01/07/2016 09:20 GMT+7

Vỉa hè Sài Gòn tan nát "còn chi đâu em ơi"

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Nhiều vỉa hè trên khắp đường phố tại TP.HCM bị bể gạch, sụp lở gây bất tiện cho người đi lại và làm mất mỹ quan đô thị.

Vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) vỡ nát, nham nhở - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) vỡ nát, nham nhở - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Vào những ngày mưa, người đi bộ rất dễ vấp ngã hoặc sụp các ổ gà trên vỉa hè.

Vỉa hè tiền tỉ vẫn vỡ vụn

Đi từ cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP, hình ảnh vỉa hè tiền tỉ của TP nằm trên giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị bể nát khiến nhiều người... xót tiền.

Một số người dân sống ở hai bên đường Nguyễn Văn Trỗi cho biết vỉa hè làm chưa được bao lâu đã xuất hiện nhiều mảng vỡ lớn trên nền đá granite - loại đá được cho là có độ bền vĩnh cửu.

Cho đến nay, hai bên vỉa hè đầy những đoạn vỡ, hàng trăm viên đá granite hư hỏng, vỡ vụn, nhiều nhất là tại lối vào nhà dân, trụ sở công ty dọc đường, cao ốc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay góc ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu, cứ vài chục mét là có hàng loạt viên đá granite bị vỡ nát. Nhiều chỗ đá bị vỡ được cạy lên để trên nắp hố ga trông rất nhếch nhác...

Tương tự, đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) đoạn từ ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng ra đến đường Nguyễn Đình Chiểu, vỉa hè hai bên đường lồi lõm, vỡ nát. Có chỗ nền đá lót vỉa hè còn nứt toạc ra, nhô lên cao hẳn so với mặt đất khiến vỉa hè hoàn toàn bị biến dạng, gập ghềnh.

Thậm chí, những đoạn vỉa hè như ngay trước cổng Trường mầm non Tuổi Thơ (đường Hai Bà Trưng, Q.1), cổng Trường THPT Lê Quý Đôn (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3)... bị bể, trơn trượt khiến học sinh đi qua đây té ngã là chuyện “như cơm bữa”, theo phản ảnh của các phụ huynh.

Dọc các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Nơ Trang Long... (Q.Bình Thạnh), nhiều đoạn vỉa hè đã bị hư hỏng, sạt lở trầm trọng.

“Có sinh không có dưỡng!”

Theo một cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải TP, từ nhiều năm qua ngân sách đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng lát gạch vỉa hè để làm đẹp TP. Ngoài ra, các quận, phường cũng dấy lên phong trào huy động người dân đóng góp tiền để làm vỉa hè.

Tuy nhiên, các địa phương chỉ vận động xây mới vỉa hè rồi bỏ mặc mà không sửa chữa khi vỉa hè hư hỏng.

Chúng tôi đã liên hệ với nhiều phường để hỏi về việc này nhưng lãnh đạo các phường này đều lảng tránh.

Một lãnh đạo phường chỉ cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vỉa hè bị hư hỏng là do ý thức người dân còn quá kém. Vào những ngày trời mưa hoặc giờ cao điểm kẹt xe, đa số người đi xe máy đều chạy xe lên vỉa hè khiến vỉa hè vỡ nát, xuống cấp”.

Cũng theo vị này, tại các đoạn vỉa hè bị hư hỏng quá nghiêm trọng, UBND phường thường không đủ kinh phí để sửa chữa.

Trong khi đó, theo nhiều người dân phản ảnh, vỉa hè hư hỏng nặng chủ yếu là do những đơn vị thi công lắp đặt cáp ngầm cho các công trình liên quan chưa làm tốt việc tái lập mặt đường.

Sau khi hoàn thành công trình, phần lớn các đơn vị này chỉ san lấp mặt bằng một cách qua loa đại khái khiến không ít vỉa hè bị biến dạng. Người dân nhiều lần phản ảnh việc này lên chính quyền địa phương nhưng chưa thấy giải quyết, khắc phục.

Sau khi đào đặt  cáp ngầm, đơn vị tái lập mặt đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) còn "lịch sự" dùng gạch cũ lát lại thế này đây. Dù sao vẫn hơn nhiều nơi cứ để tan nát hoặc láng ximăng ẩu tả bời những tay thợ đào bị bắt sang làm thợ hồ - Ảnh: M.C 

Một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP thừa nhận hiện nay các đơn vị thi công công trình ngầm vẫn chưa làm tốt công tác tái lập mặt bằng trên các vỉa hè. Việc này khiến vỉa hè dễ xuống cấp, hư hỏng.

“Hằng năm, các địa phương trực tiếp quản lý vỉa hè luôn có một nguồn ngân sách nhất định để bảo trì, duy tu vỉa hè hư hỏng, nhưng nhiều năm nay rất ít địa phương tổ chức sửa chữa vỉa hè” - vị này cho biết.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM, theo sự phân cấp của TP, phần lớn vỉa hè trên địa bàn TP đều do quận, huyện quản lý.

Riêng một số tuyến đường đặc thù như đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn quản lý, đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Phạm Văn Đồng do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM quản lý.

Cũng theo ông Ninh, các quận huyện có trách nhiệm duy tu, sửa chữa vỉa hè để tránh tình trạng vỉa hè xuống cấp, hư hỏng nặng.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên