28/08/2016 09:39 GMT+7

Tăng lương phải đi cùng năng suất lao động

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Chúng tôi được biết dự thảo nghị định về lương tối thiểu sẽ chính thức trình Chính phủ trong tháng 9, với mức tăng lương cho các vùng trung bình 180.000 - 250.000 đồng (tăng khoảng 7,3%).

*** Error ***
Thu nhập thấp nên công nhân thường chọn mua đồ dùng rẻ để tiết kiệm chi phí - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiện nay, có hai ý kiến khác nhau về mức tăng này. Trong khi Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là mức tăng quá sức chịu đựng của doanh nghiệp thì đại diện Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) khẳng định mức tăng này là phù hợp, sẽ đáp ứng được từ 94% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng.

Doanh nghiệp và công đoàn ngày càng “gần” nhau

Việc công đoàn và doanh nghiệp tranh cãi về mức tăng lương tối thiểu cũng dễ hiểu bởi mỗi bên đại diện cho quyền lợi của riêng mình. Sự tranh luận về mức tăng lương sẽ mang hai bên xích lại gần nhau hơn.

Là một đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Tiền lương quốc gia Việt Nam (HĐTLQG), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hoan nghênh mức độ đồng thuận cao giữa các thành viên của HĐTLQG, bao gồm đại diện của Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động, trong việc thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2017. ILO ghi nhận mức đề xuất tăng 7,3% đã được 93% thành viên của HĐTLQG tán thành.

Chúng tôi không nhận xét về mức tăng cụ thể được thống nhất sau các phiên thảo luận của HĐTLQG. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích áp dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và các phân tích rõ ràng về thị trường lao động trong các phiên thảo luận của hội đồng.

Về việc VCCI cho rằng việc tăng lương sẽ gây khó khăn, cực kỳ căng thẳng cho doanh nghiệp khi chỉ ra trong năm 2016 đơn hàng của các doanh nghiệp vẫn giảm, giá thành tăng, hàng hóa lại không bán được, do đó mức tăng 7,3% này vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Trước đó tại các phiên họp của HĐTLQG, VCCI chỉ đề xuất tăng 4-5% và theo VCCI, với mức 4-5% này thì nhiều doanh nghiệp cũng phải bù lỗ rồi.

Từ góc nhìn của ILO, các cuộc thảo luận của hội đồng trong năm nay đã khẳng định một xu hướng trong những năm gần đây là sự khác nhau trong quan điểm giữa các đối tác xã hội đang dần được thu hẹp.

Khi HĐTLQG được thành lập vào năm 2013, khoảng cách giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI là 19,5% (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng trung bình 29,5% cho cả bốn vùng, trong khi VCCI đề xuất tăng tối đa 10%).

Mức chênh lệch giữa đề xuất ban đầu của hai bên đã giảm còn 10,9 - 12,9% trong năm 2014, 6,7% năm 2015 và chỉ 6% năm nay.

Xu hướng này cho thấy người sử dụng lao động và công đoàn đang ngày càng ghi nhận lợi ích của bên kia và có kiến thức tốt hơn về các yếu tố kinh tế và xã hội.

*** Error ***
Ông Phillip Hazelto (cố vấn trưởng dự án Quan hệ lao động, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam) -  Ảnh: QUỲNH HOA

Phải xét năng suất lao động

Để xét mức tăng lương tối thiểu, HĐTLQG xem xét hàng loạt yếu tố kinh tế - xã hội bao gồm chi phí sinh hoạt cũng như nhu cầu của người lao động và gia đình họ, thêm cả yếu tố năng suất lao động. Khả năng trả lương tối thiểu của doanh nghiệp, cũng như nhu cầu có được và duy trì việc làm đều quan trọng như nhau.

Trong những năm gần đây, HĐTLQG đã ưu tiên việc tăng lương tối thiểu để đạt được nhu cầu sống tối thiểu như yêu cầu của Bộ luật lao động 2012. Điều này có nghĩa là sự gia tăng thật sự và đáng kể, trên cả yếu tố lạm phát và năng suất.

Đó là nỗ lực quan trọng nhằm tạo ra một mức lương tối thiểu có thể giúp một người lao động và gia đình của người đó có thể tồn tại bền vững.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng đây chỉ là bước đi ngắn hạn. Còn về lâu dài, mức tăng năng suất lao động đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của lương thực tế.

Ngoài ra, không dễ để hài hòa lợi ích giữa người lao động và giới chủ sử dụng lao động. Mỗi quốc gia có những cách tiếp cận khác nhau và để tìm được sự cân bằng hợp lý luôn là một thách thức lớn. Chính sách tốt về xác lập lương tối thiểu cần đảm bảo hai yếu tố: một là lợi ích đến được với người lao động, hai là doanh nghiệp vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh.

Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy để điều chỉnh lương tối thiểu hiệu quả cần có các nhân tố như: thống nhất được tần suất điều chỉnh, khả năng dự đoán về sự điều chỉnh, có các tiêu chí rõ ràng cho quá trình điều chỉnh, phải có sự tham gia của các đối tác xã hội trong các cuộc thương lượng và sử dụng số liệu, bằng chứng khoa học để đánh giá tác động của việc tăng mức lương tối thiểu.

Nhiều nước áp dụng mức lương tối thiểu

Nhiều nước Đông Nam Á đang nỗ lực củng cố các thiết chế xác lập tiền lương tối thiểu. Ngoài Hội đồng Tiền lương quốc gia ở Việt Nam, Malaysia cũng bắt đầu đưa ra mức lương tối thiểu mới vào năm 2013.

Trong năm 2015, Myanmar cũng thiết lập mức lương tối thiểu đầu tiên. Và gần đây, Singapore cũng áp dụng mức sàn về lương nhằm đảm bảo mức lương tối thiểu cho lao động làm nghề lao công, dọn dẹp.

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên