15/05/2017 08:30 GMT+7

Chuyện một người câm sống gần nửa thế kỷ trong bệnh viện

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Số phận của bà câm gắn liền với bệnh viện Đà Nẵng đã hơn nửa thế kỷ. Không người thân thích, không ruột rà với ai. Vậy mà, khi hay bà mất tích, mọi người nhốn nháo đổ xô đi tìm, từ các bác sĩ đến chị lao công…

Chị Minh, người bán báo ở bệnh viện và hộp cơm mỗi ngày cho bà câm - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Sáng chủ nhật, bệnh viện vẫn đông đúc, người đi lại như mắc cửi. Nhưng, nhiều người thấy thiếu vắng hình ảnh quen thuộc tay cầm tệp vé số của bà câm Nguyễn Thị Hồng.

Không tin là người dưng…

Như mọi ngày, chị Minh bắt đầu công việc bán báo trước cổng ra vào bệnh viện Đà Nẵng, còn chị Lan bận bịu với công việc lao công dọn dẹp vệ sinh ở các phòng bệnh. Nhưng, nhân vật quen thuộc bà câm vắng bóng!

Thế là, các y, bác sĩ lấy làm lạ, “sợ bà gặp chuyện bất trắc nên túa đi tìm, thậm chí có người còn nghĩ sợ bà trượt chân xuống cống thoát nước nên chui xuống tìm nhưng mãi chẳng thấy đâu. Bà bị hen suyễn nặng nên chỉ sống ở bệnh viện này, ra ngoài là có chuyện liền” - chị Lan chia sẻ.

Đến giờ cơm trưa, như mọi ngày, chị Minh vẫn mua ba hộp cơm cho mình, chị Lan và bà câm nhưng cả hai chẳng ai ăn nổi. Tin tức về bà câm vẫn mịt mờ. Mãi đến quá trưa,  điện thoại chị Minh bỗng reo lên.

Phía đầu máy bên kia giọng của bác sĩ Quang - người từng thực tập tại bệnh viện Đà Nẵng nay công tác tại bệnh viện Trung ương Huế hốt hoảng điện vào hỏi dồn dập: “Sao bà câm lại nằm cấp cứu ngoài đây vậy chị ?”. Tin bà câm đang cấp cứu ở Huế ngay lập tức loan khắp bệnh viện.

Một cuộc hội ý chớp nhoáng từ bác sĩ, y tá đến chị bán báo, cô lao công. Ngay sau đó cả nhóm quyết định “ Phải ra Huế ngay”. Vậy là cả chị Minh và Lan liền “ngã mũ” quyên góp và rồi chỉ trong vòng 30 phút… những tấm lòng thơm thảo đã “tụ” lại.

Có được 1, 2 triệu đồng trong túi, chị Lan tức tốc đón xe ra Huế để tìm gặp bà câm. “Bà bị hen suyễn nặng, thở khó nên phải thuê xe cứu thương, lỡ có chi còn xử lý kịp” - chị Lan tâm sự. Ra đến nơi, nhác thấy chị Lan, bà câm đang nằm co quắp trong phòng cấp cứu vội ú ớ rồi ôm chầm lấy chị Lan. Cả hai cứ vậy, nước mắt ràn rụa, mừng mừng tủi tủi.

“Bệnh viện hỏi tui là gì với bả. Tui bảo là người dưng nhưng... Vậy mà vẫn có nhiều người không tin. Cũng may là phía bệnh viện Trung ương Huế thấy hoàn cảnh vậy nên đã miễn phí cho bà luôn” - chị Lan xúc động nhớ lại.

Hôm đón bà câm về lại “nhà” của mình là bệnh viện Đà Nẵng, ngồi bên chị Lan, bà câm nở nụ cười như trẻ thơ. Chị Lan bảo, khi bà câm về đến bệnh viện ai cũng mừng. Các bác sĩ khoa cấp cứu vội chích cho bà mũi thuốc chữa bệnh suyễn, rồi bố trí cho bà một giường để nằm. Riêng chị Lan bị cấp trên khiển trách vì tội “bỏ việc không lý do”.

Nghe chuyện chị Lan bị nhắc nhở, tôi liền hỏi thì chị Lan cười bảo: “Bả sống là được rồi, mình bị xử phạt thì ăn thua chi”. Sau đận ấy, bà câm được điều trị khỏe lại, mọi người ra vào cổng bệnh viện lại thấy bà tay cầm xấp vé số mời mọi người mua. Buổi trưa, chị Minh bán báo, chị Lan lao công và bà câm quây quần bên ba hộp cơm như một gia đình ấm cúng.

“Thành viên đặc biệt” 

Mấy hôm nay, bệnh hen suyễn trở nặng, vậy nên bà câm không thể sống xa máy trợ thở. Lập tức bệnh viện Đà Nẵng bố trí cho bà một chiếc giường nằm ở khoa nội hô hấp. Mỗi ngày bà được chạy máy trợ thở ba lần và được đối xử rất đặc biệt. Lãnh đạo bệnh viện hỗ trợ thuốc thang, máy móc…miễn phí cho bà.

Không chỉ vậy, các bác sĩ, điều dưỡng tại đây còn kêu gọi tấm lòng thiện nguyện của mọi người để giúp bà có miếng ăn ngon, bổ hơn. Mỗi ngày, bà đều được một điều dưỡng tắm rửa, giặt quần áo giúp bà, nhiều bác sĩ ở bệnh viện cho biết.

Cuộc đời của bà câm cũng thật lạ kỳ. Số phận của bà gắn liền với bệnh viện Đà Nẵng đã hơn nửa thế kỷ. Từ những năm 1960, người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương này đã xuất hiện ở đây. Không người thân thiết, chẳng biết quê quán ở đâu, lại bị câm nên tung tích của bà rất bí ẩn.

Ngày mới đến bệnh viện, bà câm sống dựa vào những bát cháo của các tổ chức từ thiện. Sau này, bà được một đại lý vé số hỗ trợ bằng cách đưa vé cho bà bán mà không cần tiền thế chân. Từ đó bà câm thành người bán vé số ở bệnh viện này. “Thấy bà vậy, nên rất nhiều người hay mua vé số giúp cho bà. Ngay cả tiền thừa nhiều khi bà thôi nhưng cũng không ai lấy lại.” - chị Minh tâm sự.

Cũng vì số phận quá bất hạnh, nên mấy chục năm nay lãnh đạo bệnh viện Đà Nẵng luôn ưu tiên cho bà có được một “chỗ ngả lưng” ngay dưới gầm cầu thang gần khoa cấp cứu. Không chỉ vậy, mỗi ngày, bà đều được các bác sĩ chích cho hai mũi thuốc chữa hen suyễn.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, giám đốc bệnh viện Đà Nẵng nói: “Rất nhiều thế hệ y bác sĩ ở bệnh viện này đều biết bà câm và tất cả đều dành một tình cảm đặc biệt cho người phụ nữ bất hạnh này. Toàn bộ số thuốc ấy đều được miễn phí”.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì  bà câm cũng đã yếu lắm rồi. Căn bệnh hen suyễn đang hành hạ bà từng ngày. Và cũng như mọi khi, tất cả các y bác sĩ lẫn chị bán báo, cô lao công lại đang phải tất bật để giúp bà câm trở lại với cuộc sống vốn rất đỗi mến thương này.

Hy vọng bà sẽ bình yên trở về bên mọi người.

 

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên