01/12/2015 12:30 GMT+7

Bạn nghĩ sao với 5 kế mới chống xả rác của chuyên gia?

D.N.HÀ - Q.KHẢI ghi
D.N.HÀ - Q.KHẢI ghi

TT - Khi có một người xả rác, ai lập biên bản, thủ tục lập ra sao, ai là người có thẩm quyền mời người vi phạm xả rác đứng lại chờ cơ quan chức năng đến lập biên bản? ...

Tình nguyện viên tuyên truyền du lịch thân thiện đến người dân và nhặt rác trong công viên 30-4, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng
Tình nguyện viên tuyên truyền du lịch thân thiện đến người dân và nhặt rác trong công viên 30-4, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Sau bài viết “Nên phạt người xả rác” (Tuổi Trẻ ngày 30-11), nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng có quy định xử phạt với hành vi này nhưng khó thực hiện. Chúng tôi giới thiệu vài hiến kế xử lý việc này.

* Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM):

Tuyên truyền kết hợp xử phạt

Quy định về chế tài đối với người xả rác nơi công cộng, khung hình phạt... đã có đầy đủ nhưng khó là quy trình xử lý chưa có. Khi có một người xả rác, ai lập biên bản, thủ tục lập ra sao, ai là người có thẩm quyền mời người vi phạm xả rác đứng lại chờ cơ quan chức năng đến lập biên bản? Ai sẽ là người bắt quả tang để chế tài chuyện vứt rác này?...

Người dân mình có thói quen ăn uống ngoài đường. Những người có ý thức sẽ giữ rác trong giỏ để vứt ở thùng rác hoặc đem về nhà nhưng nhiều người không đủ kiên nhẫn để làm việc này. Đôi khi người thu gom rác cũng vi phạm như quét rác hoặc cát tấp xuống các miệng cống. Tất cả những việc này đều phụ thuộc vào ý thức của từng người.

Theo tôi, cần phải phối hợp nhiều biện pháp. Hiện tại, việc giáo dục tuyên truyền gần như được các địa phương thực hiện thường xuyên. Những phim ngắn tuyên truyền về tác hại của việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng phát thường xuyên trên đài truyền hình, đài phát thanh cũng làm cho người dân dễ tiếp thu và thay đổi thói quen. Tuy nhiên, nếu chỉ giáo dục mà thiếu chế tài thì ít tạo sự thay đổi hành vi của người dân.

* Luật sư Châu Xi (Đoàn luật sư TP.HCM):

Phát huy lực lượng tại chỗ để xử lý

Hiện có nhiều lực lượng tại chỗ như cảnh sát khu vực, tổ trật tự đô thị, dân quân, tổ bảo vệ dân phố... đều có chức năng giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn chung cho cuộc sống của người dân. Các địa phương cần tính toán phát huy vai trò, khả năng của các lực lượng này để xử lý trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Người dân, khách đi đường hoặc tổ trưởng tổ dân phố không có thẩm quyền mời người vi phạm về phường để xử lý hoặc yêu cầu người vi phạm không được rời đi nhưng các lực lượng này có thẩm quyền và chức năng để thực hiện. Tôi nghĩ các địa phương cần ra quân quyết liệt, xử lý nghiêm và triệt để một thời gian thì sẽ có chuyển biến.

Mặt khác, các công ty dịch vụ công ích, công ty môi trường đô thị cần bố trí nhiều thùng rác trên đường, nơi công cộng một cách thuận tiện để người đi đường sử dụng một cách dễ dàng. Các thùng rác này phải được thu gom thường xuyên để không có tình trạng thùng rác ở đâu thì gây ô nhiễm ở đó.

* Ông Hồ Tấn Hoàng (đội trưởng đội trật tự đô thị quận Thủ Đức, TP.HCM):

Xử lý theo quy trình “phạt nóng”

Ở quận Thủ Đức, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý việc xả rác nơi công cộng vì đây là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Các lực lượng chức năng như đội trật tự đô thị, dân quân mật phục để bắt quả tang người dân xả rác không đúng nơi quy định. Những trường hợp đổ nước thải ra đường cũng bị nhắc nhở và xử phạt nếu tái phạm.

Thường thì UBND các phường “phạt nóng” với mức phạt từ 100.000 đồng trở lên. Đội trật tự đô thị của quận cũng đã xử lý một số trường hợp vứt rác không đúng nơi quy định, đổ nước ra đường.

Khi các thành viên của đội trật tự đô thị, dân quân hoặc những người có trách nhiệm ở khu phố phát hiện người xả rác không đúng nơi quy định thì mời về UBND phường để xử lý theo quy trình “phạt nóng”.

* Bà Thi Thị Tuyết Nhung (phó trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM):

Giám sát xả rác bằng camera

Quá trình đi giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở nhiều nơi như phường Cầu Kho, quận 1 và một số địa bàn khác, khi đi vào một số con hẻm nhỏ chúng tôi thấy rất tươm tất, không một cọng rác, hỏi ra mới biết khu vực hẻm có gắn camera giám sát an ninh.

Hiện nay có rất nhiều địa phương triển khai gắn camera an ninh, vì vậy vẫn có thể lồng ghép để giám sát hành vi xả rác để xử phạt nguội.

Hiện quy định xử phạt, đối tượng bị xử phạt do vi phạm môi trường đã có từ cấp phường tới quận, các sở. Địa phương nào quan tâm, làm quyết liệt thì trật tự đô thị, môi trường ở đó sẽ có cải thiện.

Lấy ví dụ, tình trạng mua bán lấn chiếm trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận 7, sau khi lực lượng trật tự đô thị ra quân nhắc nhở, xử phạt thì lòng lề đường thông thoáng trở lại.

* Ông Huỳnh Minh Nhựt (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM):

Kênh rạch thành bãi rác khổng lồ

Là một đơn vị chuyên trong công tác thu gom, vận chuyển rác các loại trên địa bàn TP.HCM, tôi thấy việc xả rác nơi công cộng thời gian qua tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn phổ biến lắm.

Đặc biệt là các tuyến kênh rạch trên địa bàn TP từ lâu đã trở thành bãi rác khổng lồ. Chỉ tính riêng hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mỗi ngày hứng 5-14 tấn rác, hiện các cơ quan đang đề xuất tăng tần suất vớt rác từ 2 ngày/lần lên 1 ngày/lần nhằm đảm bảo môi trường cho tuyến kênh này.

Hành vi xả rác xuống kênh rạch không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước mà còn ô nhiễm cả không khí...Nhưng do nơi đây là môi trường lý tưởng để che đậy hành vi vi phạm (rác chìm dưới nước, trôi đi khó thấy) và không được xử lý tới nơi tới chốn nên hành vi này vẫn còn phổ biến, đặc biệt tại các bến khách, bến chợ, cầu cảng, kể cả nhà dân sống dọc theo sông rạch.

Tôi ủng hộ việc phải xử phạt nghiêm minh hành vi xả rác bừa bãi, nhưng vấn đề là không đủ lực lượng, giám sát và xử phạt vấn đề này, đây là một thực trạng tồn tại nhiều năm qua.

Vì vậy giải pháp xử lý thông qua camera giám sát cũng là một hướng cần phải nghiên cứu triển khai. Ngoài việc tăng cường công tác vận động tuyên truyền, nhân rộng các tổ dân phố, khu phố không rác thì mỗi một đơn vị như: quản lý công viên, trường học, bệnh viện...phải trang bị đầy đủ số lượng thùng rác và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường các em từ nhỏ.

Các cơ quan chức năng cần chỉ đạo các công ty công ích quận huyện, các công ty, đơn vị thu gom rác tích cực hơn trong công tác thu gom vận chuyển.

D.N.HÀ - Q.KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên