11/12/2016 09:18 GMT+7

Làm sao dẹp nạn xây không phép?

P.S.NGÂN - D.N.HÀ 
- H.KHÁ ghi
P.S.NGÂN - D.N.HÀ 
- H.KHÁ ghi

TTO - Vụ khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xây không phép được báo chí thông tin tuần qua một lần nữa đặt ra vấn đề: tại sao nạn xây sai phép, không phép cứ tồn tại trên cả nước mà chưa được giải quyết?

Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột vào giai đoạn hoàn thiện nhưng ngày 9-12 mới được cấp tốc cấp phép xây dựng - Ảnh: B.D.
Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột vào giai đoạn hoàn thiện nhưng ngày 9-12 mới được cấp tốc cấp phép xây dựng - Ảnh: B.D.

Vấn nạn này có khó giải quyết và cách nào loại bỏ? Tuổi Trẻ đặt câu hỏi và ghi nhận được các đề xuất sau.

* Ông Nguyễn Tấn Tuân (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa):

Phải siết trách nhiệm các cơ quan và thủ tục đầu tư

Các dự án, công trình vi phạm quy hoạch, xây dựng sai phép như kiểu Mường Thanh ở Nha Trang (Khánh Hòa) và nhiều nơi khác như báo chí phản ánh là có vấn đề, có trách nhiệm liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước, ở nhiều khâu.

Muốn chấn chỉnh tình trạng đó, trước hết phải siết lại trách nhiệm của các cơ quan cấp phép, quản lý, giám sát đầu tư, xây dựng và phải làm đủ, làm đúng các quy định, thủ tục đầu tư.

Tỉnh Khánh Hòa cũng như nhiều nơi khác tạo điều kiện thông thoáng nhằm thu hút đầu tư các dự án, xây dựng công trình là để giúp người dân, doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh đàng hoàng, chân chính và họ phải thực hiện đúng pháp luật, chứ không phải “mở cửa” là làm lơ cho làm trái pháp luật.

Đối với các dự án, công trình cho đầu tư xây dựng thì ngay từ đầu đều phải làm đúng, làm đủ mọi thủ tục cả về quy hoạch, thiết kế, đầu tư, môi trường..., được chấp nhận thì mới cho khởi công.

Một dự án sau khi được cấp phép, khởi công thì các cơ quan chức năng phải có sự giám sát ngay từ khi đào móng đến suốt các giai đoạn, quy trình về đầu tư, lao động, bảo vệ môi trường, thi công xây dựng...

Dự án nào có sai phạm phải được phát hiện xử lý, khắc phục ngay, nếu không thì đình chỉ, thu hồi. Lãnh đạo cơ quan nào cấp phép sai, cán bộ nào làm sai hay để xảy ra sai phạm, tồn tại sai phạm đều phải được xử lý đúng quy định.

Có siết lại từ cả hai phía như vậy thì tình trạng vi phạm quy hoạch, sai phạm về xây dựng mới được chấn chỉnh, hạn chế, chấm dứt.

* Ông Phạm Văn Chi (nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa):

Biện pháp cứng và mềm

Việc để xây dựng không phép tràn lan, kéo dài như vậy là do việc thực thi luật pháp, kỷ cương phép nước, phòng chống tham nhũng đều làm không nghiêm. Trong khi đó, khi mỗi công trình xây không phép hoặc xây trái phép lại được hợp thức hóa, sửa quy hoạch để cho tồn tại thì chủ đầu tư vi phạm thu được các khoản lợi bất chính rất lớn.

Tiền thu lợi bất chính đó có thể sẽ quay trở lại để “chạy” sửa quy hoạch, để hợp pháp hóa cho các công trình sai phạm. Từ đó dẫn đến quy hoạch đã phê duyệt, như đối với Nha Trang, cũng bị phá, bị vi phạm và pháp luật bị coi thường, tình trạng xây dựng không phép, trái phép ở các địa phương cứ phát sinh, tồn tại mãi.

Để “triệt” các vi phạm quy hoạch, sai phạm về xây dựng và quản lý xây dựng như đã nêu, trước hết cần phải xử lý triệt để, ngăn chặn động cơ và cả các nguồn thu lợi bất chính, trái pháp luật của mấy ông chủ dự án cố tình làm trái, vi phạm.

Chẳng hạn, đối với các công trình Mường Thanh đã xây vượt trần quy hoạch tại Nha Trang thì “biện pháp mềm” là có thể để tồn tại nhưng dứt khoát phải xử lý thu hồi toàn bộ số tiền mà Mường Thanh đã kiếm được khi bán các tầng vượt trần trái phép đó để sung vào ngân sách, xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng.

Còn nếu dùng “biện pháp cứng” thì bắt buộc hoặc cưỡng chế đập bỏ các tầng sai phạm để lập lại trật tự về quy hoạch, xây dựng. Làm như thế thì các nhà đầu tư sai phạm mới chừa, mới không còn “động cơ” cố tình vi phạm để trục lợi.

* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):

Chấm dứt tình trạng xây rồi hợp thức hóa

Lâu nay, tình trạng cứ xây rồi hợp thức hóa sau xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Ngay như chuỗi khách sạn Mường Thanh do DNTN số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư đã xảy ra sai phạm nhiều lần, tại nhiều địa phương từ Bắc chí Nam nhưng phần lớn đều được chính quyền xử lý du di, cho hợp thức hóa, điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch, thậm chí cấp tốc xem xét cấp giấy phép xây dựng, biến hành vi vi phạm thành yếu tố được ưu tiên.

Những hành động tréo ngoe này được che đậy dưới “chiêu bài” là hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, tránh lãng phí xã hội. Hậu quả là pháp luật xây dựng không được tôn trọng, hết lần này đến lần khác, hết trường hợp này đến trường hợp khác và một doanh nghiệp làm được tất nhiên nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ làm được.

Để củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền, hệ thống pháp luật, theo tôi, phải chấm dứt tình trạng cứ xây rồi hợp thức hóa sau. Bộ máy thực thi công vụ phải giám sát, xử lý quyết liệt, nghiêm minh ngay từ khi vi phạm mới xảy ra.

Nếu như cán bộ, công chức nào để công trình xây dựng trái phép mọc lên có giá trị lớn mới phát hiện thì sau khi xử lý tháo dỡ công trình, các cán bộ này phải móc tiền túi để nộp lại ngân sách số tiền bằng giá trị công trình phải tháo dỡ, coi như phải bồi thường lãng phí xã hội do hành vi thiếu trách nhiệm của mình gây ra.

* Kiến trúc sư Tô Hùng (trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng):

Thu hồi giấy phép

Để xảy ra tình trạng công trình xây dựng trái phép, không phép, sai phép khá phổ biến thời gian qua là do thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở; thực hiện chưa nghiêm các quy định của Nhà nước trong xử phạt các công trình xây dựng trái phép, chỉ dừng ở xử phạt hành chính mà chưa buộc phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép, hay trong thời gian 60 ngày nếu không cung cấp đầy đủ giấy phép cũng phải tháo dỡ toàn bộ công trình không phép.

Giải pháp để quản lý là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuân thủ nghiêm các quy định trong cấp phép, xử phạt trong quản lý đô thị gắn với trách nhiệm tổ chức cá nhân.

Ngoài ra, cương quyết thu hồi giấy phép hành nghề đối với các công ty, cá nhân cố tình thiết kế công trình không đúng các quy định, điều lệ quản lý kiến trúc của địa phương.

* Ông Võ Công Chánh (bí thư Quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng):

Luân chuyển cán bộ định kỳ

Để tránh tình trạng nể nang trong việc xử lý nhà xây trái phép, quận tiến hành luân chuyển công tác đối với đội viên đội kiểm tra quy tắc đô thị quận và tổ kiểm tra quy tắc đô thị các phường; thành lập đội phản ứng nhanh của quận xử lý các trường hợp xây dựng nhà, công trình trái phép.

Việc luân chuyển cán bộ sẽ được thực hiện theo định kỳ, tránh để tình trạng cán bộ quy tắc đô thị là người địa phương phụ trách địa bàn phường mình sẽ dễ dẫn đến việc nể nang, ngại xử lý khi gặp phải bà con, thân thích của mình xây dựng nhà trái phép.

* Ông Y Biêr Niê (chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk):

Thu hút đầu tư gì cũng phải đúng luật

Ngay từ lúc có chủ trương cho Mường Thanh làm dự án tại Buôn Ma Thuột, tôi đã nói với các đơn vị, các sở ngành và ủy ban rằng Mường Thanh tuân thủ luật không tốt ở nhiều tỉnh thành rồi chứ không phải ít.

Nhưng tỉnh Đắk Lắk vẫn kêu gọi đầu tư và tôi cũng nói rằng việc kêu gọi là một việc, nhưng nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật, muốn xây thì phải có giấy phép.

Thế rồi bây giờ họ xây mười mấy hai chục tầng mà mới nói chuyện giấy phép là do các sở ngành không quản lý chặt chẽ. Công trình lớn như thế, trong khi người dân mà đụng một chút thì đã xử lý rồi.

T.B.DŨNG ghi

* TS Dư Phước Tân (trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Đến những năm gần đây, hệ thống quy định của pháp luật về xây dựng tương đối đầy đủ, hệ thống công chức thực thi công vụ trong lĩnh vực này cũng không thiếu, từ cấp tỉnh đến cấp phường xã. Như vậy, việc xây dựng trái phép có xảy ra hay không tùy thuộc vào trách nhiệm quản lý của từng địa phương.

Tôi có nghe dư luận rằng có một số doanh nghiệp được quyền đứng trên luật pháp xây dựng, họ có đất và muốn khởi công lúc nào cũng được, không cần giấy phép, không cần thiết kế.

Và dĩ nhiên, cuối cùng thì những “bước đi tắt” của họ cũng được cơ quan chức năng hợp thức hóa bằng nhiều cách. Xét trong thực tế, đa số đó là những doanh nghiệp có quan hệ rộng hoặc “có gốc gác”.

Nếu là người dân xây nhà trái phép thì còn lý giải nguyên nhân rằng do bức xúc về chỗ ở, không có nhiều tiền để mua nhà hợp pháp, rằng nhu cầu chỗ ở là nhu cầu thiết yếu của con người.

Đằng này doanh nghiệp bất chấp quy định của pháp luật để xây dựng những công trình đồ sộ không giấy phép để kinh doanh chỉ có thể lý giải rằng họ được một thỏa thuận ngầm từ chính quyền địa phương khi bắt tay vào xây dựng.

Theo tôi, để chấm dứt tình trạng này nên đặt trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, nếu địa phương có công trình xây dựng trái phép quy mô lớn như vậy thì giám đốc sở xây dựng sẽ bị kỷ luật thôi chức.

Phải đem sinh mệnh chính trị của người đứng đầu để bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật nghiêm minh thì người này mới có động lực để thực thi công vụ một cách liêm chính, đốc thúc những người dưới quyền của mình thực thi pháp luật nghiêm minh để việc xây dựng trái phép không tái diễn.

D.N.Hà ghi

P.S.NGÂN - D.N.HÀ 
- H.KHÁ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên