông thôn thì chuyện sinh con thứ ba, thứ tư do tâm lý khát con trai sẽ được giải tỏa.

Nếu Chính phủ chuẩn y đề xuất của Tổng cục Dân số mới giải quyết được một chiều cạnh của vấn đề: giảm chi phí kinh tế trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho gia đình khi sinh con thứ hai là gái. Nhưng điều này không giải quyết được vấn đề cốt lõi, nguyên nhân của nguyên nhân đó là tư tưởng sinh con trai để nhờ cậy, để nối dõi tông đường.

Hiện nước ta có khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, mặc dù mức sống đã được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện, song một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Bên cạnh đó là tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn khá phổ biến. Nhìn từ quan điểm hiện đại, đây chính là một loại hình “an sinh xã hội” truyền thống trong gia đình nông thôn. Nhờ vậy, thế hệ sau có thể chăm sóc thế hệ trước - khi cha mẹ, ông bà tuổi cao sức yếu. Đó là hai lý do quan trọng giải mã hiện tượng “khát con trai” khiến gia tăng trường hợp sinh con thứ ba, thứ tư.

Một câu hỏi đặt ra: nếu xã hội có thể thay “trẻ cậy cha, già cậy con” bằng “trẻ cậy cha, già cậy xã hội”, nghĩa là phát triển an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi, thì liệu có thể giảm mức sinh hay không? Câu trả lời là có. Nếu chúng ta quan tâm nhiều hơn và có hiệu quả hơn đến an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhóm người phụ thuộc, trong đó có người cao tuổi, thì chắc chắn tâm lý sinh con trai để nhờ cậy khi về già sẽ giảm rất nhiều.

Chúng tôi ủng hộ đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 do Tổng cục Dân số - KHHGĐ đề xuất với Chính phủ, nhưng bên cạnh đề xuất này còn nhiều việc quan trọng cần làm. Trong đó, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về bình đẳng nam nữ, đầu tư xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đầy đủ và toàn diện, ưu tiên quan tâm đến các vùng nông thôn, đến những người lao động ở khu vực kinh tế không chính thức. Có như vậy mới hi vọng kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.

PGS.TS HOÀNG BÁ THịNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên