27/03/2017 12:54 GMT+7

Diễn đàn Văn hóa giao thông: Vi phạm nhiều, xử phạt ít?

ĐỖ TRẦN (TP.HCM)
ĐỖ TRẦN (TP.HCM)

TTO - Với khoảng 20 năm sống ở TP.HCM, mỗi khi đi trên đường tôi luôn quan sát và nhận ra một điều, đó là lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thường ít kiểm tra, xử phạt người vi phạm vào các cung giờ cao điểm.

Vào giờ cao điểm, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CSGT là điều tiết, phân luồng để hạn chế ùn tắc.
Trong ảnh: CSGT điều tiết giao thông trên đường Tùng Thiện Vương hướng lên cầu Nhị Thiên Đường, Q.8,
TP.HCM chiều 15-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vào giờ cao điểm, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CSGT là điều tiết, phân luồng để hạn chế ùn tắc. Trong ảnh: CSGT điều tiết giao thông trên đường Tùng Thiện Vương hướng lên cầu Nhị Thiên Đường, Q.8, TP.HCM chiều 15-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông vi phạm lấn tuyến, lấn làn, vượt đèn đỏ... diễn ra khá lộn xộn trên hầu hết trục đường.

Mạnh ai nấy lấn làn

Nếu thường xuyên đi trên xa lộ Hà Nội (đoạn từ đường Nguyễn Hoàng - cầu Sài Gòn, Q.2) vào mỗi buổi sáng, hẳn mọi người sẽ thấy cảnh rất nhiều người chạy xe máy phóng ào ào vào làn đường dành riêng cho ôtô để đi về hướng cầu Sài Gòn.

Tại một số giao lộ ở đoạn đường này, dù có mặt của CSGT song gần như không thấy nhắc nhở, xử phạt những người vi phạm đó.

Trước đây, đoạn đường này (hướng tuyến từ Q.2 về Q.Bình Thạnh) chỉ có hai làn đường dành cho xe máy, giao thông thường xuyên ùn ứ, do vậy người dân viện lý do chạy tạm ra làn ôtô cho thông thoáng thì đã đành.

Gần đây, ngành giao thông đã dịch chuyển dải phân cách cứng ra làn đường ôtô (tức tăng làn dành cho xe máy lên 3 làn xe), đường phố cũng thông thoáng hơn, nhưng người dân vẫn phóng xe máy vào làn xe ôtô hết sức nguy hiểm.

Tôi cũng đã không ít lần chứng kiến cảnh va quẹt, thậm chí xảy ra tai nạn khi xe máy chạy vào làn dành cho xe ôtô ở đây.

Không riêng tuyến xa lộ Hà Nội, ngay cả các đường trong nội thành như đường Nguyễn Văn Trỗi vào mỗi buổi chiều hằng ngày, cứ tầm khoảng 17h đến 19h (đoạn từ cầu Công Lý đến Huỳnh Văn Bánh), tình trạng ôtô con, xe taxi ngang nhiên chạy lấn sang làn đường xe máy diễn ra phổ biến, mặc dù những xe ôtô này đi thẳng chứ không phải lấn vào làn xe máy để rẽ phải.

Tại giao lộ Huỳnh Văn Bánh - Nguyễn Văn Trỗi cũng thường xuyên có mặt CSGT trực chốt, nhưng gần như cũng “ngó lơ” khi thấy tình trạng này.

Trên đoạn đường này (hướng từ trung tâm ra sân bay) đã có tới 2 làn đường dành cho xe ôtô và chỉ 1 làn dành cho xe máy, nên việc vào giờ cao điểm hàng loạt ôtô con lấn sang làn xe máy, ép xe máy phải leo lên lề hoặc chen lấn nhau nhích từng chút một đã tạo nên sự bức xúc cho người đi xe máy.

Có trường hợp người đi xe máy bị dãy ôtô choán hết phía trước đã cố tình la lớn và chỉ vào những xe ôtô vi phạm nhằm báo cho CSGT đứng trực chốt góc đường Huỳnh Văn Bánh biết mà xử phạt, song đều không có tác dụng.

Đừng để thói quen xấu lây lan

Nói đến văn hóa giao thông tức là nói đến ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông.

Ý thức đó được hình thành từ nhiều yếu tố: tự bản thân người tham gia giao thông hiểu biết pháp luật, ý thức được hành động của mình; từ việc tuyên truyền, nhắc nhở của các cơ quan chức năng nhằm giúp người dân hiểu biết pháp luật và tuân thủ trật tự an toàn giao thông; từ việc xử phạt nghiêm của cơ quan chức năng để đưa người dân cố tình vi phạm vào khuôn khổ chấp hành pháp luật...

Công bằng mà nói, những trường hợp tham gia giao thông vi phạm các lỗi như chạy lấn tuyến, lấn làn, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, vượt đèn đỏ... thì có đến khoảng 90% người điều khiển xe biết được việc chạy xe như vậy là sai.

Biết sai nhưng họ vẫn chạy như một thói quen và lâu ngày được dung dưỡng thành một thói quen xấu. Dung dưỡng ở đây, tôi muốn nói đến đó là có sự buông lỏng kiểm tra, xử phạt nghiêm của lực lượng chức năng vào giờ cao điểm.

Sự buông lỏng này lâu nay đã vô hình trung tạo thành sự ỷ lại cho người điều khiển xe, rằng: “Giờ cao điểm ai phạt làm gì, nên mình cứ đi”. Một lần, hai lần rồi riết thành thói quen.

Ban đầu thì cũng chỉ có một vài người nhiễm thói xấu này, nhưng lâu ngày thấy người khác đi được và cũng không ai mặn mà xử phạt nên dần dần thói xấu lây lan đến số đông.

Trong xã hội, khi mà thói quen không chấp hành trật tự an toàn giao thông có dấu hiệu ngày càng lây lan, nếu chúng ta không vào cuộc quyết liệt chấn chỉnh, xử phạt nghiêm thì đừng mơ đến việc thiết lập được nét văn hóa giao thông.

Tăng cường phạt “nguội” trong giờ cao điểm

Đại úy Trần Thị Hồng Nhung (phó đội trưởng đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý giao thông - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM) cho biết trong giờ cao điểm, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường xuyên vi phạm như một “thói quen xấu” với các lỗi phổ biến như lấn làn, lấn tuyến, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Tuy nhiên, trong thời gian cao điểm, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CSGT là phải cố gắng điều tiết, phân luồng dòng xe để hạn chế tình trạng ùn ứ, ùn tắc giao thông.

Vì vậy, khi phát hiện nhiều lỗi vi phạm, CSGT cũng ít khi xử phạt tại chỗ bởi chỉ cần ra tín hiệu dừng một xe sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phân luồng, điều tiết giao thông.

Từ hạn chế này, nhiều người điều khiển xe có thể có tâm lý chủ quan khi cho rằng cứ chạy xe vi phạm thoải mái trong giờ cao điểm cũng không bị CSGT xử phạt.

Nắm bắt tâm lý tiêu cực đó nên lực lượng CSGT đã tăng cường xử phạt “nguội” qua hệ thống camera tại chỗ và camera di động để xử phạt nghiêm, tăng tính răn đe.

Theo số liệu thống kê, chỉ riêng trong năm 2016, phòng đã triển khai lực lượng CSGT sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, ghi hình 45.605 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Trong đó, có hàng ngàn trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm trong thời gian cao điểm đã bị xử lý. (S.BÌNH)

ĐỖ TRẦN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên