28/06/2016 13:04 GMT+7

Bảo đảm sự hỗ trợ về 
pháp lý cho người bị buộc tội

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI (phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư  Việt Nam)
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI (phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

TTO - Chế định bào chữa cho người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, người bị hại là một trong những điểm rất mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS).

hoi cung

Điểm mới đầu tiên là người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, khi nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo điều 57 BLTTHS 2015.

Phù hợp với quy định này, điều 83 BLTTHS 2015 quy định diện chủ thể mới là “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố”.

Đây là bước chuyển về nhận thức, mở rộng giai đoạn tham gia của luật sư và những người bào chữa khác từ trước khi vụ án được khởi tố.

Quyền gặp mặt của người bào chữa với người bị buộc tội là cơ sở triển khai hoạt động của người bào chữa trong tố tụng hình sự.

Khắc phục hạn chế của BLTTHS cũ, điểm (a) và (b) khoản 1 điều 73 BLTTHS 2015 quy định hai trình tự gặp mặt, gồm: cuộc gặp, hỏi riêng theo yêu cầu của người bào chữa với người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam và cuộc gặp do điều tra viên hoặc kiểm sát viên chủ động tiến hành, với sự có mặt của người bào chữa.

Thời gian gặp của người bào chữa không bị hạn chế, Luật tạm giữ - tạm giam đã bỏ quy định thời gian gặp trong 1 giờ theo nghị định 89.

Ngoài ra, BLTTHS 2015 bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, chuyển sang chế độ đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 2 điều 78 BLTTHS 2015, có hiệu lực qua tất cả các giai đoạn tố tụng.

Quy định mới về thủ tục đăng ký đã chuyển hóa thành nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong vòng 12 giờ (đối với trường hợp tạm giữ) và 24 giờ (đối với trường hợp tạm giam) phải gửi văn bản thông báo cho người bào chữa và cơ sở giam giữ để người bào chữa thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Đây là những nội dung rất mới nhằm đảm bảo quyền con người.

Điều quan tâm của giới luật sư hiện nay là làm sao những quy định mới, tiến bộ nói trên được nhận thức, áp dụng trực tiếp và thực chất, đồng thời thủ tục đăng ký không bị biến tướng theo dạng “bình mới rượu cũ”, gây khó khăn cho quá trình hành nghề của luật sư.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI (phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên