13/05/2017 10:39 GMT+7

Tàu vỏ thép thiếu nhân lực kỹ thuật

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - "Phương tiện đi trước nhân lực theo sau, nhưng đúng là công tác đào tạo nhân lực trên các tàu cá hiện đại là chưa theo kịp".

Những chiếc tàu sắt trục trặc mỗi lần ra khơi khiến ngư dân huyện Phù Cát (Bình Định) điêu đứng - 
Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Những chiếc tàu sắt trục trặc mỗi lần ra khơi khiến ngư dân huyện Phù Cát (Bình Định) điêu đứng - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 12-5 đăng bài ““Vá” lỗ hổng tàu cá vỏ thép”, phản ánh hàng loạt tàu cá vỏ thép trong chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngư dân vay vốn, đóng tàu lớn theo nghị định 67 bị hư hỏng, ông Nguyễn Văn Trung - vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - chia sẻ:

- Trong số 600 tàu đã đi vào hoạt động có trên 10 tàu ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định, gặp trục trặc về chất lượng hoặc hoạt động không hiệu quả. Cùng lúc có hàng trăm tàu đưa vào hoạt động nên có thể còn những điểm trục trặc...

* Nguyên nhân dẫn đến những trục trặc này là gì, thưa ông? Có ý kiến cho rằng việc giao toàn quyền cho ngư dân trong giám sát đóng mới tàu là không ổn vì ngư dân không có nhiều chuyên môn ở những loại tàu to. Ý kiến ông thế nào?

- Theo nghị định 67, ngư dân có thể lựa chọn mẫu tàu, quy mô vốn vay và chịu trách nhiệm về hiệu quả vay vốn.

Việc giao cho ngư dân giám sát đóng mới là đầy đủ cơ sở pháp lý, tuy nhiên nói giao ngư dân giám sát toàn bộ là không hẳn vì còn có ngân hàng, đăng kiểm... Chủ tàu có năng lực thì giám sát, không thì thuê giám sát.

Theo quy định hiện hành, cơ quan đăng kiểm có quyền từ thẩm định thiết kế, quy trình đóng tàu và các hành lang pháp lý để giám sát đều đã có.

Bên cạnh đó, chủ tàu cũng không được thay đổi vật liệu và thiết kế nếu chưa được bên thiết kế và đăng kiểm chấp thuận.

* Quy định chặt chẽ như vậy nhưng vừa qua xảy ra tình trạng tàu vỏ thép theo thiết kế là thép Nhật hoặc Hàn Quốc nhưng thực tế là thép Trung Quốc. Vậy “lọt lưới” ở khâu nào và tới đây sẽ thay đổi quy định nào để tránh tình trạng lọt lưới này?

- Cơ quan đăng kiểm giám sát chặt chẽ, nhưng họ xác nhận trong quá trình đóng tàu dùng thép gì, còn loại vật liệu cụ thể thì phải theo khả năng và nhu cầu của chủ tàu.

Sau khi tổng kết chương trình đóng tàu mới theo nghị định 67, Chính phủ sẽ tổng kết rồi sửa đổi, bổ sung quy định. Mục tiêu của nghị định 67 là hiện đại hóa các tàu cá đánh bắt xa bờ, và tạo cú kích để ngư dân tham gia.

Vừa qua ngư dân đã tham gia bỏ vốn đóng tàu lớn khá nhiều. Theo ước tính thì hiệu quả kinh tế ở các tàu vỏ thép cao hơn các tàu cũ khoảng 15-20%, nhưng quan trọng hơn nữa là tàu vỏ thép giúp nâng chất lượng sống cho ngư dân trong những ngày lênh đênh trên biển.

Tàu vỏ thép cũng đảm bảo an toàn và trang thiết bị hiện đại như mặt bằng trong khu vực Đông Nam Á, ngư dân cũng có đủ thiết bị liên lạc như điện thoại vệ tinh, theo dõi được các bản tin dự báo thời tiết của nước ngoài...

Những địa phương nhiều tàu trong chương trình nghị định 67 như Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định), Ninh Thuận, Bình Thuận... hiệu quả kinh tế rất rõ.

Ông Nguyễn Văn Trung - Ảnh: LAN ANH
Ông Nguyễn Văn Trung - Ảnh: LAN ANH

* Như ông nói là đang chuẩn bị để có hướng thay đổi các quy định tại nghị định 67, tức là có một chương trình đóng tàu mới sau 67. Nếu vậy cần làm những gì để tránh tình trạng tàu to nhưng không hoạt động, giảm thiệt hại cho ngư dân?

- Từ số lượng tàu bị trục trặc thì nhìn nhận vấn đề này để điều chỉnh quy định, giảm thiểu rủi ro. Tỉ lệ các tàu có trục trặc theo tôi biết khoảng trên 10 tàu/tổng số 600 tàu đã đi vào hoạt động.

Về nguyên nhân một phần là ngư dân ở mình đã quen với các tàu nhỏ, trong khi lái tàu kiểu mới là lái thủy lực, lái tự động cũng khác tàu truyền thống vỏ gỗ, dầu sử dụng cũng phải chuẩn mới đảm bảo độ bền cho tàu...

Phương tiện đi trước nhân lực theo sau, nhưng đúng là công tác đào tạo nhân lực trên các tàu cá hiện đại là chưa theo kịp.

Về những thay đổi tới đây thì chúng tôi dự tính sẽ tham mưu với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng không đóng tàu lớn đại trà mà đóng tàu có thiết bị chế biến để gia tăng giá trị, đồng thời chuẩn bị đội tàu hợp tác với các nước để ngư dân VN có thể khai thác ở vùng biển quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đi làm việc với Brunei, thống nhất đưa đội tàu làm hai nghề vây và câu khai thác ở vùng biển Brunei.

Tới đây, VN cũng sẽ làm việc với Papua New Guinea với mục đích tương tự, mục tiêu là đến năm 2025 có vài trăm tàu VN đánh cá ở vùng biển Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Nhưng phải đảm bảo khai thác bền vững, nâng giá trị và vươn ra quốc tế, trong đó bao gồm cả đào tạo thêm về nhân lực kỹ thuật và cải thiện công nghệ chế biến, bảo quản để nâng giá trị gia tăng. Vừa qua, thất thoát sau thu hoạch của mình còn khá cao...

Đầu tư vốn lớn nhưng không ra khơi được

Theo ông Nguyễn Văn Trung, sau hơn hai năm thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngư dân vay vốn, đóng tàu lớn (tối thiểu 400 mã lực) theo nghị định 67, đã có gần 600 tàu đi vào hoạt động trong số hơn 900 tàu đã ký hợp đồng tín dụng.

Trong đó có khoảng 200 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, một số tàu có trục trặc, hỏng hóc, đầu tư vốn lớn nhưng không ra khơi được.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên