26/06/2017 08:18 GMT+7

Người mẹ của những đứa con cai nghiện

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Đến Trung tâm xã hội Bầu Bàng (Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) rất dễ gặp một nữ quản giáo được nhiều học viên cai nghiện gọi bà là “mẹ”.

Quản giáo Nguyễn Thị Hương hướng dẫn học viên nữ cách gấp xếp chăn màn ngăn nắp - Ảnh: Tấn Lực
Quản giáo Nguyễn Thị Hương hướng dẫn học viên nữ cách gấp xếp chăn màn ngăn nắp - Ảnh: Tấn Lực

Bà là Nguyễn Thị Hương (50 tuổi), quê tại quận Thanh Khê. Đã gần hai mươi năm qua, công việc hằng ngày của bà Hương là tiếp xúc, động viên tinh thần và bày vẽ các học viên cai nghiện làm những công việc hằng ngày để tái hòa nhập cộng đồng.

Người mẹ gụi gần của những cuộc đời lầm lỡ

Nắng vàng bao trùm chân núi, dọc hai lối vào nơi ở của học viên cai nghiện những chậu hoa giấy trổ bông rực rỡ kéo dài hơn trăm mét, trên đầu là giàn chanh dây đầy quả treo lủng lẳng. Khu học viên nữ những ngày này vắng hơn mọi khi bởi thời gian gần đây lượng học viên nữ vào trung tâm đã giảm nhiều.

Trên hành lang, quản giáo Hương mải miết chuyện trò vui vẻ với nữ học viên N.T.H.V. (Hải Châu, Đà Nẵng). Trong câu chuyện, V. nhẩm đếm thời gian cai nghiện đã được 18 tháng, sắp đến lúc trở về nhà.

Giọng chùng xuống, V. bộc bạch đã  bắt đầu dùng ma túy khoảng 5 năm trước, lúc đó đang làm công nhân may thì bạn bè rủ rê thử ma túy và từ đó sa vào nàng tiên nâu. Từ khi nghiện, chồng cũng ly hôn, V. buộc phải gửi hai con cho bà ngoại chăm sóc để vào cơ sở cai nghiện.

“Mới đầu cai nghiện lúc nào người cũng mỏi mệt nhưng nay thì khỏe rồi, cảm giác mình nhanh nhẹn hoạt bát hơn. Nhiều lúc ở trung tâm nhớ con quá chỉ biết thỉnh thoảng mượn điện thoại gọi về để được nghe giọng chúng nó."

"Thoạt đầu, hai đứa con biết mẹ đi cai nghiện buồn lắm nhưng cũng nhẹ nhàng động viên mẹ chữa chạy tốt để trở về. Những ngày ở đây tụi tôi được chị Hương tâm sự, khuyên nhủ nhiều lắm.Chị nói tôi thấy cũng đúng, giờ con mình lớn rồi làm mẹ phải biết suy nghĩ cho con, ra khỏi trung tâm tôi sẽ cố gắng kiếm công việc đàng hoàng làm ăn nuôi hai con học hành nên người” - V. chia sẻ.

Bà Hương chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của mình là nhìn thấy những học viên sau cai nghiện về tái hòa nhập cộng đồng, lo chí thú làm ăn, lập gia đình, có cuộc sống ổn định”.

Bà nhớ mãi một học viên có hoàn cảnh khá đáng thương vừa trở về cộng đồng: Đó là cô gái N.H.N.L. (27 tuổi). L. và mẹ không có nơi ở ổn định, thuê trọ sống nay đây mai đó khắp nơi trong thành phố.

Lần thứ nhất vào trung tâm, mẹ L. thỉnh thoảng khăn gói lên thăm con, đến lần thứ hai không thấy bà lên thăm L. nữa, hỏi ra mới biết bà lâm bệnh nặng và đã qua đời cách đây mấy tháng.

“L. thuộc thành phần ăn chơi, tái nghiện nhiều lần, nói không nghe. Lúc mới vào đây nhiều lúc L. hay la mắng, to tiếng với quản giáo nhưng tôi thấy hoàn cảnh em đáng thương quá nên không trách. Cha mẹ em ly hôn, bên nhà nội ruồng bỏ, lớn lên thiếu giáo dục thì ai cũng dễ sa ngã. Tôi coi L. như con gái, trò chuyện với em nhiều thứ và phát hiện ra em có nhiều năng khiếu. Giờ em đã có cuộc sống ổn định, tự nuôi được bản thân bằng nghề cắt tóc” - bà Hương cho biết.

Hạnh phúc khi những cuộc đời được tái sinh.

Phục vụ tại Trung tâm giáo dục dạy nghề 05-06 (tiền thân của Cơ sở xã hội Bầu Bàng) từ tháng 6-2001, bà Hương thoáng hồi tưởng lại những ngày gian khó. Hồi đó trung tâm nằm biệt lập trên vùng rừng núi Hòa Bắc ngay dưới chân Vườn quốc gia Bạch Mã, cách thành phố hơn 30 cây số và chưa có đường bộ. Mỗi tuần bà đi nhờ xe máy từ nhà lên Nam Ô rồi đón chuyến đò ngược sông Cu Đê đến trung tâm.

“Những hôm đò ghé nhiều bến thì đi từ 6g sáng tới quá trưa mới đến nơi, ban đầu say sóng tôi sợ lắm nhưng riết rồi quen. Hồi đó trung tâm ít học viên, cán bộ cũng ít, mỗi tháng cán bộ được nghỉ bốn ngày chủ nhật để về nhà lo cho gia đình. Thời gian về nhà ít nên tôi gửi con trai cho cô em gái chăm sóc hộ, nghĩ cũng thương con nhưng vì đòi hỏi công việc không thể làm khác được” - bà Hương nói.

Hằng ngày, nhiệm vụ của quản giáo Hương là đưa học viên vào bếp học phụ việc nấu ăn, chăm sóc vườn rau, trồng cây và chỉ dạy nghề may vá. Trong thời gian đó, bà trao đổi với họ bằng những câu chuyện tâm tình, tìm hiểu nguyên nhân sa ngã và nguyện vọng của mỗi học viên rồi tư vấn cho mỗi người hướng đi mới trong tương lai phía trước.

“Thật lòng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng công việc của mình sẽ tiếp xúc với những người nghiện ngập. Hồi chưa bước chân vào làm, thấy người nghiện xăm trổ đầy mình tôi cảm giác ghê rợn lắm nhưng đến khi đi làm, tiếp xúc với họ rồi mới thấy không có gì phải ngại. Trừ những lúc lên cơn nghiện mất kiểm soát, còn những lúc tỉnh táo các học viên đều trò chuyện rất lễ phép, cô cháu chào hỏi nhau thân thiết dễ thương lắm."

"Người quen thỉnh thoảng hay hỏi công việc xa xôi, lại nguy hiểm nhưng vì sao vẫn theo đuổi? Tôi bảo thật lòng là bây giờ thấy yêu nghề, không dứt ra được. Cứ thấy một con người cai nghiện thành công trở về xã hội làm người có ích là trong lòng tôi vui xốn xang khó tả” - quản giáo Hương bộc bạch.

Ông Phạm Công Hải, phó giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, cho biết hiện nơi đây đang chăm sóc, cai nghiện cho hơn 500 học viên. Cả trung tâm có 17 cán bộ nữ, trong đó có 4 nữ quản giáo trực tiếp tiếp xúc với học viên mà quản giáo Hương là người có thâm niên công tác lâu nhất.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên