16/07/2017 12:46 GMT+7

Va chạm giao thông: đánh nhau là quá tệ!

NGỌC ĐÔNG thực hiện
NGỌC ĐÔNG thực hiện

TTO - Một số người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam nhiều năm đã chia sẻ ý kiến về nạn ẩu đả sau va chạm xe hay tai nạn giao thông.

Một người đi đường phải can thanh niên không đội mũ bảo hiểm khi người này nhảy vào đánh người đàn ông lớn tuổi sau vụ va quẹt xe máy trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Một người đi đường phải can thanh niên không đội mũ bảo hiểm khi người này nhảy vào đánh người đàn ông lớn tuổi sau vụ va quẹt xe máy trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

“Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người có suy nghĩ chăm lo cho mình và gia đình mà quên mất khía cạnh xã hội. Khi tai nạn giao thông xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ là họ lập tức “nổi đóa” lên

Ông Denis Voight

* Ông Denis Voight (người Úc):

Nếu sai, hãy nói lời xin lỗi

Có một lần tôi chứng kiến cảnh hai người Việt (hay người châu Á gì đó tôi không chắc) đánh nhau trên một con đường đông đúc ở TP.HCM do liên quan đến va quẹt xe. Tôi thấy mọi người xúm lại can hai người này ra. Lúc đó tôi khá ngạc nhiên về chuyện này dù ở Việt Nam cũng khá lâu rồi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi lại thấy nhiều vụ xích mích nhau trên đường sau khi va quẹt xe, không hẳn là đánh nhau nhưng có lời qua tiếng lại. Đặc biệt theo quan sát của tôi, khi vụ va quẹt hay tai nạn giao thông ảnh hưởng đến tài sản (xe hư nặng), sinh kế (ảnh hưởng đến công ăn việc làm) của người trong cuộc thì mâu thuẫn sẽ gay gắt hơn nhiều.

Ông Denis Voight - Ảnh: NVCC
Ông Denis Voight - Ảnh: NVCC

Có một điều này tôi không dám chắc, nhưng tôi nghĩ là do những người đó có uống bia rượu trước khi lái xe nên mới hành xử gay gắt như vậy. Vì vậy, thay vì “không say không về” như nhiều người thường nói, hãy “không tỉnh táo thì đừng lái xe”. Một người bạn của tôi có họ hàng ở Mỹ kể có lần chú của anh ấy vướng vào một vụ tai nạn giao thông và vì lúc đó ông đang say nên cuối cùng bị ở tù! Ở Úc cũng vậy, lái xe sau khi uống rượu có thể bị phạt tù vì đó là hành động có khả năng gây nguy hiểm chết người.

Tôi thấy Việt Nam có rất nhiều quy định luật pháp tiến bộ nhưng việc chấp hành chưa được nghiêm khắc lắm. Có thể là khó, nhưng các bạn đã làm được với quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nên tôi nghĩ những điều luật khác cũng có thể làm tốt được.

Thêm nữa, tôi nghĩ là vì tai nạn giao thông gây thiệt hại cho sinh kế của người trong cuộc nên câu chuyện lại chuyển sang hướng thiệt hại tài chính, khiến họ chịu áp lực và căng thẳng với nhau hơn. Có một số trường hợp tôi nghi ngờ họ cố tình làm quá lên để được bồi thường. Do vậy, theo tôi, tất cả trường hợp tai nạn nên được báo cho cảnh sát. Và khi xảy ra tai nạn, nếu bạn là người sai, hãy nói lời xin lỗi. Nếu bạn không bị thương, hãy giúp đỡ người bị nạn.

Nhân đây tôi đề nghị bên cạnh giáo dục, xử phạt những người có hành vi giao thông xấu, vinh danh và trao thưởng cho những người lái xe tốt, thưởng các công dân có công giúp đỡ can ngăn, trình báo bạo lực...

Sau 10 năm ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng chúng ta nên chú trọng giáo dục mọi người tuân thủ luật pháp hơn là phạt khi đã vi phạm. Hãy giáo dục mọi người có tư tưởng hướng về xã hội, tôn trọng bản thân mình và người khác.

* Ông Bill Harany (người Canada):

Đánh nhau là quá tệ!

Ở Canada, việc ai là người gây ra tai nạn và ai là người bồi thường cho các thiệt hại là rất quan trọng. Nếu thiệt hại vượt mức nào đó trong quy định, người ta sẽ gọi cảnh sát đến điều tra sự việc. Chúng tôi có khá nhiều quy định pháp luật về việc giải quyết tai nạn giao thông và hậu quả từ tai nạn.

Ở Việt Nam, việc va chạm xe cộ ngoài đường là dễ xảy ra vì mật độ xe cộ lưu thông quá dày. Tôi nghĩ khi lỡ có va quẹt hay tai nạn, người liên quan nên nghĩ đến chuyện xem mình và người kia có bị thương không, tập trung lo cho thương tích đã. Có thể gọi xe cấp cứu hoặc cảnh sát, nếu cần. Còn nếu chỉ là tai nạn nhỏ, có thể giải quyết được thì hãy bàn bạc với nhau xem thế nào chứ đánh nhau là quá tệ.

Ông Bill Harany - Ảnh: NVCC
Ông Bill Harany - Ảnh: NVCC

Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông là trình độ lái xe kém và sự thiếu quan tâm đến những người tham gia giao thông khác. Thói quen lái xe an toàn dường như không được đào tạo đến nơi đến chốn. Có quá nhiều người đang điều khiển xe như thể họ lơ đi sự thật là tai nạn giao thông gây tổn thương không chỉ cho cá nhân người bị nạn mà còn ảnh hưởng đến gia đình và rộng hơn là ảnh hưởng đến quốc gia của họ nữa.

Để hạn chế tai nạn giao thông, tôi nghĩ nên dạy học sinh về an toàn giao thông từ sớm. Tôi từng chứng kiến các em học sinh đạp xe hàng ba hàng bốn, dàn ngang kín cả một làn đường.

Chất lượng đường sá cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tai nạn, vì vậy để giảm tai nạn thì hệ thống đường cần được cải thiện hơn nữa.

Sao khó nói lời xin lỗi?

Nhiều bạn đọc là người nước ngoài đã gửi phản hồi về Tuoi Tre News sau khi đọc một số tin tức liên quan đến các vụ đánh nhau sau va chạm xe ở Việt Nam (nhất là vụ xô xát với người nước ngoài ở Hà Nội và tại Sa Pa, Tuoi Tre News ngày 25-6 và 10-7 đã phản ánh).

* Tôi không biết vụ xô xát sau va quẹt xe ở Hà Nội là ai có lỗi, nhưng nhiều người đánh một người tôi thấy không hay chút nào. Họ còn đánh cả cô gái đi cùng người đàn ông liên quan nữa. Tôi rất ghét đàn ông mà đi đánh phụ nữ và ghét cả những “người hùng” chỉ đứng xem mà chẳng làm gì cả. (Georg Koch)

* Ở Việt Nam, mọi người rất dễ dàng “nổi sùng lên”. Một lỗi nhỏ cũng có thể dễ dàng trở thành một vụ bạo lực nghiêm trọng. Tôi thấy mọi người khó nói lời xin lỗi hoặc chấp nhận lời xin lỗi và bỏ qua. (Engle Bert)

* Tôi đã sống ở Việt Nam 15 năm và có thể kể lại hàng trăm sự cố đã thấy giữa người Việt Nam và người nước ngoài cũng như người Việt Nam với người Việt Nam. Trong những tình huống này, tôi thấy người Việt Nam thường ngay lập tức trở nên giận dữ và mất tự chủ. Thêm vào đó, nhiều người Việt Nam nặng tính sĩ diện và dễ bị thấy mất mặt nên cũng dễ tức tối.(Roy Little)

* Là một người nước ngoài sống ở Việt Nam đã 7 năm, tôi nghĩ người nước ngoài dễ “nổi đóa” hơn khi lưu thông trên đường, bởi người Việt đã quá quen thuộc với sự lộn xộn trên đường phố rồi. Ngay cả bản thân tôi cũng từng nổi đóa mấy lần khi lưu thông trên đường. 

Theo tôi, 99% người Việt rất tử tế và thân thiện với người nước ngoài, nhưng một số cũng dễ phản ứng một cách bạo lực khi mâu thuẫn với một “anh Tây”.

Nếu người nước ngoài muốn tham gia giao thông ở Việt Nam, họ phải chấp nhận chuyện có những quy tắc hoàn toàn khác ở nước họ. Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều vụ bạo lực trên đường do va chạm xe hơn nên du khách đến Việt Nam cần phải lưu ý. (Stoss)

NGỌC ĐÔNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên