30/08/2016 09:13 GMT+7

Để Việt Nam không là vùng trũng xài hàng ASEAN

TRỊNH THỊ HIỀN
TRỊNH THỊ HIỀN

TTO - Tuổi Trẻ ngày 27-8-2016 dẫn lời của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam có rủi ro trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực ASEAN.

Hàng Thái Lan được bán trong siêu thị Metro, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hàng Thái Lan được bán trong siêu thị Metro, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thực tế nỗi lo này không chỉ dừng ở các nhà lãnh đạo đất nước.

Nỗi lo Việt Nam trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước ASEAN cũng chính là băn khoăn, lo ngại của không ít nhà sản xuất, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian gần đây, khi mà đi tới đâu cũng thấy hàng hóa các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), đặc biệt là Thái Lan, đang chiếm lĩnh thị trường một cách nhanh chóng.

Không cần phải đến cửa hàng hoặc các hội chợ chuyên bán hàng Thái Lan, người tiêu dùng hiện có thể dễ dàng mua sắm hàng tiêu dùng của Thái Lan tại chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích đến siêu thị.

Đặc biệt, khi các doanh nghiệp Thái Lan liên tiếp công bố mua lại hệ thống các siêu thị lớn thì nỗi lo hàng Thái xâm chiếm thị trường càng lớn hơn.

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn loay hoay đưa hàng tiêu thụ tại thị trường các nước trong khu vực thì hàng hóa của các nước trong khu vực ASEAN đã ngày càng tiếp cận sâu vào thị trường Việt Nam.

Nhiều hội chợ triển lãm sản phẩm Thái Lan, Malaysia đã được tổ chức tại Việt Nam.

Ngoài ra mỗi năm có không dưới 10 hội chợ xúc tiến thương mại Thái Lan dưới sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thái Lan, ở mỗi hội chợ này các cơ quan thường mời từ 5-10 nhà nhập khẩu Việt Nam sang tham quan và tìm kiếm nguồn hàng.

Theo các chuyên gia thương mại, hàng Thái Lan có sức cạnh tranh khá cao với hàng Việt Nam do chủng loại hàng hóa tương đồng nhưng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.

Trước đây, hàng Thái Lan thường đắt hơn hàng Việt Nam từ 5-20%. Tuy nhiên hiện nay khi Việt Nam đã là thành viên của AEC, sự tự do dịch chuyển hàng hóa trong nội khối với các rào cản thương mại được gỡ bỏ, thì giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt.

Về nguyên tắc thị trường, chúng ta không được phép ngăn cản hàng hóa của các nước trong hệ thống Asean nếu như không có lý do chính đáng.

Vì vậy, việc tăng cường hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam là việc làm cần thiết có yếu tố sống còn để giữ vững thị trường tiêu thụ nội địa, đồng thời vẫn bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động trong các nhà máy sản xuất Việt Nam.

Ngoài sự tự thân nỗ lực của các doanh nghiệp, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu bớt khó khăn bằng việc tiếp tục cải cách các quy chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính... để giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu vào của sản xuất.

Rủi ro hay cơ hội?

Nếu Việt Nam thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực ASEAN, đứng ở vai trò nhà quản lý và nhà sản xuất, quả thật đây là một rủi ro cho nền kinh tế đất nước.

Đất nước sẽ đi đâu về đâu nếu phần lớn người tiêu dùng trong hơn 90 triệu dân Việt Nam “quay lưng” với hàng hóa trong nước? Sản xuất sẽ đình đốn, nguy cơ phá sản tăng cao, người lao động không còn công ăn việc làm...

Ở góc độ vĩ mô, ngoại tệ chảy máu ra nước ngoài vì thâm hụt cán cân thương mại do nhập siêu, Nhà nước thất thu nhiều loại thuế từ sản xuất trong nước, nền kinh tế sẽ dẫn đến khủng hoảng nếu nguồn hàng nhập bị gián đoạn...

Nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, đó có thể là cơ hội. Hàng hóa - nếu không phân biệt xuất xứ - bao giờ cũng được người tiêu dùng lựa chọn trên hai tiêu chí quan trọng nhất đó là chất lượng và giá cả.

Không phải không có lý do khi mấy năm gần đây, nhiều người tiêu dùng vẫn phải chờ đợi các lần hội chợ hàng Thái Lan để tranh thủ “tha” về từ dầu gội đầu, xà bông giặt đồ, nước rửa chén, chai xịt muỗi, giấy vệ sinh, đồ dùng bằng nhựa, dầu gió...

Những lần đi siêu thị hàng miễn thuế ở Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang) hay có dịp du lịch qua nước bạn là các chị nội trợ vẫn cần mẫn khiêng vác đủ loại hàng hóa về như những chú lạc đà nơi sa mạc.

Hiện nay, hàng hóa Thái Lan nói riêng và khối ASEAN nói chung đang xuất hiện ở nhiều nơi, từ siêu thị, cửa hàng tiện ích đến các chợ lớn nhỏ tại thị trường Việt Nam, thực sự tạo thuận lợi hơn cho người tiêu dùng mua sắm.

Rõ ràng là người Việt Nam, tôi và nhiều người rất muốn tiêu thụ hàng hóa của nước mình và sẽ rất tự hào khi lang thang ở nước nào đó mà gặp một món hàng do Việt Nam mình sản xuất.

Tôi và nhiều người sẽ chẳng bao giờ dùng hàng nước ngoài nếu như hàng Việt cũng có chủng loại tương tự với giá cả cạnh tranh.

Dùng hàng nước ngoài là việc chẳng đặng đừng, nhưng nếu các nhà quản lý, sản xuất trong nước không nhanh chóng thay đổi cung cách điều hành, kinh doanh như lâu nay để tạo cho hàng Việt sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn thì e rằng câu chuyện Việt Nam thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước Asean sẽ diễn ra nhanh chóng.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TRỊNH THỊ HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên