11/08/2016 10:33 GMT+7

Người giữ rừng bị chém chết: báo động về sự hung hãn

T.TRƯƠNG (kỹ sư lâm nghiệp)
T.TRƯƠNG (kỹ sư lâm nghiệp)

TTO - Vụ việc “Một cán bộ quản lý rừng bị người phá rừng chém chết” lại tiếp tục đặt ra câu chuyện vấn nạn phá rừng và chống người bảo vệ rừng vẫn chưa được cải thiện nên người giữ rừng vẫn đối mặt với hiểm nguy.

Cơ quan điều tra kiểm tra tang vật của nhóm người tấn công các cán bộ lâm nghiệp vào ngày 8-8 tại Lâm Đồng - Ảnh: CHÍNH THÀNH
Cơ quan điều tra kiểm tra tang vật của nhóm người tấn công các cán bộ lâm nghiệp vào ngày 8-8 tại Lâm Đồng - Ảnh: CHÍNH THÀNH

Trong lúc các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra các vụ phá rừng tại các địa phương thì chiều 8-8 lại xảy ra vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng tại tiểu khu 243, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) khiến một nhân viên bảo vệ rừng bị chém chết tại hiện trường, hai nhân viên khác bị thương nặng.

Đây có thể xem như hồi chuông báo động về sự hung hãn của những kẻ phá rừng, cũng cho thấy sự yếu thế của lực lượng bảo vệ rừng khi họ không được luật pháp trao quyền mạnh mẽ để thực thi công vụ.

Từ trước đến nay, trên cả nước đã có rất nhiều vụ cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng hi sinh và mang thương tật vĩnh viễn. Có thể nói, nghề giữ rừng ngoài việc đối mặt với muôn ngàn khó khăn nơi rừng núi hiểm trở, còn có sự nguy hiểm tiềm tàng là phải đối mặt với người dân, vì nhiều lý do khác nhau về sinh kế, lợi nhuận, những người này dám bất chấp tất cả để chống lại lực lượng bảo vệ rừng.

Năm 2011, trước tình hình nóng lên của công tác quản lý bảo vệ rừng trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 1685/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, tuy nhiên tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng vẫn không giảm.

Đến nay, nhìn nhận ở góc độ quyền hạn tự vệ của nhân viên bảo vệ rừng vẫn rất mơ hồ, bên cạnh đó trang bị vũ khí cho lực lượng này cũng ngày càng bị thu hẹp. Nếu trước đây các lực lượng này được trang bị vũ khí quân dụng (thông tư số 05/TT-BNV (C13) ngày 28-9-1996 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện một số vấn đề trong nghị định số 47/CP ngày 12-8-1996 của Chính phủ) thì sau này lực lượng này chỉ được trang bị các vũ khí tự vệ rất thô sơ như các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, các loại phương tiện xịt hơi cay, áo giáp, găng tay bắt dao và mũ chống đạn (thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 22-1-2014).

Một khi lực lượng bảo vệ rừng không được luật pháp trao quyền một cách đầy đủ, tổ chức thể chế lực lượng kiểm lâm không được cải tổ theo hướng hợp lý hơn, vấn nạn phá rừng và chống người thi hành công vụ vẫn chưa thể cải thiện tốt hơn.

Đau lòng!

Nhiều phản hồi của bạn đọc bày tỏ xót xa trước câu chuyện người cán bộ bảo vệ rừng bị chém chết.

* Đau lòng thay khi đọc tin này. Xin chia buồn cùng gia đình anh Nguyễn Ái Tĩnh (người cán bộ bảo vệ rừng bị chém chết). Đề nghị cơ quan pháp luật trừng trị những kẻ xem thường pháp luật này.

BAO CÔNG (tonvan76@...)

* Họ lợi dụng đám đông để chống đối lực lượng kiểm lâm, chẳng đếm xỉa gì đến pháp luật. Không biết chính quyền địa phương có biết dân mình kéo đi phá rừng hay không? Rừng vẫn chảy máu và cả máu của những người giữ rừng vẫn đổ. Làm sao không còn nạn phá rừng vẫn luôn là câu hỏi lớn. Sự việc xảy ra thật đau lòng!

SÔNG TRẸM (tubienhoa52@...)

* Nhà nước cần xem việc bảo vệ rừng quan trọng như việc bảo vệ biên giới. Nếu như lực lượng bảo vệ rừng hùng hậu và được trang bị vũ khí như lực lượng bảo vệ biên giới thì sẽ không còn nạn phá rừng nữa. Không biết đến bao giờ mọi người mới biết được rừng là sự sống của chính mình để mà gìn giữ?

VÕ NGA

* Ông Trần Vũ Hiệp (phó Ban lâm nghiệp xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng):

Thiếu công cụ để hỗ trợ

Tới bây giờ tôi vẫn còn lạnh người khi nghĩ lại vụ bị gần 100 người dân thôn Hang Hớt, xã Mê Linh đuổi đánh vào trưa 8-8. Đây là sự việc xảy ra hoàn toàn bất ngờ và chưa có tiền lệ tại địa phương trong nhiều năm tôi làm việc.

Ban lâm nghiệp xã Phi Tô có 9 người với diện tích rừng được giao trông coi khoảng 1.800ha. Diện tích rừng trông coi rất rộng nhưng chúng tôi cũng nhẹ bớt khi trách nhiệm bảo vệ rừng được giao khoán một phần cho 150 hộ dân trong xã trông coi (khi xảy ra lấn chiếm đất rừng họ sẽ báo cơ quan chức năng).

Tuy nhiên, khó khăn là nhiều người dân tại các thôn thuộc xã Mê Linh giáp ranh lại thường xuyên lấn chiếm, chặt hạ thông rừng lén lút, trong khi việc kiểm soát người xã khác, phát hiện vi phạm lâm luật nhỏ lẻ lại không đơn giản.

Một phần nữa khiến chúng tôi bị động trong việc xử lý người vi phạm lâm luật có ý định chống người thi hành công vụ là do anh em thiếu nhiều công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ. Ban lâm nghiệp xã Phi Tô có 9 anh em, địa bàn quản lý rộng trong khi công cụ hỗ trợ gần như chỉ tối thiểu.

Tôi là phó ban nhưng cũng chỉ được trang bị một gậy cao su hỗ trợ chính. Trong vụ việc ngày 8-8, hai cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban đi cùng chúng tôi vào vị trí người dân phá rừng, ngoài gậy cao su cũng chỉ có thêm hai bình xịt hơi cay nên lúc tình huống người dân hung hãn đuổi đánh ai cũng bị động, sợ hãi.

Việc bảo vệ rừng tiềm ẩn hiểm nguy tới tính mạng như vậy nên nếu được đề xuất với lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, chúng tôi luôn mong muốn được quan tâm, hỗ trợ thêm những công cụ hỗ trợ cần thiết bảo vệ tính mạng bản thân.

CHÍNH THÀNH ghi

T.TRƯƠNG (kỹ sư lâm nghiệp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên