11/11/2016 11:44 GMT+7

Chiến thắng của ông Trump nhìn từ góc độ văn hóa, truyền thông

NGUYỄN THỊ QUỲNH NGA
NGUYỄN THỊ QUỲNH NGA

TTO - Bỏ qua khía cạnh chính trị mà báo chí đang rầm rộ đưa tin, nếu xét trên khía cạnh văn hóa, truyền thông thì đây quả là một cú lội ngược dòng ngoạn mục của tỉ phú đôla.

Trong những giờ cuối trước thời điểm bỏ phiếu, nhóm người Mỹ xuống đường ủng hộ ông Donald Trump - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump, thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga  - giảng viên chuyên ngành báo chí Trường ĐH Vinh - đã gởi đến Tuổi Trẻ Online bài viết về cuộc bầu cử ở Mỹ dưới góc độ văn hóa, truyền thông.

Theo tác giả, bỏ qua khía cạnh chính trị mà báo chí đang rầm rộ đưa tin, nếu xét trên khía cạnh văn hóa, truyền thông thì đây quả là một cú lội ngược dòng ngoạn mục của tỉ phú đôla.

Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này: 

Dưới góc độ truyền thông thị giác

Suốt chiến dịch tranh cử, Hillary Clinton xây dựng hình ảnh một phụ nữ đã đạt đến độ chín về sự trải nghiệm và bản lĩnh chính trị, với vẻ đẹp sang trọng mà phúc hậu, với phong thái điềm đạm mà mạnh mẽ.

Ngay cả những người đang dao động giữa hai sự lựa chọn cũng dễ dàng bị chinh phục bởi những lần xuất hiện hoàn hảo về mặt hiệu ứng thị giác của bà.

Clip người biểu tình ủng hộ Trump ở Trump Tower New York:

Còn Donald Trump lại khác hẳn.

Trước khi ông chính thức chạy đua vào Nhà Trắng, thế giới biết đến ông với những phát ngôn gây sốc, những lần tài trợ các cuộc thi sắc đẹp hay chủ của khối tài sản kếch xù. Dường như ông sinh ra là để hoạt động trong giới showbiz hay kinh doanh hơn là chiến đấu trên chính trường.

Trong những lần tranh luận quyết định trên truyền hình để thuyết phục công chúng bỏ phiếu, người ta có phần thất vọng về một ông trùm truyền thông bốc đồng, không kiểm soát được cảm xúc, chỉ biết phản bác bằng những câu “sai, sai, hoàn toàn sai” trước những cáo buộc của bà Clinton.

Khi đưa ra luận điểm cựu ngoại trưởng không đủ khả năng chịu đựng để đảm đương cương vị tổng thống, Trump bị phản pháo rằng: “Nếu ông đã công du 112 quốc gia để thương thảo các thỏa thuận hòa bình, để giải cứu con tin hoặc có đủ sức đứng 11 giờ điều trần trước quốc hội thì mới có tư cách để nói về sức chịu đựng với tôi".

Công chúng nhìn thấy sự đắc thắng trên gương mặt người phụ nữ sau tràng pháo tay từ khán giả trước người đàn ông cao lớn, bệ vệ với đôi mắt nheo nheo như được đánh màu bạc hiếm khi mở to.

Người ta thấy sự yếu thế, thậm chí bất lực của người đàn ông vốn được tiếng là mạnh miệng khi tranh cãi về các vấn đề chính sách, tài chính và luật pháp.

Các chuyên gia cho rằng ông đã để lộ sự thiếu hiểu biết ở các lĩnh vực thiết yếu đối với một người muốn bước lên bục cao nhất của vũ đài quyền lực.

Vậy mà những hình ảnh do hai ứng cử viên đưa đến công chúng đó lại không tác động một cách quyết định đến lựa chọn của công chúng khi họ điền tên vào lá phiếu. Donald Trump đã trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ từ ngày 9-11.

Thất bại của truyền thông

Sự thất bại của Hillary cũng chính là sự thất bại của truyền thông Mỹ.

Hơn 50 cơ quan báo chí, những mắt xích làm nên bộ máy truyền thông đồ sộ của cường quốc về công nghệ thông tin đã phải cay đắng nhìn nhận sự thất bại của mình trong việc định hướng dư luận và công chúng.

Ai cũng biết vai trò của truyền thông trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian tranh cử, báo chí Mỹ không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ cho cựu ngoại trưởng, và các lần thăm dò sau tranh luận trên truyền hình của hai ứng cử viên đều cho thấy lợi thế của bà.

Vậy mà sau khi Trump đắc cử, không ít công dân hợp chủng quốc đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng họ đã mất niềm tin vào các chính trị gia, khi họ nói thì hay nhưng làm thì dở, rằng các luận điệu tranh cử không còn thuyết phục được họ nữa.

Họ thà chọn một thương nhân non tay trên chính trường nhưng nhiều tiềm năng mang đến làn gió mới còn hơn chọn một chính trị gia lão làng mà mang đến viễn cảnh quen thuộc của những người đi trước.

Điều đó cho thấy sự thất thế của bộ máy chính trị, đồng thời là sự thất sủng mà công chúng dành cho truyền thông.

Tiếng nói của truyền thông không còn phản ánh nỗi lòng của công chúng, và cũng chẳng còn tác động được đến những quyết định mang tính lý trí của họ nữa.

Thành thật là bản sắc của Trump

Có thể nói, trước khi đắc cử tổng thống Mỹ, Donald Trump được biết đến với một hình tượng lộng ngôn có phần bản năng. Ông từng thóa mạ hoa hậu hoàn vũ là “lợn”, chê người này xấu, chê người kia béo. Trong chiến dịch tranh cử, ông luôn chọn cách nói “huỵch toẹt” mọi vấn đề, không rào đón, không màu mè, không bắt tay xã giao nếu không muốn.

Các chính sách ông đề ra trong quá trình vận động tranh cử về người nhập cư, về gánh nặng của Mỹ trong NATO, bỏ tù đối thủ hay thừa nhận không nộp thuế, thực chất đều là những điều mà nhiều người dân biết và suy nghĩ, chẳng qua họ không nói ra và đặc biệt không nói ra trên các phương tiện truyền thông.

Điều đó cho thấy sự thành thật mang tính bản sắc của Trump đã phần nào tiếp cận được với công chúng, họ cảm thấy đó đúng là cái mà giới chính trị và truyền thông đang thiếu.

Đã đến lúc truyền thông và chính trị đừng đánh giá thấp sự im lặng của công chúng. Sự im lặng đó khi được phát ngôn bằng những dòng chữ trên lá phiếu bầu hay những hành động quyên trợ có thể sẽ tạo nên những thay đổi mang tính lịch sử.

Nước Mỹ đã lựa chọn Trump, người dân Mỹ muốn Trump làm tổng thống. Đã đến lúc truyền thông cần nhìn nhận lại những con bài chiến lược trong truyền thông vận động thay đổi hành vi, và những tác động của sự dịch chuyển văn hóa đại chúng đến sự lựa chọn của số đông.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn có đồng ý với cách nhìn nhận này của ThS Nguyễn Thị Quỳnh Nga? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

NGUYỄN THỊ QUỲNH NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên