12/10/2015 08:23 GMT+7

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Lo tái định cư

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TT - Dù chính quyền Quảng Nam đang gấp rút thực hiện việc tái định cư (TĐC) tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng người dân không khỏi lo lắng khi mùa mưa bão cận kề.

Người dân ở khu TĐC Xuân Trung đang gấp rút làm nhà khi mùa mưa bão sắp đến - Ảnh: L.Trung
Người dân ở khu TĐC Xuân Trung đang gấp rút làm nhà khi mùa mưa bão sắp đến - Ảnh: L.Trung

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài gần 92km với hơn 8.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 800 hộ nằm trong diện giải tỏa có nhu cầu TĐC.

Nơi ở mới có hơn chỗ cũ?

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT cuối tháng 9-2015, chính quyền Quảng Nam cho hay tỉnh đã bố trí TĐC hơn 1.030 lô đất cho người dân bị ảnh hưởng bởi tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Huyện Phú Ninh là một trong những địa phương có số hộ giải tỏa trắng nhiều với hơn 220 hộ, cần khoảng 300 lô đất. Địa phương này bố trí 217 lô đất và chi trả 52 suất đầu tư hạ tầng ở bốn khu TĐC chính, bốn điểm TĐC nhỏ khác cho người dân làm nhà.

Loay hoay đào móng cho ngôi nhà của mình, ông Huỳnh Dương (58 tuổi, thôn Xuân Trung, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh) cho hay nhà ông bị giải tỏa trắng với diện tích hơn 800m2. Chính quyền địa phương mới cấp cho ông hai lô đất, mỗi lô 250m2 ở khu TĐC thôn Xuân Trung để làm nhà.

“Mùa mưa bão tới gần mà nhà chưa làm xong cái móng. Dự tính làm xong nhà thì cũng tới tết. Tôi sợ lúc đó thi công nhà mà gặp mưa gió, bão lụt thì khó khăn gấp bội” - ông Dương nói.

Cạnh đó, ông Ngô Thành Trung (36 tuổi, thôn Xuân Trung) cũng cùng nhóm thợ đào móng làm nhà. Ông Trung lo ngại nơi ở mới sẽ tệ hơn nơi cũ.

Ông lý giải: “Họ bố trí đất làm nhà ở khu đất xấu, xe múc lấy hết lớp đất màu mỡ bề mặt, chẳng trồng trọt được gì... Trước đây mảnh đất nhà tôi rộng hơn 1.000m2 có thể trồng trọt, chăn nuôi kiếm sống. Giờ họ bố trí đất nhỏ hẹp vậy chỉ đủ ở, không có đất sản xuất, canh tác. Không trồng trọt, chăn nuôi được thì lấy gì mà sống?”.

Một thực tế khiến người dân đau đầu là đơn vị kê khai, đền bù nhà cửa, kiến trúc, áp giá chi trả cho người dân từ nhiều năm trước nhưng đến giờ mới bố trí đất TĐC, số tiền đền bù lúc trước giờ thiếu hụt vì vật giá, vật liệu xây dựng tăng.

“Năm 2012 tôi nhận tiền đền bù nhà cửa, vật tư kiến trúc gần 130 triệu. Giờ họ mới bố trí đất thì làm nhà chẳng thấm vào đâu bởi thứ gì cũng lên giá hết” - ông Trung nói thêm.

Ghi nhận tại nhiều khu TĐC như Phong Thử 1, khu TĐC đường 609 (huyện Điện Bàn), khu TĐC Chợ Lò (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh), Xuân Trung (xã Tam Đàn, Phú Ninh)... dù hoàn thành nhưng có nơi vẫn còn thiếu những công trình phụ (điện, nước, cống thoát nước, chợ...). Một số khu TĐC khác thì mới được chính quyền bố trí đất, dân vẫn chưa vào làm nhà.

Chậm do thiếu kinh phí

Ông Đặng Bá Dự - phó chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - cho biết tuyến cao tốc đi qua huyện Phú Ninh dài gần 15km, huyện bàn giao cho chủ đầu tư hơn 94% đất trống. Quá trình giải phóng mặt bằng vướng rất nhiều thứ. Nhiều hộ dân cho rằng đơn giá đền bù vật tư kiến trúc thấp nên không bàn giao mặt bằng.

“Một cái vướng nữa là một số hộ do ở nông thôn có đất nhiều, diện tích thu hồi lớn nhưng vào khu TĐC thì người ta đòi phải bằng diện tích thu hồi, chuyện này chính quyền không thể đáp ứng được” - ông Dự cho biết.

Ông Đinh Văn Thu - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết khi thực hiện việc giải phóng mặt bằng đường cao tốc, vấn đề khó khăn nhất của tỉnh là TĐC cho người dân. Khi thực hiện xây dựng các khu TĐC, kinh phí đưa về chậm nên kéo dài thời gian giao mặt bằng cho người dân. Một số khu TĐC vẫn làm chưa xong do thiếu kinh phí.

Hiện trong 21 khu TĐC thì có hai khu còn đang đầu tư. “Chúng tôi đã đề xuất chủ đầu tư phân bổ kinh phí kịp thời để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, TĐC cho dân. Tỉnh cố gắng từ nay đến cuối năm 2015 phải phấn đấu hoàn thành xong TĐC” - ông Thu quả quyết.

Rót thêm kinh phí thực hiện tái định cư

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cả ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có 1.956 hộ có nhu cầu TĐC với gần 2.800 lô, chính quyền các tỉnh bố trí hơn 1.900 lô. Hiện còn hơn 10km chưa thi công do bị vướng mặt bằng, trong đó có 900 hộ liên quan đến chuyện TĐC.

Mới đây, VEC chủ động tạm ứng thêm 650 tỉ đồng cho ba địa phương chi trả đền bù và xây dựng các khu TĐC, dự kiến giải quyết xong cơ bản mặt bằng trong năm 2015.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên