13/02/2016 15:57 GMT+7

Người lao động cần tâm thế mới

SONG PHƯƠNG (Đồng Nai)
SONG PHƯƠNG (Đồng Nai)

TT - Trước khi thay đổi nơi làm việc, người lao động nên cân nhắc và có kế hoạch cho công việc của mình, tránh tình trạng bị đẩy về phía những doanh nghiệp mà lương, thưởng và các chế độ phúc lợi đều không đảm bảo.

Trước khi thay đổi nơi làm việc, người lao động nên cân nhắc và có kế hoạch cho công việc của mình, tránh tình trạng bị đẩy về phía những doanh nghiệp mà lương, thưởng và các chế độ phúc lợi đều không đảm bảo.

Kỳ nghỉ Tết Bính Thân khép lại, mọi người bắt đầu tiếp tục cuộc mưu sinh trong vòng quay tất bật của cuộc sống. Những nẻo đường về đô thị, vào các khu công nghiệp lại tấp nập người lại qua, các doanh nghiệp đang bắt tay vào thực hiện các kế hoạch của năm, thực hiện các đơn hàng mới...

Giữa không khí rộn ràng, khẩn trương ấy, một hoạt động trầm lặng nhưng chi phối khá nhiều đến hoạt động sản xuất đang diễn ra: doanh nghiệp tìm nguồn lao động mới và người lao động tìm công việc mới, vị trí mới.

Theo quy luật khách quan của bất kỳ loại thị trường nào, người bán luôn tìm đến đối tác có thể trả giá cao nhất cho hàng hóa của mình, người mua lại tìm cho bằng được hàng hóa chất lượng phù hợp với giá thấp nhất.

Vì vậy, người lao động luôn chủ động tìm kiếm một môi trường làm việc có mức lương tương xứng trong khi doanh nghiệp luôn có xu hướng chọn lọc, loại bỏ những lao động kém hiệu quả, năng suất lao động thấp và thay vào đó nguồn lao động mới.

Và sự dịch chuyển lao động âm thầm diễn ra vào những ngày sau tết. Sở dĩ các bên đều không thực hiện ngay đầu năm dương lịch mà thường chờ sau khi nghỉ Tết Nguyên đán vì người lao động có tâm lý đợi thưởng tết xong mới nghỉ việc, còn doanh nghiệp lại không muốn có những xáo trộn trước kỳ nghỉ tết.

Năm nay đã xuất hiện những ý kiến cho rằng nếu Chính phủ tiếp tục tăng mức lương tối thiểu và các khoản chi theo lương như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn... hằng năm, thì Việt Nam sẽ mất đi lợi thế về “lao động giá rẻ” trong khi chúng ta đang vào giai đoạn dân số vàng. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp sản xuất hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam, lượng lao động dôi ra có thể lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tính đến phương án thay nguồn nhân lực thường xuyên để trẻ hóa đội ngũ lao động, tăng cường độ lao động để quỹ lương không tăng thêm nhưng sản phẩm làm ra nhiều hơn. Nhưng nếu nhà đầu tư nước ngoài đổi mới công nghệ để giảm bớt lao động thì vấn đề lại ở khía cạnh khác. Dù theo chiều hướng nào thì người lao động cũng phải nỗ lực nâng cao khả năng thích ứng để tránh rơi vào mất việc, thất nghiệp.

Vậy nên trước khi thay đổi nơi làm việc, người lao động nên cân nhắc và có kế hoạch cho công việc của mình, tránh tình trạng sau một số lần thay đổi, từ lao động được chào đón lại bị đẩy về phía những doanh nghiệp “chiếu dưới” - nơi mà lương, thưởng và các chế độ phúc lợi đều không đảm bảo.Muốn vậy, cùng với tuổi tác, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, tính chuyên nghiệp phải không ngừng tăng lên.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách phù hợp để người lao động Việt Nam ngày càng tự tin sử dụng lợi thế của mình trong quan hệ lao động, tránh quan niệm “xin việc” lâu nay vẫn tồn tại. Năm mới, Việt Nam vừa chính thức ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), người lao động cần tâm thế mới là vậy.

SONG PHƯƠNG (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên