05/04/2017 10:44 GMT+7

​Cần có nguyên tắc để khai thác vỉa hè

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN ghi
QUANG KHẢI - NGỌC ẨN ghi

TTO - Nhiều nước quy hoạch theo hướng có những vỉa hè chỉ là phố đi bộ, có vỉa hè cho buôn bán với một tỉ lệ chừng mực và thậm chí có nước cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán như ở khu phố cổ.

Vỉa hè trước một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng đã thông thoáng, không làm ảnh hưởng tới người đi bộ - Ảnh: Hữu Thuận
Vỉa hè trước một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng đã thông thoáng, không làm ảnh hưởng tới người đi bộ - Ảnh: Hữu Thuận
Việc quản lý không gian vỉa hè cần được tính toán đầy đủ về mặt pháp lý, tài chính (giá cả diện tích sử dụng vỉa hè), quy chuẩn kỹ thuật..., dựa trên cơ sở khoa học và phải được HĐND TP xem xét quyết định 
TS PhẠm Sanh

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 3-4 đăng bài Vỉa hè thông thoáng rồi... làm gì? - trao đổi với ThS Nguyễn Phước Ngọc Đại, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, về việc sử dụng vỉa hè sao cho hiệu quả, nhiều chuyên gia, bạn đọc đã có những ý kiến chia sẻ, phản hồi.

* KTS Võ Kim Cương:

Vỉa hè có nhiều mục đích sử dụng

Vỉa hè trong đô thị có nhiều chức năng chứ không chỉ duy nhất cho mục đích giao thông.

Nếu vỉa hè nào chỉ dành cho giao thông thì phục vụ giao thông nhưng vỉa hè nào có đủ điều kiện thì vẫn có thể sử dụng cho các mục đích khác, như có thể kinh doanh, để xe - như vậy tất cả nhu cầu của xã hội, người dân đều được thỏa mãn.

Do đó, tôi đồng tình về mặt nguyên tắc cho khai thác những vỉa hè đủ điều kiện như rộng, không gây kẹt xe cho mục đích kinh doanh.

Còn vỉa hè nào ảnh hưởng tới giao thông, kẹt xe thì nhất quyết không cho kinh doanh trên vỉa hè, việc này phải được khảo sát thực tế tính toán trên cơ sở khoa học, hợp lý.

Còn việc triển khai vấn đề này nên giao lại cho địa phương thực hiện, còn nếu giao cho công ty thì công ty này không phải là thực hiện theo mô hình kinh doanh lấy lời mà nhận khoán của Nhà nước.

Việc cho kinh doanh trên vỉa hè cũng cần phải tách ra một bên chỉ dành cho kinh doanh có thu tiền, một bên dành cho những người bán hàng rong, người nghèo kèm theo những chính sách xã hội, ưu đãi riêng.

Tuy nhiên, tương lai cũng dần phân rõ khu vực đô thị, ví dụ những khu đô thị cao cấp, bộ mặt của TP thì hạn chế việc mua bán hàng rong mà các loại hình ở đây bày bán quy củ, trật tự hơn, vệ sinh hơn.

Để vấn đề này trở thành hiện thực, tôi nghĩ TP nên đưa ra một số nguyên tắc chung, còn việc thực hiện mang tính linh động theo địa điểm, theo địa phương.

* TS PhẠm Sanh (chuyên gia giao thông):

Xây dựng quy chuẩn không gian vỉa hè

Nhiều nước trên thế giới đã quy hoạch không gian vỉa hè theo hướng có những vỉa hè chỉ là phố đi bộ, có loại vỉa hè cho buôn bán với một tỉ lệ chừng mực và thậm chí có nước cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán như ở khu phố cổ để phát triển du lịch.

Luật giao thông đường bộ, Luật xây dựng VN có nêu việc sử dụng vỉa hè là nơi đi bộ, trồng cây xanh, dành cho người dân tiếp cận xe công cộng, nơi đặt các công trình hạ tầng như điện, nước.

Do đó, những vỉa hè trên các trục đường chính có mật độ xe lưu thông lớn chỉ dành cho người đi bộ và những vỉa hè có diện tích rộng thì dành cho người vừa đi bộ kết hợp với mua sắm, ăn uống.

Vừa qua có ý kiến đề xuất sắp xếp lại chỗ cho người bán hàng rong bán trên vỉa hè chẳng khác nào việc giải tỏa xong vỉa hè để rồi lấn chiếm lại vỉa hè. Theo đó, cách làm này đã không dựa trên một quy chuẩn nào về tổ chức không gian vỉa hè.

Để có một quy chuẩn không gian vỉa hè như ở các nước đã làm, tôi đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM cần giao các sở, ngành xây dựng quy chuẩn không gian vỉa hè cho TP.HCM.

Theo đó, các sở ngành sẽ nghiên cứu quy chuẩn của các nước để có cơ sở khoa học hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức vỉa hè.

Các cơ quan chức năng sẽ xác định loại vỉa hè nào chỉ cho đi bộ, vỉa hè nào sẽ cho buôn bán loại hàng gì, mặt hàng nào trên vỉa hè với tỉ lệ diện tích bao nhiêu là phù hợp.

Có những vỉa hè chỉ dành chỗ đậu xe máy... Việc quản lý không gian vỉa hè cần được tính toán đầy đủ về mặt pháp lý, tài chính (giá cả diện tích sử dụng vỉa hè), quy chuẩn kỹ thuật..., dựa trên cơ sở khoa học và phải được HĐND TP xem xét quyết định.

Các bài trông giữ xe phục vụ tuyến phố đi bộ hồ Gươm cũng chiếm diện tích lớn lòng đường
Một bài trông giữ xe phục vụ tuyến phố đi bộ hồ Gươm - Hà Nội chiếm hết vìa hè và diện tích lòng đường

* KTS Ngô Viết Nam Sơn: Ưu tiên sắp xếp vỉa hè trật tự

Sau nhiều ngày, nhiều quận huyện triển khai kế hoạch lập lại trật tự lòng lề đường, nhiều vỉa hè đã thông thoáng hơn là tín hiệu vui. Nhưng đằng sau tín hiệu vui ấy thì cũng có trăn trở vỉa hè thông thoáng rồi làm gì tiếp theo. Vấn đề này cần có cái nhìn tổng thể trên phạm vi toàn TP.

Đầu tiên, ở những khu dân cư, đô thị mới thì không khuyến khích việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh mua bán mà chỉ dành cho người đi bộ. Trường hợp này người dân muốn sử dụng vỉa hè thì phải lấy phần đất của mình làm vỉa hè, nghĩa là phải xây nhà thụt vào bên trong.

Còn đô thị hiện hữu vẫn phải ghi nhận vỉa hè bao gồm nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế... Tùy theo trường hợp mà mình xử lý nhưng không nên theo xu hướng bán vỉa hè tạo nguồn thu cho TP.

Phần lớn người dân bám víu vỉa hè là những người nghèo nên khoản tiền 500.000 hay 1 triệu đồng đối với họ là khoản chi rất lớn, với lại vấn đề này chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng mà vội vã làm là không khả thi.

Do đó, trước mắt khoan nghĩ đến việc thu phí, tạo nguồn thu từ vỉa hè mà ưu tiên số 1 hiện nay là sắp xếp vỉa hè cho trật tự.

Khi mọi thứ trên vỉa hè đã trật tự, nề nếp rồi hãy tính tới chuyện thu phí và việc này nên giao lại cho địa phương tự quyết. Tất nhiên, thu phí vỉa hè như thế nào, mức phí ra sao... cần có một nghiên cứu xã hội kỹ lưỡng.

* Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP.HCM):

Xem xét tùy tuyến đường

Không thể nói chung chung là chọn 30% diện tích vỉa hè ở TP.HCM tổ chức kinh doanh vì chẳng khác nào trở lại lấn chiếm vỉa hè sau khi đã giải tỏa.

Hơn nữa, cần có những vỉa hè trên các đường có cơ quan ngoại giao, các khách sạn lớn... chỉ được sử dụng cho người đi bộ. Do đó, việc sử dụng vỉa hè cần được xem xét trên từng tuyến đường phù hợp.

Để làm được điều này, TP cần tiến hành điều tra khảo sát vỉa hè nào dùng cho người đi bộ, vỉa hè nào làm chỗ đậu xe hoặc cho phép kinh doanh.

Gần VN có Thái Lan, Đài Loan, Singapore... họ tổ chức vỉa hè đi bộ có buôn bán rất nề nếp đã hấp dẫn du khách đến vui chơi.

Do đó, để thực hiện việc sử dụng vỉa hè sao cho đúng và hiệu quả, các cơ quan chức năng TP nên lập đề án tổ chức vỉa hè với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học góp ý hoàn thiện đề án này.

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên