25/03/2016 18:51 GMT+7

Nếu thành phố vắng hẳn tiếng còi tàu

HOÀI LÊ
HOÀI LÊ

TTO - Vụ sập cầu Ghềnh đã khiến người dân TP.HCM lần đầu tiên sau 110 năm vắng tiếng còi tàu lâu đến ba ngày.

Ba ngày qua, người dân Sài Gòn mới thấy xe lửa chạy trở lại
Sau ba ngày qua, người dân Sài Gòn mới thấy xe lửa chạy trở lại - Ảnh: T.L.

Ngày 23-3, có nghĩa là sau sự cố sập cầu Ghềnh ba ngày, ga Sài Gòn quyết định giảm một nửa đoạn đường phải di chuyển (15km) cho khách đi tàu bằng cách cho tàu chở họ đến ga Sóng Thần. Và với người dân thành phố, kể từ khi khánh thành tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh (năm 1906), lần đầu tiên họ vắng tiếng còi tàu lâu đến ba ngày.

Bình yên không tiếng còi tàu

Ba ngày không còn những cái giật mình thẳng thốt của người cao tuổi, những tiếng khóc ré lên bất chợt của trẻ em khi tiếng còi tàu hụ vang mỗi đêm. Và đường phố không còn nỗi bực dọc của khói, của nắng, và cả của bụi bởi tắc nghẽn, dồn cục dày đặc trên đường mỗi khi tàu chạy qua. 

Và không còn cả nỗi nơm nớp lo sợ mỗi khi băng qua đường ray trong cuộc sống tất bật của mưu sinh hằng ngày.

Những điều đó như một thói quen, nay chợt thiếu.

Những người dân lớn tuổi sống cạnh đường ray không hẳn ai cũng ngon giấc bởi cảm giác thiếu hụt điều gì đó quen thuộc.

Từ nhiều chục năm nay tiếng rít của bánh xe lửa trên đường ray và cả tiếng còi tàu như tiếng ngáy của người thân.

Tuy ồn ào nhưng quen thuộc đã tạo nên cảm giác yên tâm. Và với rất nhiều người mà cuộc sống mưu sinh nhiều năm gắn chặt với thành phố này vẫn là cảm giác trống trải như vắng chiếc đồng hồ báo thức, thiếu tiếng gà gáy và như cả thiếu những tiếng rao.

Lãng mạn khi nhiều bô lão còn trải lòng khi so sánh tiếng còi tàu như tiếng rao: bánh chưng, bánh ít bánh giò đây… vang lên mỗi đêm trong từng con hẻm. Thân thương và quen thuộc.

Sự thiếu vắng còn đọng lại trên nét mặt của từng người dân thường xuyên phải di chuyển bằng xe lửa. Thói quen, cuộc sống, công việc bị đảo lộn và nỗi nhọc nhằn còn tăng cao khi phải di chuyển gần 30km lên ga Biên Hòa để có thể tiếp tục cuộc hành trình của cả một vòng quay, một đời người dù chỉ trong ba ngày (hiện nay vẫn phải tăng bo 15km từ ga Sóng Thần đi Biên Hòa).

Không thể mãi đi ngược

Nhưng xu thế của sự phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đang buộc nhiều thói quen phải thay đổi.

Những đường dây điện thoại (kể cả đường dây điện) đang được ngầm hóa. Những cây cầu nổi bắc ngang sông như một đường cong lãng mạn giờ cũng đến lúc được tính toán, quy hoạch đi ngầm dưới lòng sông để trả khoảng tĩnh không cho đô thị.

Thậm chí thói quen tay cầm tờ báo ngồi rung đùi bên ly cà phê mỗi buổi sáng giờ cũng mất dần để thay vào đó là dán mắt vô màn hình điện thoại smartphone, laptop đọc những tin tức nóng nhất trong ngày.

Chương trình TV mỗi tối nếu không thật hay, cuốn hút nhờ các game show, truyền hình thực tế thì cũng sẽ nhường chỗ cho các clip ngắn, dồn dập, nóng bỏng trên các kênh truyền hình mạng. Cuộc sống đang hối hả hơn và thói quen cũng dần thay đổi để nhanh hơn.

Đã có một so sánh. Với hàng trăm điểm cắt trên con đường xe lửa đi qua trong nội ô của thành phố này, nếu như không còn xe lửa sẽ không còn cảnh ùn ứ đến bực mình với những nguy hiểm đang rình rập hằng ngày.

Có nhiều nhà kinh tế còn khẳng định nếu không có xe lửa, sẽ có thêm nhiều tuyến đường được mở sẽ giảm tỏa áp lực cho giao thông đang là nỗi ám ảnh.

Và xa hơn, hàng chục ngàn căn nhà trong góc kẹt chợt trở thành mặt tiền và liền theo đó là cuộc sống của những người nghèo phải sống cạnh đường ray chợt đổi đời…

Trong thời buổi công nghệ, tiếng rao bán hàng đêm với đầy đủ âm sắc khi trầm khi bổng được dần thay thế bởi tiếng rao được thu sẵn trong máy ghi âm. Đều đặn và vô hồn. Người dân Sài Gòn đang tập quen dần với tiếng rao máy. Và một Sài Gòn đang tập quen dần với việc thiếu vắng tiếng còi tàu dù chỉ có ba ngày ngắn ngủi.

Thủ tướng vừa quyết đinh chi gần 300 tỉ phục hồi gấp cầu Ghềnh để thông toàn tuyến xe lửa như đã từng quyết định thông xe toàn tuyến xe lửa Bắc Nam ngày 31-12-1976. Nhưng ai dám bảo đảm sự cố sẽ không còn diễn ra khi ý thức và cả năng lực điều khiển giao thông đường thủy quá kém trong khi nhiều cây cầu mang trên mình tuyến đường sắt bắc ngang sông Sài Gòn vừa quá cũ vừa quá mong manh.

Thay đổi một thói quen thật khó nhưng chắc không thể vì một thói quen mà đi ngược lại xu thế phát triển. Với nhiều người, tiếng còi tàu như tiếng rao, gần gũi, thân thuộc nhưng cũng ồn ào, phiền phức và bực bội với nhiều người.

HOÀI LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên