09/10/2016 10:04 GMT+7

Sự tử tế phải gieo mầm từ nhỏ

JESSE PETERSON (người Canada, giáo viên dạy tiếng Anh) - QUỲNH TRUNG ghi
JESSE PETERSON (người Canada, giáo viên dạy tiếng Anh) - QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Tôi đã ở Việt Nam nhiều năm nay, có thời gian sinh sống ở cả miền Bắc và miền Nam, gặp gỡ rất nhiều người Việt. Nhiều người tôi tiếp xúc sống rất chan hòa, tình cảm và hay giúp đỡ người khác.

Đó là những phẩm chất vô cùng đẹp của người Việt. Tuy nhiên, có một thực tế khác là không ít trường hợp người ta dùng bạo lực, nắm đấm để giải quyết những mâu thuẫn, va chạm nhỏ nhặt...

Dạy điều tử tế để xã hội tốt hơn

Chỉ mới cách đây hai tuần, tôi thấy hai thợ hồ ở gần nhà tôi (Q.7, TP.HCM) lao vào đánh nhau nhưng không hiểu vì lý do gì, tôi liền la lên, tìm cách ngăn cản.

Khi còn ở Hà Nội, một thanh niên cười nhạo tôi khi tôi bị một người bán hàng rong “chặt chém”. Tôi trừng mắt nhìn anh ta thì anh ta lại cầm búa trên tay dọa đánh tôi...

Tôi nghĩ lý do đầu tiên khiến bạo lực “lên ngôi” là thiếu sự giáo dục, uốn nắn tốt ngay từ nhỏ. Tôi cho rằng nếu ngăn được những thói quen xấu như chen ngang khi xếp hàng hay xả rác bừa bãi ngay từ nhỏ thì sẽ góp phần xây dựng nhân cách con người, qua đó khiến xã hội tốt đẹp hơn.

Tôi nhớ khi mình còn bé, từ lớp mẫu giáo đến lớp 6 học sinh được dạy rất nhiều bài hát. Cho đến nhiều năm sau, tôi nhận ra những bài hát này thật sự có mục đích.

Tôi nhớ mình hát đoạn “đừng vứt rác trong sân, trong sân, trong sân! Đừng vứt rác trong sân, trong sân”. Và bài hát này dạy chúng tôi không gây ô nhiễm môi trường.

Còn “Butter butter peanut butter” (Bơ bơ đậu phộng bơ) là bài hát thiếu nhi thầy cô dạy chúng tôi hát khi thấy một học sinh chen lấn trong hàng.

Chúng tôi được dạy rằng việc chen ngang lên phía trên chính là hành động thiếu tôn trọng đối với người khác. Đó là lý do tại sao bạn thấy nhiều người phương Tây phản ứng giận dữ khi thấy người Việt chen lấn.

Học từ những việc rất nhỏ như xếp hàng trật tự từ thời thơ ấu giúp mọi người kiên nhẫn, biết nhường nhịn người khác... và những cư xử tử tế này giúp rất nhiều cho xã hội.

Những bài hát, những lời dạy phải chia sẻ, phải trung thực, phải lịch sự và hành xử tôn trọng người khác là những bài học vô giá trong giáo dục thời niên thiếu ở Canada. Dạy những điều tử tế từ nhỏ như vậy giúp tạo ra một xã hội tốt hơn.

Lý do thứ hai làm bạo lực “lên ngôi”, theo tôi, chính là những bất ổn liên quan đến môi trường, thực phẩm, việc làm... khiến mọi người mệt mỏi, trở nên căng thẳng.

Ở Canada, chúng tôi không có quá nhiều áp lực xã hội tiêu cực. Chúng tôi sống khá tốt, có xe hơi và không phải lo lắng về thực phẩm hoặc tiền bạc quá nhiều.

Khi hành vi bạo lực xảy ra, người dân luôn lên án kẻ gây ra tội ác và xem hắn ta là một “con vật”, ám chỉ đến người không kiểm soát hành vi và cuộc sống, tuân theo những phần “con” bên trong. Chúng tôi được dạy rằng bạo lực chỉ tạo ra thêm nhiều bất ổn cho xã hội.

Luật “Người tốt việc tốt”

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện đau lòng ở Trung Quốc khi một bé trai rơi vào tình trạng nguy kịch vì bị xe hơi cán qua người, nhưng có 18 người đi ngang qua cậu bé nhưng vẫn vô cảm ngó lơ vì sợ gặp rắc rối với cảnh sát.

Trong xã hội Canada hiện nay, chúng tôi coi những hành động tử tế như giúp đỡ lẫn nhau là chuyện đương nhiên, chuyện ai cũng phải làm bởi giúp người là những giá trị đạo đức mà chúng tôi được giáo dục từ nhỏ.

Thậm chí chính quyền tỉnh Québec (Canada) còn ra luật “Good Samaritan Law” (tạm dịch: Luật người tốt việc tốt) để quảng bá hình ảnh công dân tốt, bác ái.

Theo luật này, mọi người phải có nghĩa vụ giúp đỡ người khác và những người giúp đỡ người khác được luật pháp bảo vệ, không bị gặp rắc rối hoặc bị nạn nhân kiện.

Theo luật, khi thấy người gặp nạn, bạn phải có nghĩa vụ giúp đỡ trực tiếp hoặc giúp đỡ bằng cách liên hệ cảnh sát, lính cứu hỏa hoặc các dịch vụ cấp cứu.

Ví dụ, bà hàng xóm của bạn bất ngờ bị đột quỵ và khi thấy bà ấy ngã xuống đất, bạn phải có nghĩa vụ giúp bà ấy bằng cách gọi 911. Bạn cũng có thể trực tiếp giúp bà ấy nếu bạn biết cách làm. Nhưng bạn không phải giúp người bằng mọi giá, tức là có thể hi sinh mạng sống của mình...

Một ví dụ khác, nếu như bạn đến hiện trường một vụ tai nạn có liên quan đến hàng chục người. Sau khi gọi 911, bạn có thể giúp được những người bị thương nặng nhất.

Hoặc khi thấy một chiếc xe hơi lao xuống sông sau một vụ tai nạn, nếu không biết bơi, bạn có trách nhiệm phải cố gắng giúp nạn nhân bằng cách yêu cầu sự giúp đỡ nhanh nhất có thể từ những người xung quanh hoặc gọi cảnh sát, xe cấp cứu...

Ảnh: NGỌC HIỂN
Ảnh: NGỌC HIỂN

Cô Chín (bên trái - ảnh), chủ nhà trọ ở TP.HCM, ôm những bó hoa tặng cho sinh viên ở trọ nhà cô trong lễ tốt nghiệp tại Trường đại học Văn hóa TP.HCM. Năm ngoái, khi con gái cô Chín tốt nghiệp cao đẳng, cô đến dự lễ tốt nghiệp và tặng hoa chúc mừng con.

Năm nay thấy các sinh viên ở trọ đến nhận bằng tại lễ tốt nghiệp mà người thân ở tận Bình Định, Phú Yên... không đến được, cô Chín đem hoa đến tặng cho các bạn bớt tủi thân.

Các bạn sinh viên kể không phải đến ngày họ tốt nghiệp cô Chín mới quan tâm như vậy, mà ngày thường có chén chè, gói bánh... cô cũng chia sẻ cho họ.

Tôi tin sự tử tế, tấm lòng thơm thảo của cô Chín sẽ theo các bạn sinh viên vào đời sau khi họ ra trường và sự tử tế sẽ được nhân lên, nhân lên...

NGỌC HIỂN

JESSE PETERSON (người Canada, giáo viên dạy tiếng Anh) - QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên