02/03/2016 09:40 GMT+7

"Là người Nghệ An, tôi cũng muốn Sài Gòn đẹp hơn"

ĐỖ QUYÊN - TIẾN TRÌNH
ĐỖ QUYÊN - TIẾN TRÌNH

TT - Đó là tâm sự của ông Lê Khắc Hoàng (tài xế một công ty tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), người đầu tiên báo tin về việc “Hàng loạt xe hơi gặp sự cố do xăng?”

Ngư dân Huỳnh Quốc Nam (thứ hai từ trái sang) hỗ trợ phóng viên Tuổi Trẻ ra biển điều tra vụ bảo kê ngư trường biển Tây Nam - Ảnh: Tiến Trình
Ngư dân Huỳnh Quốc Nam (thứ hai từ trái sang) hỗ trợ phóng viên Tuổi Trẻ ra biển điều tra vụ bảo kê ngư trường biển Tây Nam - Ảnh: Tiến Trình

Ông Hoàng kể: “Xe tôi vừa mới bảo dưỡng đúng tuần trước, nhưng không hiểu sao mỗi khi đề máy thì xe cứ rùng rùng, hục hặc hoài. Sếp tôi thắc mắc, hỏi tôi đổ xăng ở cây xăng Petrolimex hay đổ bừa ở các cây xăng tư nhân khiến tôi rất ái ngại. Thế là tôi mang xe đến một gara ở quận 1 kiểm tra. Nơi này lấy xăng trực tiếp trong bình xăng xe và đốt thử thì sau khi cháy hết, trong tô xăng vẫn còn cặn và một chất dẻo như nhựa. Các nhân viên ở đây nói họ đã sửa cả chục xe/ngày vì lỗi nhiên liệu, hầu hết là chết bơm xăng và các lỗi khác. Vì là người thường xuyên đọc báo Tuổi Trẻ nên tôi gọi ngay để báo tin”.

Ông Hoàng nói ông mong báo chí sẽ làm rõ câu chuyện và nhờ các bài báo “minh oan” này mà ông nhẹ cả người, giải tỏa được tâm lý. Cũng nhờ đó mà Petrolimex khu vực 2 đã xác minh và thỏa thuận bồi thường chi phí sửa chữa cho các chủ xe, hiện ông đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để nhận lại số tiền này.

Mong báo làm rõ cái chết của thanh niên từ nhà tạm giam 

Cũng với mong muốn nhờ báo làm rõ câu chuyện, một bạn đọc ở xã Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, Long An đã báo thông tin “Một thanh niên từ nhà tạm giam vào bệnh viện rồi chết” (Tuổi Trẻ Online ngày 17 và 23-1).

Đây là trường hợp của anh Lương Minh Tuấn bị tạm giam, truy tố trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, được cán bộ trại giam đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa ngày 15-1 nhưng sau đó đã chết.

Bạn đọc này cho biết khi Tuổi Trẻ đăng tin, người dân địa phương rất quan tâm và mong muốn báo tiếp tục tìm hiểu sự việc vì bà con vẫn còn thắc mắc xung quanh cái chết của anh Tuấn, nhất là khi Công an huyện Đức Hòa bảo anh Tuấn bị viêm phổi cấp, còn bệnh viện bảo anh Tuấn đã chết lâm sàng khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu và nguyên nhân cái chết của anh phải chờ kết quả giám định pháp y.

Câu chuyện “Xuất hiện bảo kê khai thác ngư trường biển Tây Nam” đã được Tuổi Trẻ phản ánh cả bằng bài viết và phim truyền hình trong tháng 1-2016, phát xuất từ mong muốn đòi lại ngư trường trong sạch của một ngư dân.

Ngư dân này ngoài việc báo thông tin còn bỏ công sức hỗ trợ phóng viên thâm nhập hiện trường. Tuổi Trẻ đã trân trọng trao đến ông giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 1-2016 cùng với ba bạn đọc khác.

Mong được yên lành ra khơi

Nạn trộm cắp, tranh giành ngư trường, bảo kê vùng biển để cho các phương tiện khác thuê đánh bắt... đã và đang là vấn đề nhức nhối trên vùng biển phía tây tỉnh Cà Mau.

Nhiều ngư dân bị mất tài sản, có ngư dân bị chiếm ngư trường đến không còn nơi để đánh bắt. Đã có những trận xô xát xảy ra giữa các ngư dân để tranh giành vùng biển đánh bắt, làm tình hình trên Biển Tây ngày càng trở nên phức tạp...

Nhiều ngư dân nói rằng những tay “trùm” biển là những người có thế lực nên dù cho rằng mình bị ức hiếp, bị hãm hại nhưng họ đành im lặng vì lo sợ ra biển sẽ bị trả thù.

Trong lúc đó, phóng viên Tuổi Trẻ đã nhận được sự giúp đỡ của ngư dân Huỳnh Quốc Nam (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) để cùng ra khơi thâm nhập hiện trường. Những hình ảnh ghi được tại ngư trường, những âm thanh thể hiện tình trạng bảo kê, giao dịch tiền bạc giữa các đối tượng và ghe vi phạm... đã được ghi lại là chứng cứ thuyết phục về tình trạng vùng biển Cà Mau đang bị băm nát bởi các ghe cào mé, loại hình đánh bắt hủy diệt bị nghiêm cấm, mà núp bóng bảo kê cho các ghe này là một tay cộm cán từng vào tù ra khám.

Ông Nam nói vì những câu chuyện này chỉ diễn ra trên biển nên rất ít thông tin vào đất liền, cũng rất ít chứng cứ vì nhóm cát cứ biển trước giờ hoạt động rất tinh vi. Chính vì muốn đòi lại môi trường đánh bắt, tương trợ lẫn nhau giữa các ngư dân nên ông thông tin và hợp tác với phóng viên Tuổi Trẻ cùng đưa sự thật ngư dân bị áp bức lên mặt báo.

Ông cho biết khi bài báo “Xuất hiện bảo kê khai thác ngư trường biển Tây Nam" (Tuổi Trẻ ngày 11-1) và phim trên truyền hình Tuổi Trẻ được phát, người dân rất đồng tình với bài báo và chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những đối tượng đang khuynh đảo ngư trường.

 

“Tôi muốn góp phần xây dựng thành phố...”

Chàng trai Nguyễn Minh Thanh, quê Nghệ An, mới vào Sài Gòn được ba năm, làm giáo viên thể dục ở một trường THCS Bình Chánh, đã nói thế khi nhận giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ về tin ảnh “Có một bãi rác gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, sao không dọn?” (Tuổi Trẻ Online).

Anh Thanh chia sẻ: “Một lần có việc qua khu vực này, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi cuối khu vực tráng lệ như phố đi bộ Nguyễn Huệ lại có một nơi xấu xí như vậy, làm mất đi vẻ đẹp của khu trung tâm thành phố và gây mất thiện cảm trong lòng du khách. Vì thế tôi đưa tin để mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục và sớm chỉnh trang bến Bạch Đằng thành điểm du lịch xanh, sạch”.

Đ.QUYÊN

ĐỖ QUYÊN - TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên