16/04/2017 09:18 GMT+7

Dân được tạo điều kiện gửi thông tin

NHẬT HUY - NHƯ BÌNH ghi
NHẬT HUY - NHƯ BÌNH ghi

TTO - Nhiều người rất quan tâm đến hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ảnh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn.

Chính quyền sẽ gần dân hơn khi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân. Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp dân, giải quyết dứt điểm việc khiếu nại nhà đất kéo dài - Ảnh: Tư Trung
Chính quyền sẽ gần dân hơn khi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân. Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp dân, giải quyết dứt điểm việc khiếu nại nhà đất kéo dài - Ảnh: Tư Trung

Bên cạnh phản hồi với người dân, Chính phủ cũng cần phải thể hiện được rằng trong những quyết sách, chính sách ban hành có bóng dáng của những ý kiến, góp ý của người dân thông qua website

Nhà báo CLAS THOR

Dưới đây là chia sẻ của hai người nước ngoài am hiểu về vấn đề này.

* Ông CLAS THOR (người Thụy Điển, nhà báo, giảng viên truyền thông):

Ngoài giao tiếp ảo, cần đi “vi hành”

Ảnh: N.HUY
Ông CLAS THOR - Ảnh: N.HUY

Nguyên tắc căn bản trong điều hành một quốc gia phải là đối thoại giữa chính quyền và người dân. Không phải tới bây giờ chính phủ và các cơ quan của chính phủ mới tiếp nhận ý kiến, thông tin, phản ảnh, khiếu nại, yêu cầu... từ người dân.

Từ lâu đã có những hình thức giao tiếp giữa chính quyền và người dân như phòng tiếp dân, vốn rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay; nhà thông tin rất phổ biến ở một số nước châu Âu, trong đó có Thụy Điển, nơi người dân có thể tới để biết mọi chuyện “làm ăn, chi tiêu” của chính phủ, đồng thời giám sát, cung cấp thông tin...

Ở một số xã hội phương Đông thời xưa còn có câu chuyện đánh trống kêu oan, theo đó, người dân mỗi khi có oan ức, bất bình thì đến cửa quan đánh trống, quan sẽ cho mời vào trình bày...

Theo thời gian, khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội phát triển, hình thức giao tiếp giữa chính quyền và người dân cũng phát triển.

Từ hình thức thư tín (thư gửi qua bưu điện) tới thư điện tử (email), điện thoại và giờ là website, mạng xã hội, tin nhắn... Có thể nói chưa bao giờ hoạt động đối thoại giữa chính quyền và người dân được chắp cánh như hiện nay.

Người dân được tạo điều kiện hết sức thuận lợi để gửi thông tin, ý kiến, khiếu nại, vấn đề của chính mình tới chính phủ và các cơ quan chính phủ.

Ở Thụy Điển, Văn phòng Chính phủ từ lâu thiết lập và duy trì website bằng hai thứ tiếng, tiếng Thụy Điển tại địa chỉ http://www.regeringen.se và tiếng Anh tại http://www.government.se.

Website này nhằm mục đích thông tin tới người dân một cách nhanh nhất, chính thống và chính xác nhất các hoạt động của chính phủ cũng như các vấn đề mà người dân quan tâm.

Đặc biệt, website này công khai thông tin liên hệ của 161 đầu mối người dân có thể trực tiếp liên lạc mà không phải gửi chung về duy nhất một đầu mối như cách mà nguoidan.chinhphu.vn đang làm.

161 đầu mối này gồm tên, chức danh, email, số điện thoại của các bộ trưởng, thư ký bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan trực thuộc Chính phủ Thụy Điển. Với cách làm này, người dân có thể tin tưởng rằng thông tin/vấn đề/kiến nghị của họ được gửi đến đúng nơi cần gửi.

Hình thức giao tiếp này hiệu quả hay không tùy thuộc vào hành xử của chính phủ đối với những thông tin nhận được. Nếu người dân cảm thấy câu hỏi, vấn đề của họ được tiếp nhận, được xử lý và có phản hồi, họ sẽ tin tưởng và tiếp tục sử dụng website như một kênh giao tiếp với chính quyền.

Ngoài ra, bên cạnh hình thức giao tiếp ảo (qua website, thư từ), chính phủ và các bộ ngành cũng cần phải có những chuyến “vi hành” hoặc các hoạt động sống cùng người dân, gần dân.

Ví dụ ở Thụy Điển, thủ tướng thường dành mỗi tuần một ngày để đi thăm các địa phương, còn các bộ trưởng thì tham gia các chương trình tọa đàm, phỏng vấn với truyền thông để nắm bắt được dòng chảy của xã hội.

* Ông GRAHAM POTTER (người Canada, giám đốc quan hệ khách hàng của một công ty bảo vệ):

Các ý kiến cần được lắng nghe và xử lý

Ông GRAHAM POTTER - Ảnh: NVCC
Ông GRAHAM POTTER - Ảnh: NVCC

Chính phủ mở kênh tiếp nhận ý dân là một ý tưởng rất hay, tuy nhiên để có thể trở thành kênh tiếp nhận hiệu quả, thực tế, chắc chắn Việt Nam cần phải mất thêm thời gian để điều chỉnh, sửa chữa cho đến khi kênh tiếp nhận hoạt động hiệu quả thực sự.

Ban đầu, có thể người dân còn nghi ngại về kênh tiếp nhận này, các cơ quan tiếp nhận dù ở cấp độ nào cũng cần phải xây dựng được niềm tin cho người dân thông qua sự cởi mở, chân thật và hành động rõ ràng.

Tiếp nhận thông tin chỉ là bước đầu tiên. Bước thứ 2 là cơ quan nhà nước tiếp nhận phải đánh giá, xem lại, thậm chí phải điều tra, làm rõ các phản ảnh từ người dân. Bước thứ 3, quan trọng nhất là hành động và cải tiến với tinh thần xây dựng dựa trên các phản ảnh đó.

Theo tôi, để kênh tiếp nhận thông tin, phản ảnh của người dân đạt hiệu quả, Chính phủ cần đảm bảo rằng mọi người đều biết đến kênh tiếp nhận này, địa chỉ để truy cập nó và sử dụng như thế nào, khi vào trang này phải dễ hiểu, thao tác đơn giản, quan trọng hơn nữa trong truyền thông phải cho người dân biết họ có lợi ích gì nếu tương tác, phản ảnh thông tin đến Chính phủ.

Các phương tiện truyền thông như báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh... cần tham gia vào quá trình thông tin đến người dân.

Lượng người truy cập, nội dung được xử lý, những thống kê liên quan đến kênh tiếp nhận phải được thường xuyên đăng tải, cập nhật như một cách nhắc nhở người dân làm quen với kênh tiếp nhận thông tin còn mới mẻ này.

Một yếu tố mà tôi cũng muốn đề cập là cơ quan hành chính các cấp khi tiếp nhận thông tin phải tuân thủ quy trình được đưa ra ban đầu, nghĩa là từ khâu tiếp nhận, công bố thông tin đến thời gian quy định xử lý... đều phải đúng quy định và có biện pháp chế tài nếu không được tuân thủ.

Lúc này, nếu cơ quan hành chính nơi tiếp nhận thông tin nhưng không có hành động cụ thể để giải quyết thì cấp cao hơn phải có biện pháp quyết liệt hơn để đảm bảo những gì đã xây dựng ra phải được thực thi đúng mực, đúng cách.

Ở Canada, chúng tôi tin tưởng vào những “Ombudsman” (tạm dịch: thanh tra viên), nhưng hành động của họ còn hơn cả một thanh tra, họ không phải là người đại diện cho nhóm phản ảnh hay tổ chức tiếp nhận thông tin, bất kỳ ai cũng đều có quyền yêu cầu lực lượng Ombudsman giúp đỡ.

Truyền thông ngày nay đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình truyền tải thông tin ở Canada.

Tôi thấy ở Việt Nam cũng vậy, các nhà báo, nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam đã mổ xẻ, khơi ra nhiều vấn đề nổi cộm của xã hội. Cuối cùng, để website tiếp nhận ý kiến người dân hoạt động hiệu quả và thực chất, các ý kiến phản ảnh của người dân cần được lắng nghe và xử lý.

NHẬT HUY - NHƯ BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên