17/04/2017 08:48 GMT+7

Chuyện về chiếc xe cứu hỏa 'made in ông Hùng'

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Người đàn ông 51 tuổi ở Đà Nẵng đã chế tạo xe cứu hỏa chỉ vừa lọt một người đi có thể vào tận những hang cùng ngõ hẻm để giúp người.

Ông Hùng giới thiệu “xe” và “đồ nghề” PCCC do ông tự tạo - Ảnh: TẤN LỰC

Đó là ông Trần Đình Hùng ở khu Tam Giác (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Dù xe rất chuyên dụng, vận hành tốt nhưng ông bảo rằng mình chẳng bao giờ mong dùng đến nó!

Chuyên nghiệp

Giữa căn nhà rộng chỉ hơn 40mvới đồ đạc chất lổn nhổn, ông Hùng vẫn ưu ái dành riêng một góc nhỏ cho xe chữa cháy mini do ông tự chế tạo, cùng vô số vật dụng đính kèm. Ông gắn bánh xe bằng cao su di chuyển rất êm và gọn cho chiếc “xe” cứu hỏa di động của mình.

Phòng cháy hơn chữa cháy - ai cũng biết được điều đó. Nhưng, có mấy ai làm được như ông Hùng. Khu kiệt hẻm Tam Giác này khá rộng, có đến 9 tổ dân phố. Nếu tổ nào cũng được trang bị những đồ nghề chuyên dụng như ông Hùng thì người dân sẽ yên tâm hơn…” - , một người hàng xóm của ông Hùng, cho biết. 
Anh Phước - hàng xóm ông Trần Đình Hùng

Chiều ngang thân xe chỉ 40 cm, chiều dài 80cm, cao khoảng 1m, có thể di chuyển linh động trong những kiệt hẻm nhỏ. Trên xe có đính sẵn một mô tơ công suất 2,5 ngựa, kết nối với hơn 60 m dây ống nước. Đầu ống có thể kết nối linh hoạt với bất kỳ vòi nước sinh hoạt nào có được ở hiện trường xảy ra cháy. Khi kích hoạt mô tơ hút nước, cột nước sẽ mạnh lên và phun cao khoảng 10m, xa 20 m.

Ngoài ra, chiếc xe cứu hỏa mini này còn được ông Hùng trang bị 5 loại dây cứu hộ với nhiều công dụng khác nhau rất chuyên nghiệp gồm một bộ thang dây dài 20 m, chùm dây cuộn có chỗ bám, dây bảo hiểm với cơ chế móc đơn giản dễ sử dụng, ròng rọc đu thoát hiểm từ vị trí này qua vị trí khác thấp hơn để kịp thời cứu người khỏi khu vực nguy hiểm…

Với kinh nghiệm tiếp cận công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hồi còn làm việc ở Nhà máy dệt 29.3 (Đà Nẵng), ông Hùng hiểu cặn kẽ tính chất và yêu cầu công việc trong những tình huống khẩn cấp. Ông cũng sắm thêm cho “xe” của mình những đồ nghề chuyên dụng như kìm cộng lực, bình cứu hỏa mini, máy cắt ổ khóa, cắt các chấn song sắt lớn...

“Để những thiết bị này có thể hoạt động tại hiện trường khi nguồn điện bị cắt, tôi sẽ phải dành dụm và sắm thêm máy nổ nhỏ”, ông Hùng tâm sự trước mớ đồ nghề PCCC của mình.

“Nhỏ mà có… võ”

Khi được hỏi lý do vì sao ông bỏ bao nhiêu tiền của, công sức ra để làm chiếc “xe” cứu hỏa dành cho kiệt hẻm, ông Hùng không trả lời thẳng mà dắt tôi đi vòng vèo từng ngóc ngách nơi ông ở, khu Tam Giác, gần chợ Cồn, ngay trung tâm TP. Đà Nẵng. Những kiệt hẻm với hàng mấy chục ngóc ngách chằng chịt giăng mắc vào nhau như mạng nhện, không số nhà, không cả lối đi.

Có những hẻm người ra vào lách nhau cũng khó, vậy mà họ vẫn sống và sinh hoạt hằng ngày. Những căn nhà rộng từ 5 đến gần 20 mét vuông, lại chứa đến vài ba hộ với cả chục nhân khẩu. Đường đi đã khó, lại còn dây điện, dây cáp chằng chịt, rối nùi giăng ngang trên đầu. Sống ở khu này chủ yếu là dân lao động tự do và sống bằng nghề bán thức ăn đường phố… với bao nhiêu là vật liệu đun nấu, củi lửa trùng trùng.

Phải đứng giữa “ma trận” kiệt hẻm ở khu vực Tam Giác, mới thực sự khâm phục tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy” của ông Hùng. Ông Hùng cho biết ông vừa cùng một số người dân trong khu vực thử nghiệm “đồ nghề” bằng cách bấm giây đồng hồ và di chuyển đến điểm dự kiến. Kết quả cho thấy, “xe” ông mất khoảng 19 giây, để tiếp cận mục tiêu trong vòng bán kính khoảng 100 mét.

Ông Hùng thuyết mình về tính cần thiết của thiết bị và tính chủ động PCCC ở khu dân cư rằng: “ Xe tôi đã ở trong vùng lõi của Tam Giác, chỉ di chuyển qua các ngóc ngách nên mất thời gian ngắn, chứ nếu lực lượng chuyên nghiệp thì phải dừng xe bên phía ngoài đường lớn, và vác đồ nghề vào trong. Số lượng kiệt hẻm theo đó sẽ nhân đôi, nhưng thời gian thì có thể sẽ phải nhân lên rất nhiều, mà với lửa thì mỗi giây là một hiểm họa chết người, lan rộng…”.

Mong đừng dùng đến

Bắt tay vào thực hiện từ giữa năm 2014, đến chừng đầu năm 2016 thì ông Hùng đã khá hài lòng với bộ “đồ nghề” tạm gọi là hoàn chỉnh của mình. Đầu tư cho “xe” đến hơn 20 triệu đồng từ tiền khen thưởng trong các phong trào cộng đồng, địa phương ở cương vị Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu Tam Giác, nhưng ông cho biết, đây có lẽ là thứ “đồ nghề” mà ông không bao giờ mong được sử dụng đến.

Dù vậy, cứ hễ nghe hay đọc thông tin cháy nổ, hỏa hoạn ở đâu là ông lại cặm cụi lôi chiếc “xe” chữa cháy ra “bảo trì, bảo dưỡng”, săm soi từng sợi dây, mối buộc…

Hàng xóm của ông Hùng cho hay, trong khu vực, ai cũng biết nhà ông Hùng có thiết bị PCCC nên mọi người đều lưu số điện thoại của ông để đề phòng bất trắc.

Mới hồi đầu năm 2016, cách nhà ông không xa có một hộ gia đình chuyên nấu bán thức ăn đường phố đã phát hỏa khi chủ nhà đi vắng. Chiếc “xe” cứu hỏa của ông Hùng phát huy ngay tác dụng, khống chế đám cháy khi đang ở mức có thể kiểm soát.

“Toàn khu Tam Giác này có 9 tổ dân phố với khoảng gần 2.000 nhân khẩu. Từ ngoài đường lớn, muốn vào tận những hộ sâu trong lõi khu Tam Giác phải qua cả chục ngóc ngách ngoằn ngoèo rất khó định hướng. Nói dại, lỡ có vấn đề gì, thì việc lực lượng chuyên nghiệp từ nơi khác đến rất khó xoay xở. Vì vậy, mà ông Hùng đã tự trang bị “xe” riêng cho khu dân cư, như lực lượng chuyên nghiệp” - thiếu úy Bùi Ngọc Phước, cảnh sát khu vựcTam Giác, cho biết.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên