14/04/2017 16:34 GMT+7

Về hưu non, coi chừng tính dài hóa ngắn

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)

TTO - Trước thông tin nhiều người “chạy” giấy giám định sức khỏe để về hưu non (về hưu trước tuổi) trước ngày 1-1-2018, nhiều bạn đọc thắc mắc điều kiện nào mới được về hưu trước tuổi…

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu tư vấn của luật sư TRẦN THỊ MIỀN - Đoàn luật sư TP.HCM.

"Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), tuổi nghỉ hưu vẫn là 60 (đối với nam) và 55 (đối với nữ).

Tuy nhiên, cách giải quyết chế độ có khác nhau đối với những trường hợp nghỉ hưu trước và sau 1-1-2018, trong đó điểm khác biệt lớn nhất là thời gian đóng BHXH được tăng dần như lao động nam phải đóng đủ 35 năm, lao động nữ đóng đủ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay.

Về chi tiết, trước 1-1-2018 lao động nam đóng BHXH 15 năm đã được hưởng 45% lương. Còn nghỉ hưu vào năm 2018 cần đóng BHXH 16 năm mới được 45% lương.

Với lao động nữ, trước 1-1-2018, sau 15 năm đóng BHXH được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH thêm được cộng 3%. Còn sau ngày 1-1-2018, mỗi năm đóng thêm chỉ được cộng 2%.

Về mức hưởng tối đa, từ 1-1-2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu tương đương 75% mức đóng BHXH hằng tháng.

Cụ thể, việc đáp ứng mức lương hưu 75% theo lộ trình tới năm 2022 như sau: Từ năm 2019, nam phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam phải có 35 năm đóng BHXH. Với nữ thì sau 1-1-2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75% khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.

Thêm một lưu ý quan trọng là không phải cứ muốn là người lao động có thể về hưu sớm trước tuổi, chưa kể mỗi năm người lao động nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% lương hưu.

Muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH, người lao động còn phải giám định sức khỏe.

Đơn cử, người lao động thuộc đối tượng quy định khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ 1-1-2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành".

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên