26/06/2016 09:02 GMT+7

Người Việt không dọn rác ở nhà mình, ai làm thay?

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Nếu các bạn muốn đất nước xanh, sạch, đẹp, các bạn phải đóng vai trò chủ đạo, phải đi ra ngoài dọn rác.

Các bạn trẻ tham gia nhặt rác, làm sạch đường phố trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA
Các bạn trẻ tham gia nhặt rác, làm sạch đường phố trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA

Trên đây là ý kiến của PETER CORNISH (người Anh, thành viên của Tổ chức phi lợi nhuận Clean Up Vietnam) khi nói về ý thức bảo vệ môi trường hiện nay tại VN. Theo tác giả, những người trẻ phải đóng vai trò chủ đạo trong "cuộc chiến" này.

“Chúng tôi không phải đến đây để dọn rác không do chúng tôi gây ra. Chúng tôi khuyến khích người Việt giữ vai trò lãnh đạo. Nếu các bạn muốn đất nước xanh, sạch, đẹp, các bạn phải đóng vai trò chủ đạo, phải đi ra ngoài dọn rác

Dĩ nhiên những công dân quốc tế (expats) đang sinh sống ở Việt Nam như tôi rất mong muốn đóng góp bảo vệ môi trường sống tại đây, đơn giản vì chúng tôi mong muốn môi trường sống tốt nhất cho bản thân và gia đình.

Cùng cải thiện môi trường để hưởng lợi

Ở Vương quốc Anh, người dân ý thức rõ môi trường tươi đẹp chính là mục tiêu họ hướng đến vì cuộc sống khỏe mạnh cho chính họ và thế hệ sau này. Ngoài ý thức của người dân, chính phủ và khu vực tư nhân ở Anh cũng thực hiện nhiều biện pháp bao gồm các chương trình xã hội - giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường xung quanh.

Việt Nam là một đất nước tươi đẹp. Môi trường ở Việt Nam hiện nay không sạch sẽ như mong muốn và tôi cho rằng tất cả mọi người, cả người Việt lẫn người nước ngoài, có thể hưởng lợi nhiều hơn khi chúng ta cùng nhau cải thiện.

Đó là lý do nhiều người nước ngoài như tôi cảm thấy hứng thú khi tham gia dự án phi lợi nhuận Clean Up Vietnam (Làm sạch Việt Nam) được khởi xướng năm nay nhằm góp phần giải quyết vấn nạn vứt rác bừa bãi, với sự tham gia của hàng ngàn người nước ngoài và người Việt.

Một người Úc tên là Scott Alderson đã sáng lập sáng kiến Clean Up Vietnam nhằm khuyến khích giới trẻ, các hộ gia đình, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau hành động để thay đổi cách chúng ta đang giải quyết vấn nạn xả rác và cách chúng ta nhìn về không gian trong cộng đồng mình.

Chúng tôi chọn ngày 17-4 hằng năm là ngày Clean Vietnam Day (Ngày làm sạch Việt Nam) nhằm khuyến khích các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp, trường học và hộ gia đình tham gia việc dọn rác trong cộng đồng. Clean Vietnam Day lấy cảm hứng từ một sự kiện tương tự diễn ra ở Úc, và sự kiện này rất thành công.

Tôi tham gia sáng kiến trên trước hết là vì tôi cảm thấy rất lo ngại về môi trường sống hiện nay và tôi cảm thấy mình có thể làm gì đó để đóng góp cho sự thay đổi. Tuy nhiên chúng tôi cùng đồng ý rằng sự thay đổi phải đến từ người Việt, chứ không phải những người nước ngoài chúng tôi.

Ông Peter Cornish - Ảnh: NVCC
Ông Peter Cornish - Ảnh: NVCC

 

Đang có chuyển biến tích cực

Dù vẫn còn nhiều người Việt có hành vi xả rác thiếu ý thức, nhưng hiện nay đang diễn ra xu hướng thay đổi tích cực khi nhiều người Việt Nam, phần lớn là giới trẻ, tình nguyện tham gia các chiến dịch làm sạch môi trường sống.

Tôi nghĩ nếu chúng ta thay đổi những cách nghĩ và thói quen không tốt về việc đối xử với môi trường, Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu cho khu vực Đông Nam Á trong vấn đề xử lý rác thải và ô nhiễm. Tôi hoàn toàn tin tưởng điều này có thể xảy ra.

Ví dụ như, mới đây Việt Nam phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” tại 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2019 với sự tham gia trực tiếp của ít nhất 28.000 tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh. Những chiến dịch vì cộng đồng như thế cần được khuyến khích và nhân rộng.

Ngoài ra, một người Việt Nam đóng góp sáng kiến “Leave No Footprint VN” (Không để lại gì ngoài dấu chân) cho Clean Up Vietnam. Anh chàng Việt này lấy tên tiếng Anh là Bob Alderson.

Anh cùng chú chó cưng đi bộ từ TP.HCM ra Hà Nội. Trên quãng đường dài khoảng 1.700km này, Bob nhặt rác trên đường và ở các bãi biển để nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường.

Khuyến khích người khác làm điều tương tự

Trên trang Facebook “Leavel No Footprint VN”, Bob viết: “Vấn đề xả rác ở Việt Nam đã trở thành một chủ đề nóng gây tranh luận khi Việt Nam vào danh sách năm quốc gia chịu trách nhiệm cho 60% lượng rác thải ra biển trên khắp thế giới. Điều này khiến tôi rất lo ngại, do đó tôi muốn làm một điều gì đó để nhấn mạnh mối lo ngại này cũng như tạo sự khác biệt.

Việt Nam là một trong những quốc gia đẹp nhất trên thế giới nhưng hình ảnh này bị ảnh hưởng bởi những hành vi vứt rác bừa bãi. Thông qua hành trình cá nhân, tôi mong muốn góp phần vào sáng kiến làm sạch Việt Nam và khuyến khích những người khác làm điều tương tự”.

PETER CORNISH (người Anh, thành viên của Tổ chức phi lợi nhuận Clean Up Vietnam)

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên