11/05/2017 01:10 GMT+7

Làm gì để phân loại rác hiệu quả?

QUANG KHẢI ghi
QUANG KHẢI ghi

TTO - Từ bài viết “Khó giữ thói quen phân loại rác”, ông Huỳnh Minh Nhựt, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, chia sẻ cần sớm triển khai sự đồng bộ về hạ tầng xử lý rác.

Bà Mai Thị Ngọc Thảo (P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) phân loại rác tại nhà Ảnh: Quang Định
Bà Mai Thị Ngọc Thảo (P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) phân loại rác tại nhà Ảnh: Quang Định

Là một trong những đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác và trực tiếp triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn nhiều năm qua, tôi thấy muốn phân loại rác hiệu quả thì cần sớm triển khai hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Kinh nghiệm ở Canada

Ở Canada, “Xe tải phân thân” là tên gọi của chiếc xe được chia làm hai phần riêng biệt mà chúng tôi sử dụng để chuyên chở rác đã phân loại. Nó được thiết lập theo mô hình: 60% ở phần bên phải dùng chứa bìa cactông, giấy và chất xơ; 40% phần bên trái thuộc về chất nhựa, lon chứa và chai nước. Ngoài ra, còn có loại xe tải chứa vật bỏ đi được chia theo phương pháp: 70% bao gồm chất cặn bã và 30% cho chất hữu cơ.

Benjamin Mawdsley (giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM)

Sự đồng bộ ở đây là từ khâu phân loại đầu tiên đến phương tiện vận chuyển và khâu xử lý. Chính vì chưa tạo được sự đồng bộ này mà một thời gian dài vừa qua chúng ta cứ mãi loay hoay với câu chuyện phân loại rác tại nguồn, với hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.

Hiện nay, một số hộ gia đình, trường học... có trang bị thùng chứa rác phục vụ việc thí điểm phân loại rác tại nguồn. Cụ thể như thùng nhựa màu xanh đựng rác thực phẩm, thùng rác màu xám đựng các loại rác khác.

 

Riêng những hộ tham gia phân loại rác tại nguồn do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP triển khai trên địa bàn Q.Tân Phú được phát bao nilông có hai màu, màu vàng đựng rác vô cơ, màu xanh đựng rác hữu cơ, thực phẩm...

Tuy nhiên, chính những người tham gia phân loại rác phản ảnh do lượng rác được phân loại hiện nay ít, chưa có phương tiện chuyên chở riêng nên vẫn còn tình trạng rác sau khi đã phân loại lại được trộn lẫn với rác chưa phân loại vào cùng một phương tiện chuyên chở đưa về các khu xử lý.

Nếu ngay từ đầu chúng ta đã phân loại được rác (rác đựng trong các vật dụng khác nhau) thì phương tiện chuyên chở cũng phải khác nhau; từng loại rác phải đưa đến những nơi khác nhau. Ví dụ, rác thực phẩm có thể đưa đến các nhà máy xử lý để chôn lấp, làm phân, ủ lấy khí gas phát điện. Còn rác khác như: thủy tinh, giấy, chai nhựa... cần tiếp tục đưa về các trạm trung chuyển, nhà máy để phân loại một lần nữa trước khi đưa vào những nơi tái chế.

Mặt khác, rác ở VN khác với nước ngoài, người dân vẫn có thể tận dụng chai nhựa, giấy, lon bia... để bán ve chai. Vì vậy muốn công tác phân loại đạt hiệu quả cao, cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho người dân.

Ở một số nước, khi người dân tham gia phân loại rác được tặng túi đựng rác. Còn đối với người tham gia phân loại rác mà công ty chúng tôi đang triển khai thì được đổi quà với giá trị gần tương đương giá trị rác đã phân loại.

Hằng tháng hoặc quý, căn cứ vào số lượng rác đã phân loại (có thể tái chế như: nhựa, giấy, lon bia...) tại từng hộ đã được thu gom, công ty sẽ trao lại những phần quà có thể là nhu yếu phẩm như: đường, dầu ăn, bột ngọt, mũ bảo hiểm... Chỉ khi tạo những điều kiện thuận lợi, có lợi thì người dân sẽ nhiệt tình tham gia, công tác phân loại sẽ đạt hiệu quả hơn.

Ngoài ra, để công tác phân loại rác thành công thì không thể không kể đến sự tham gia của hệ thống rác dân lập - vốn là lực lượng hiện chiếm tới 60% số người trực tiếp gom rác ngay từ đầu.

Vấn đề làm sao quản lý được đội ngũ này, đưa họ vào các hợp tác xã hoặc tạo điều kiện thành lập pháp nhân như doanh nghiệp, công ty để từng bước áp dụng chung các quy chuẩn, quy định của Nhà nước về thu gom rác, trong đó có cả câu chuyện về nâng cấp các thiết bị chuyên chở rác của đội ngũ này.

Sẽ chuẩn hóa thiết bị gom rác

Sở Tài nguyên và môi trường TP vừa báo cáo UBND TP về công tác thí điểm phân loại rác tại nguồn sau hai năm triển khai.

Theo đó, chương trình thí điểm có các quận 1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh tham gia. Mỗi quận chỉ chọn một số tuyến hẻm, đường, chợ hoặc khu phố thực hiện phân loại rác tại nguồn. Kết quả phân loại rác năm 2015 tại khu vực thí điểm Q.1 đạt 70-78%, Q.3 đạt 50%, Q.5 đạt 30%, Q.6 đạt 23,7%, Q.12 đạt 93-95% và Q.Bình Thạnh đạt 70-80%. Năm 2016, tỉ lệ phân loại rác tại các quận thí điểm không tăng thêm.

Cũng theo báo cáo, phương tiện thu gom, vận chuyển rác phân loại hiện chưa phù hợp, đồng bộ. Rác phân loại được trộn lẫn với rác thực phẩm tại các chợ (chưa phân loại) là nguyên nhân làm giảm tính hiệu quả của chương trình.

Tại buổi tọa đàm về môi trường mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, cho biết sắp tới sẽ siết chặt công tác quản lý hệ thống rác dân lập, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để chuẩn hóa thiết bị thu gom rác.

 

QUANG KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên