30/10/2016 10:15 GMT+7

Quý nhau mới tặng quan tài

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Có lẽ bạn đọc sẽ giật mình hoảng hốt nếu có ai đó gửi đến nhà “biếu” cho mình một cỗ quan tài.

Một quan tài chạm khắc tinh xảo của người Cơ Tu - Ảnh: TẤN LỰC
Một quan tài chạm khắc tinh xảo của người Cơ Tu - Ảnh: TẤN LỰC

Nhưng với đồng bào dân tộc Cơ Tu tại miền núi Quảng Nam, đó là món quà quý giá họ vẫn thường mang tặng nhau và người được nhận coi đó là niềm hạnh phúc.

Phải là những bậc sinh thành, ông bà nội ngoại hoặc anh em thân thiết thì người Cơ Tu mới dành cho nhau món quà ý nghĩa đó.

“Năm vừa rồi anh rể mang tặng cha và bà nội mình mỗi người một cỗ quan tài đó, quý hóa lắm!” - anh Alăng Hạnh (người xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) hào hứng mở lời chia sẻ về tập tục kỳ lạ của dân tộc mình. Anh cho biết lúc tặng thì bà nội anh tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên chẳng mấy chốc món quà đã được mang ra sử dụng.

Theo anh Hạnh, người Cơ Tu coi việc con cháu tặng quan tài cho ông bà, cha mẹ là nghĩa cử báo hiếu, tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục bởi nó là vật dụng quan trọng mà ai cũng dùng đến khi ở cuối đời. Thậm chí người ta còn mang quan tài ra tặng trong các dịp cưới hỏi, đám đình như một món quà có giá trị.

Cỗ quan tài được đục đẽo từ một thân gỗ lớn như cách người ta đẽo thuyền độc mộc mà không cưa xẻ, đóng ván như thông thường. Sau đó họ chạm trổ hình dáng linh vật, hoa văn bên ngoài với điểm nhấn là hình tượng đầu trâu hai đầu.

Toàn bộ quá trình này được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, nên có khi mất vài tháng mới tạo tác xong. Thứ gỗ được chọn làm quan tài cũng là loại quý hiếm, nổi tiếng bền chắc như trắc, lim, pơ mu. Cỗ quan tài được làm bằng thứ gỗ càng quý, tạo tác càng tinh xảo thì càng có giá trị cao và người được tặng càng thích.

Cũng bởi sự kỳ công trong chế tạo mà người Cơ Tu thường làm trước những cỗ quan tài dự phòng để trong nhà, lỡ có ốm đau đột ngột thì có cái dùng đến. Ông Arất Blúi, phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, bảo rằng dù là thứ rất quý giá, nhưng người Cơ Tu sẵn sàng mang tặng những gia đình nghèo khó nếu chẳng may có người thân qua đời không chuẩn bị kịp.

Họ coi đó là hành động tự nguyện nhằm san sẻ với hoàn cảnh bất hạnh trong cộng đồng, thể hiện nếp sống nhân văn của dân tộc.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên