05/05/2017 12:41 GMT+7

Tự học tại nhà phát đi tín hiệu đáng mừng, tại sao?

TRẦN XUÂN TIẾN (Trường Đại học Văn Hiến)
TRẦN XUÂN TIẾN (Trường Đại học Văn Hiến)

TTO - Theo bạn đọc Trần Xuân Tiến, câu chuyện tự học ở nhà đã nhà phát đi tín hiệu đáng mừng bởi đây là cơ hội để hệ thống giáo dục nước nhà tự nhìn lại mình, để từ đó có những quyết sách thay đổi phù hợp.

Hai anh em Đặng Nhật Anh (trái) và Đặng Thái Anh cùng học tại nhà - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này.

"Giờ đây, mô hình tự học ở nhà (còn gọi là home schooling) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người trong xã hội thông qua các tranh luận hết sức sôi nổi trên báo chí chính thống, mà khởi đầu là báo Tuổi Trẻ.

Từ các hình thức đơn lẻ mang tính thể nghiệm của từng gia đình, sau dần tập hợp thành những hội nhóm kín hoặc công khai trên các trang mạng xã hội hay diễn đàn (forum) của các phụ huynh có chung quan điểm giáo dục muốn con ở nhà tự học thay vì tham gia vào hệ thống trường lớp như các bạn đồng lứa.

Thông qua những chia sẻ kinh nghiệm đầy tâm huyết của các phụ huynh và con cái của họ về quá trình tự học ở nhà, chúng ta nhận thấy thái độ can đảm khước từ môi trường giáo dục trường quy của một số phụ huynh có nhiều kỳ vọng vào phương pháp giáo dục tại gia, chúng ta cũng nhận thấy tinh thần tự giác học tập cao độ của các em trên hành trình mở mang tri thức.

Không chỉ vậy, chúng ta còn cảm nhận sâu sắc hơn những lỗ hổng giáo dục của hệ thống trường quy vốn dĩ còn nhiều điều đáng bàn luận và thường xuyên bị xã hội than phiền.

Tuy vậy, ở một tâm thế ngược lại, thông qua những phản biện tỉnh táo ở phía bên kia của những người trái quan điểm, xem giáo dục tại trường học là môi trường lý tưởng bậc nhất của quá trình truyền dạy tri thức, chúng ta cũng nhận thấy được những khó khăn, trở ngại, những điểm bất lợi mà giáo dục tại nhà phải đối mặt, những lợi thế mà chỉ ở trường ở lớp, học sinh mới có được nhằm hoàn thiện kiến thức, thái độ, đạo đức.

Rõ ràng, dù chưa cần biết thái độ của chúng ta sẽ nghiêng về quan điểm giáo dục nào nhưng chúng ta đã có cơ hội để lắng nghe, thậm chí, nếu chúng ta hào hứng, chúng ta có thể dự phần vào cuộc tranh luận thú vị này, để xem xét một cách tỉ mỉ những ưu khuyết của từng cách thức giáo dục.

Tự học tại nhà đòi hỏi ở phụ huynh năng lực tài chính vững vàng, vốn kiến thức sâu rộng và khả năng sư phạm truyền dạy hiệu quả; còn trẻ thì rất cần tâm thái chủ động hoàn toàn và tinh thần tự giác cao độ. Điều này không phải gia đình nào cũng có điều kiện phù hợp.

Tự học ở nhà cũng khiến cho trẻ mất đi những trải nghiệm sinh động để có thể tôi luyện những kỹ năng mềm (như làm việc nhóm, sinh hoạt cộng đồng…), những cách ứng xử xã hội thiên biến vạn hóa…

Còn học ở trường lớp thì có quá nhiều điều để phàn nàn, như cách giảng truyền thống cũ kỹ, bóp nghẹt tư duy sáng tạo của trẻ; cách học nặng về hình thức; nhiều môn học quá tải, nội dung tràn lan, bất hợp lý; áp lực thi cử nặng nề…

Rồi từ những diễn đàn trên báo chí, trên mạng xã hội, câu chuyện về việc nghỉ học ở trường để tự học tại nhà lan rộng thành chủ đề mang tính tâm điểm của những tâm sự bàn tròn trên bàn ăn của từng gia đình, trong câu chuyện tâm tình của những bà mẹ, những ông bố đang có nhiều ưu tư về tương lai học tập của con cái.

Hẳn nhiên, đây là cơ hội để hệ thống giáo dục nước nhà tự nhìn lại mình, tự soát xét lại những ưu khuyết mà phụ huynh, học sinh và cả xã hội đang luận bàn, để từ đó có những quyết sách thay đổi. Đối tượng hưởng lợi từ sự đổi thay này, tất nhiên không ai khác là người học.

Phương pháp tự học ở nhà, trong đợt sóng tranh luận náo nhiệt này, cũng sẽ tiếp nhận thêm nhiều ý kiến phản biện, đóng góp để từng bước hoàn thiện phương thức giáo dục của mình. Qua đây, người ta cũng có dịp phanh phui và lên án những hội nhóm trá hình học tập tại nhà để kinh doanh những chương trình tự học kém chất lượng.

Thực tế, tự học ở nhà không có gì mới lạ trên thế giới. Ở một số nước như Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ireland, Canada…, việc học tại nhà được pháp luật bảo hộ, đáng lưu ý là còn có Hiệp hội bảo vệ quyền tự học tại gia.

Thế nên, việc luật pháp hóa các vấn đề có liên quan nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi chính đáng của trẻ tự học tại nhà so với trẻ đến trường theo cách giáo dục trường quy thông thường cũng là việc mà các cơ quan quản lý ở nước ta phải tính đến.

Vậy là, một môi trường giáo dục cởi mở, thay đổi nhằm tiệm cận hơn nữa đến sự tối ưu là điều mà chúng ta hoàn toàn có cơ sở để mong đợi".

* Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc tham gia thăm dò bên dưới.

[poll width="400px" height="210px"]264[/poll]
TRẦN XUÂN TIẾN (Trường Đại học Văn Hiến)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên