25/03/2017 13:46 GMT+7

Đừng để láng giềng nhạt phai

ThS NGUYỄN VĂN CÔNG
ThS NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Một nghiên cứu trong một cộng đồng hẹp ở đô thị cho thấy cuộc sống đô thị có phần làm cho cộng đồng dân cư ít quan tâm đến nhau, ít thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau.

Hàng xóm đến dựng nhà, căng bạt giúp đỡ ông Nguyễn Văn Chúc (tên thường gọi Ba Chúc, 59 tuổi) ở xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi , P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: N.Dương
Hàng xóm đến dựng nhà, căng bạt giúp đỡ ông Nguyễn Văn Chúc (tên thường gọi Ba Chúc, 59 tuổi) ở xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi , P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: N.Dương

Đây là nghiên cứu “Hành vi giúp đỡ giữa những người hàng xóm tại Hà Nội” do Viện Tâm lý học chủ trì, ThS Tô Thúy Hạnh làm chủ nhiệm.

Chúng tôi giới thiệu một phần kết quả nghiên cứu, từ đó đề xuất một số biện pháp thiết thực hướng đến xây dựng và phát triển hành vi văn minh ở đô thị hiện nay.

Ít người sẵn lòng giúp nhau

Nghiên cứu được thực hiện với 150 người dân (55,5% nam và 44,5% nữ) ở P.Bưởi, Q.Tây Hồ và P.Vĩnh Phúc, Q.Ba Đình (Hà Nội).

Kết quả cho thấy điểm trung bình ở mục giúp đỡ nhau khi khó khăn là 2,08 (thang điểm từ 1 đến 3), thể hiện mối quan tâm giúp đỡ giữa những người hàng xóm trong mẫu khảo sát chỉ ở mức trung bình.

Việc giúp đỡ này thể hiện rõ hơn khi hàng xóm gặp khó khăn đáng kể như người nhà ốm đau, gặp rủi ro... (điểm trung bình 2,13), còn với những khó khăn không lớn như mượn đồ lẫn nhau, vay mượn tiền... thì mức độ giúp đỡ có giảm hơn (điểm trung bình là 2).

Đi vào chi tiết, nghiên cứu cho thấy chỉ có 29,5% người được khảo sát cho biết thường giúp khi hàng xóm có việc cần nhờ đi đâu đó và chỉ có 10% thường giúp khi hàng xóm muốn mượn đồ dùng sinh hoạt hằng ngày khi bị hỏng, hết và chưa mua kịp.

Điều này phản ánh một phần sự liên hệ, trao đổi giữa những gia đình hàng xóm ở đô thị với nhau còn ít.

Trong khi đó, những hành động rất nhỏ cũng có ý nghĩa quan trọng trong duy trì mối quan hệ hàng xóm láng giềng với nhau, như tục ngữ có câu: “Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen”, “Nhà có láng giềng nhà, đồng có láng giềng đồng”...

Tăng cường mối quan hệ láng giềng

Cuộc sống đô thị với sự tiện ích của các dịch vụ, kiến trúc nhà ở và tính quan hệ lợi ích cũng chi phối đến mức độ giúp đỡ nhau của các cư dân đô thị.

Mỗi khi thiết bị hư hỏng là có dịch vụ sửa chữa theo số điện thoại; đồ ăn uống có sẵn, chỉ cần gọi điện là có người phục vụ tận nơi... nên phần lớn người dân đô thị có suy nghĩ “cửa đóng then cài” trong cuộc sống của mình cũng là điều dễ hiểu.

Thêm vào đó, những người ở thành phố phần lớn ở nhiều vùng miền khác nhau chuyển đến, họ không có nhiều mối quan hệ ràng buộc nên thường không gắn bó chặt chẽ cũng như không phải thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng.

Điều này khác với ở quê, tuy chưa có kết quả điều tra cụ thể nhưng mối quan hệ giữa các thành viên trong làng xã thường là rất cao. Họ cùng ở và cùng giải quyết các công việc chung (do đặc tính nông thôn là cùng sống, cùng lợi ích).

Khi gia đình nào đó có niềm vui hay nỗi buồn gì thì họ hàng, bà con lối xóm đều chung tay giúp đỡ. Chẳng hạn với việc cưới hỏi, thường thì các gia đình không phải thuê mướn người nấu nướng, phục vụ... bởi bà con, hàng xóm sẽ tự nguyện đến giúp.

Theo TS giáo dục Nguyễn Minh Thức (Hội Tâm lý - giáo dục Đồng Nai): “Ở đâu thiếu vắng những không gian giao tiếp cộng đồng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống của cư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của chính các thành viên trong mỗi gia đình”.

Do vậy, cần tăng cường mối quan hệ láng giềng ở đô thị. Việc giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ giữa những người hàng xóm sẽ làm cho mối quan hệ càng thêm thân tình, đoàn kết, tương hỗ lẫn nhau.

Các tổ dân phố, các khu tập thể, chung cư cần duy trì các sinh hoạt định kỳ và thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc việc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng hạn khi gia đình nào đó có người bị mắc bệnh hiểm nghèo hay có việc hiếu hỉ thì phải thông báo đến từng hộ dân được biết.

Mỗi tổ dân phố, khu tập thể, chung cư nên có lực lượng để đại diện thăm hỏi hay duy trì an ninh, bảo đảm vệ sinh, các sinh hoạt cộng đồng...

Bên cạnh đó, mỗi người cần dẹp bớt “cái tôi” của mình để hòa đồng hơn với láng giềng. Mỗi người lớn chúng ta hãy chủ động cởi mở, bước qua cái vỏ bọc kín của mình, thân thiện bằng cái bắt tay, nụ cười với những người hàng xóm thì mọi khoảng cách sẽ được kéo lại gần hơn.

Giúp trẻ giao tiếp nhiều hơn

Người lớn cũng phải làm gương cho con trẻ trong việc giao lưu, giúp đỡ, chia sẻ, động viên những người hàng xóm thường xuyên.

Thực tế trẻ em ở đô thị thường ít quan hệ với những bạn bè hàng xóm vì nhiều lý do như áp lực học tập, nguy cơ mất an toàn... nên phụ huynh ít cho con cơ hội để các em giao tiếp, dẫn đến các em có khi không biết những người cùng trang lứa ở gần nhà mình.

Đứa trẻ nào cũng luôn muốn chơi, giao lưu với nhau nên nếu cha mẹ chúng sống lạnh lùng thì sẽ thiệt thòi trước hết cho con họ.

ThS NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên