25/07/2016 09:49 GMT+7

Cải tạo đường Kinh Dương Vương: chậm ngày nào dân khổ ngày đó

QUANG KHẢI ghi
QUANG KHẢI ghi

TTO - Cơn mưa chiều 23-7 làm nhà dân dọc đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân, TP.HCM bị nước ào ào tràn vào lại dấy lên nỗi quan tâm với dự án nâng đường chống ngập ở đây.

Chị Lê Hoàng Trang Châu thu dọn đồ đạc trong căn nhà ngập nước sau cơn mưa ngày 23-7 - Ảnh: Q.KHẢI
Chị Lê Hoàng Trang Châu thu dọn đồ đạc trong căn nhà ngập nước sau cơn mưa ngày 23-7 - Ảnh: Q.KHẢI

* Chị Lê Hoàng Trang Châu (nhà ở đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc A, Q.Bình Tân):

Không chỉ khổ vì ngập

Cơn mưa chưa được 30 phút thì nước từ mặt đường đã tràn ào ào vào nhà tôi. Tôi cùng ông xã nhờ thêm hàng xóm phụ giúp vẫn không kịp kê dọn đồ đạc vì nước chảy vào quá nhanh. Mấy ngày nay hễ trời chuyển mưa, tôi lại ngao ngán ra nhìn đất đá ngổn ngang trước cửa nhà.

Từ khi con đường Kinh Dương Vương được triển khai cải tạo, đá đổ cao hơn nền nhà 6-7 tấc, nắng thì bụi, mưa thì lầy và khi ngập thì nước tràn vào nhà như thác đổ. Cửa hàng nhà tôi kinh doanh ế ẩm, doanh thu không bằng 50% trước đây.

Nhà tôi đã nâng hai lần, giờ nền nhà có nhiều lớp như bánh da lợn, nếu nâng lần nữa coi như phải phá bỏ tầng lửng. Vấn đề ở chỗ không chỉ tốn tiền, công sức mà không biết có phù hợp với cao trình đường Kinh Dương Vương mới không, vì thông tin chính thức về phương án mới như thế nào thì nhiều người dân, trong đó có tôi, bị mù tịt.

Từ khi con đường nâng cao, người dân ở đây phản ứng, lãnh đạo TP xuống kiểm tra, các cơ quan chức năng họp bàn đưa ra những phương án mới là sẽ hạ mặt đường, vỉa hè. Nhưng hiện nay một phần đường Kinh Dương Vương đã được rải nhựa cho xe lưu thông, nên tôi nghĩ chủ đầu tư dự án không thể cào lớp nhựa này để hạ mặt đường.

Trong buổi họp lấy ý kiến người dân mới đây, các đơn vị liên quan nói sẽ hạ lề đường, không hạ mặt đường. Nhiều người dân không đồng ý vì chưa thấy thiết kế vỉa hè thấp hơn mặt đường, khi đó nó có thể trở thành hồ chứa nước, việc đi lại của người dân ra đường lớn rất khó khăn...

Tôi nghĩ các cơ quan được giao trách nhiệm cải tạo tuyến đường này và các cơ quan liên quan phải khẩn trương công bố phương án chính thức và sớm tổ chức thi công hoàn thiện dự án này. Phương án mới phải đảm bảo kết nối hệ thống thoát nước, chứ đường được nâng lên mà nhà người dân vẫn ngập thì việc nâng đường không có hiệu quả gì. Bây giờ công trình làm chậm ngày nào, người dân ở đây khổ sở ngày đó, nhất là đang vào cao điểm mùa mưa.

* Ông Cao Thanh Bình (phó trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM):

Tiến độ khắc phục chưa kịp thời

Quá trình thẩm định dự án cải tạo đường Kinh Dương Vương cho thấy các bước cũng chặt chẽ, tuy nhiên thiết kế kỹ thuật có độ chênh so với thực tế. Vì vậy từ phản ảnh của người dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị tìm hướng khắc phục sao cho hài hòa.

Hiện các sở, ngành đang khẩn trương rà soát các công đoạn, điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo tốt nhất cho thoát nước, giao thông và cả nhà dân nhưng quá trình này chưa làm kịp thời.

Trong cuộc họp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan về việc thẩm định các dự án đầu tư công tuần này, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP lưu ý yêu cầu các đơn vị sớm gút lại phương án thi công tiếp tục, chứ để kéo dài thì dân khổ. Công trình ngổn ngang không chỉ gây ảnh hưởng đến đi lại, ngập nước mà còn việc kinh doanh buôn bán cũng gặp khó khăn.

* Ông Nguyễn Văn Tám (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):

Sẽ tham mưu hướng giải quyết trong tuần này

Tuần qua, Sở Giao thông vận tải mới nhận văn bản của chủ đầu tư - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP - về việc tổ chức lấy ý kiến người dân hướng tiếp theo của dự án cải tạo đường Kinh Dương Vương.

Trong đó có hơn 50% người dân đề nghị giữ nguyên cao độ như thiết kế, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị hạ thấp mặt đường. Sở Giao thông vận tải đang giao các đơn vị chuyên môn rà soát lại, những ý kiến đồng ý đó tập trung những khu vực nào, nhà dân cao thấp với mặt đường ra sao. Đây là cơ sở để điều chỉnh thiết kế và Sở Giao thông vận tải sẽ có báo cáo tham mưu hướng giải quyết cho UBND TP trong tuần này.

Nhiều hiến kế chống ngập

Trong hơn 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã có nhiều đề xuất chống ngập bằng việc khơi thông thoát nước, tăng diện tích hồ chứa...

* Dân phải làm gì để ở được đây? Nếu nâng nền nhà, thế là nước không tràn vào nhà được và rồi nước đổ ra đường, đường sẽ ngập tiếp, rồi lại chống ngập bằng cách nâng đường lên và cứ thế - một cái vòng luẩn quẩn.

LÊ DUNG

* Chống ngập bằng cách nâng cao mặt đường, mặt hẻm là không khoa học, phải khai thông và tạo thêm các dòng chảy thì nước mới thoát được. Nâng mặt đường lên cao thì nước chảy đi đâu?

DÂN SG (tabiluan@...)

* Nhà nước nâng đường, nước tràn vào nhà dân, người dân nâng nhà, nước lại tràn ra đường, điệp khúc như thế sẽ cứ lặp đi lặp lại và ngập vẫn hoàn ngập. Sao không mở rộng cống thoát nước, kiểm tra lại độ cao, thấp của nền đất để điều chỉnh độ cao, thấp đường thoát nước cho hợp lý?

HAI LÚA (2lua@...)

* Trước nhà tôi ở P.7, Q.8 cũng phải bỏ luôn cả tầng một vì nâng đường ba lần. Kiểu chống ngập thật lạ lùng này khiến người dân ở đây phải chôn tiền vào nền nhà ba lần, những nhà không có điều kiện nâng nền thì chịu cảnh mỗi khi mưa lớn nước lại tràn vào nhà. Tôi nghĩ nên vét sông, xây bờ kè và thông cống, tăng diện tích cống thoát, chứ cứ nâng đường kiểu ấy dân sao chịu nổi?

KAKA

* Cơ quan nhà nước phải nghĩ nhiều hướng để giải quyết vấn đề. Muốn không bị ngập phải đầu tư thêm hồ và kênh mương có sức chứa lớn. Chỉ làm đường cao lên thì chỉ được cái đường, về lâu dài rồi cũng sẽ ngập. Tiền làm đường nên để khơi thông mương, đào sâu và mở rộng mương, không được lấp hồ thì không bao giờ bị ngập nữa.

HUY BẮC (dongahd78@...)

QUANG KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên