25/05/2016 08:20 GMT+7

"Xe khách lấn tuyến lao vô xe tôi, còn 20m mới đánh lái"

CAO XUÂN HỒNG LĨNH - NGUYỄN VĂN MỸ
CAO XUÂN HỒNG LĨNH - NGUYỄN VĂN MỸ

TTO - Trong gần 400 ý kiến phản hồi của bạn đọc về vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra ở Bình Thuận, ngoài rất nhiều lời thương tiếc dành cho các nạn nhân, bạn đọc còn mong muốn sớm có các giải pháp ngăn chặn tai nạn xảy ra để giúp giảm nỗi lo khi đi xe khách đường dài.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 13 người chết xảy ra lúc 4g15 ngày 22-5 trên quốc lộ 1 thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận - Ảnh: Nguyễn Nam
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 13 người chết xảy ra lúc 4g15 ngày 22-5 trên quốc lộ 1 thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận - Ảnh: Nguyễn Nam

Mở rộng nhanh đoạn đường này

Theo tôi, trong vụ tai nạn này có nguyên nhân do không có dải phân cách nên các xe đã đối đầu nhau. Quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc đã được mở rộng lên sáu làn xe, mỗi bên là ba làn: một làn cho ôtô con, một làn cho xe khách, xe tải và một làn cho xe máy.

Tuy nhiên, không hiểu sao đoạn đường từ Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) cho tới Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) thì không được mở như vậy. Đoạn này dài khoảng 110km, đường chỉ có hai làn xe mỗi bên và không có dải phân cách nên các xe dễ đối đầu nhau.

Tôi từng lái xe đi lại nhiều lần từ Sài Gòn - Phan Thiết - Nha Trang - Quảng Ngãi, khi qua cung đường này luôn chạy hết sức chậm và cảnh giác các xe khách lấn trái, đối đầu với xe chạy chiều ngược lại.

Lấy một ví dụ từ hình ảnh tôi cắt từ camera hành trình trong một lần lái xe từ Phan Thiết về Sài Gòn. Một xe khách đã lấn trái đối đầu với xe tôi đoạn qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Xe khách này chạy rất gần xe tôi, chỉ còn cách khoảng 100m mà vẫn không chịu lấy vào đúng làn đường, buộc tôi phải cho giảm hết tốc độ và lấn phải, chấp nhận xe nằm giữa làn vôi trắng của làn đường xe hơi và xe máy.

Chỉ đến khi còn cách xe tôi khoảng 20m, chiếc xe này mới chịu chạy vào đúng làn đường của mình. Trường hợp xe tôi chạy nhanh, e là đã có tai nạn xảy ra.

Bên cạnh việc các tài xế, nhất là các tài xế chạy đêm, cần phải cẩn trọng, tránh chạy ẩu, lấn làn xe..., Bộ GTVT và hai sở GTVT tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận cũng cần xem xét lại và có biện pháp để không còn tai nạn thảm khốc xảy ra nữa. Cần mở rộng nhanh đoạn đường này lên sáu làn xe, có dải phân cách ở giữa để không cho các xe đối đầu nhau.

CAO XUÂN HỒNG LĨNH (TP.HCM)

Hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm

Đây không phải là tai nạn đầu tiên ở điểm đen này. Nhiều lý do được đưa ra như đường hẹp, không có dải phân cách, tài xế chạy ẩu...

Duy có hai điều ít được nhắc tới nhưng lại là nguyên nhân quan trọng. Thứ nhất là thời điểm xảy ra tai nạn.

Theo đồng hồ sinh học của con người, thời điểm tài xế mệt mỏi nhất nếu chạy ban ngày là 12g30 - 13g30, nếu chạy đêm là 3g30 - 5g. Đây cũng là thời điểm mà hành khách thường ngủ sâu, ít ai thức cùng tài xế, kể cả phụ xế lẫn hướng dẫn viên nếu có.

Là hướng dẫn viên, tôi cảm nhận rất rõ điều này. Khi mọi người ngủ say (ngủ cũng lây rất nhanh), chỉ cần tài xế ngủ gật bất chợt là lạc tay lái. Do vậy phụ xế cùng với hướng dẫn viên phải luôn thức cùng tài xế trên mọi chặng đường. Buổi sáng và trưa, tài xế chỉ ăn lót dạ vì “Căng da bụng thì chùng da mắt”.

Do vậy tại các điểm dừng, tài xế phải được ưu tiên ăn và nghỉ trước, tranh thủ xả hơi hoặc chợp mắt để phục hồi sức khỏe phục vụ. Các tour du lịch do phải ăn nghỉ chung với hướng dẫn viên nên tài xế thường phải ăn và nhận phòng sau cùng. Bất cập này cần phải được xóa bỏ.

Thứ hai là kỹ năng thoát hiểm đường bộ và đường thủy. Hành khách hàng không, trước khi máy bay cất cánh đều được hướng dẫn tỉ mỉ các kỹ năng thoát hiểm. Các tàu du lịch lớn cũng làm tương tự. Riêng với đường bộ, cả ôtô và xe lửa đều không có.

Đáng lý đây là việc bắt buộc của các phụ xế và hướng dẫn viên trước khi xe lăn bánh. Việc làm này vừa giúp khách thoát hiểm khi xảy ra tai nạn, cũng là cách nhắc nhở tài xế phải cẩn thận khi ngồi sau tay lái.

Chắc chắn trong số những nạn nhân của nhiều tai nạn giao thông đường bộ vừa qua, không ít người thiệt mạng vì hoảng hốt, không biết cách thoát hiểm.

Giảm thiểu tai nạn giao thông và thương vong là trách nhiệm của mọi người. Dĩ nhiên Nhà nước, cụ thể là Cục Đường bộ và Cục Đường thủy thuộc Bộ GTVT phải tiên phong và chủ đạo, tiếp theo là các doanh nghiệp, sau cùng là những người tham gia giao thông.

Phải cấp bách thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa những tai nạn thương tâm đang xảy ra như cơm bữa trên đất nước mình. Muộn còn hơn không!

NGUYỄN VĂN MỸ (Lửa Việt Tours)

Hồi hộp đi xe khách

* Tôi từng đi xe giường nằm, thật hồi hộp khi chiếc xe chở mấy chục người mà chỉ có một cửa lên xuống ở đầu xe, chui vào xe như cá chui vào rọ, có tai nạn thì khó thoát thân. Tại sao nhà xe không làm cửa thoát hiểm ở cuối xe?

LÝ VĂN HAI

* Tôi đi xe khách nhiều lần, khi lên xe thường để ý thấy những thiết bị phụ trợ an toàn như búa thoát hiểm, bình xịt phòng cháy chữa cháy hầu như không có hoặc rất ít.

Thứ hai là hành khách không được trang bị kỹ năng thoát hiểm khi tình huống tai nạn xảy ra.

khi đó, hầu hết các xe giường nằm chỉ có một cửa lên xuống duy nhất, vị trí các giường nằm cũng có khả năng mất an toàn khi tai nạn xảy ra khiến hành khách không có khả năng cơ động nhanh thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Đã đến lúc các nhà xe phải tập huấn cho nhân viên hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm cho hành khách trước lúc khởi hành.

PHAM ANH NAM

* Những ai từng lưu thông qua quốc lộ 1 vào ban đêm mới thấy rõ được những nguy hiểm sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.

Tôi từng chứng kiến những xe khách Bắc - Nam rú còi đòi vượt, nhá đèn, thậm chí xe trước chưa kịp né là xe khách đã tăng tốc cướp hết phần đường chiều ngược lại, không cần biết có xe ngược chiều sắp tới, chỉ nghe tiếng gió vút một cái là xe khách qua mặt và mất hút, nhiều khi hai xe đối đầu trực diện, gần sát đến nơi xe khách mới đánh lái vào. Chạy kiểu như vậy mà xử lý không kịp thì ắt phải có tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra thôi.

NGUYỄN THỊ MINH THUYẾT

* Bất kỳ tài xế xe nào qua đoạn đường này khoảng thời gian từ 22g-6g đều lạnh xương sống bởi những xe khách đường dài lấn tuyến để vượt. Có nhiều lần những xe nhỏ như xe hơi phải tránh đến mép đường, nếu không thì tai nạn chắc chắn còn nhiều nữa.

Nếu Nhà nước không đủ tiền làm dải phân cách hãy quyên góp từ nhân dân. Tôi là người đầu tiên góp để có dải phân cách này, tránh việc đối đầu trực tiếp gây tai nạn đau thương cho những nạn nhân xấu số.

VÕ DUY

* Theo tôi nghĩ, ngành giao thông nên cho lắp đặt dải phân cách cứng ở tất cả các tuyến đường có tốc độ trên 80km/h. Dù rằng luật phạt nặng khi vượt ở nơi cấm vượt, nhưng với hành khách ngồi trên xe thì họ không thể yêu cầu tài xế trong trường họp này (yêu cầu không vượt ẩu).

Chỉ có dải phân cách cứng mới cấm tài xế vượt ẩu được. Không nên vì đường không có dải phân cách cứng mà người dân phải bỏ mạng.

LÊ BẢO ANH

CAO XUÂN HỒNG LĨNH - NGUYỄN VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên