03/10/2015 10:40 GMT+7

TP.HCM: tiêu điểm của đổi mới

PHẠM CHÁNH TRỰC (nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)
PHẠM CHÁNH TRỰC (nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)

TT - Sau 40 năm TP.HCM đã có bước phát triển nhanh hơn so với mức trung bình của cả nước, song nhìn chung vẫn chưa theo kịp đà tăng trưởng của các thành phố trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) đang thi công (đoạn đi song song với xa lộ Hà Nội) - Ảnh: Hữu Khoa

Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới cả bề rộng và chiều sâu, phát huy cao độ sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực quốc gia và phân bổ mọi nguồn lực công bằng, dân chủ, nhằm những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vì cả nước, cùng cả nước.

Vượt qua rào cản pháp lý

Sau giải phóng, TP.HCM là tiêu điểm của mọi thay đổi từ chiến tranh sang hòa bình, từ chia cắt phân ly sang thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc. Nhưng trước mắt là nạn đói và nạn thất nghiệp đe dọa thành phố từng ngày.

Những chủ trương khôi phục sản xuất, vận động nhân dân trở về quê cũ làm ăn và đi xây dựng kinh tế mới đã làm giảm khó khăn bức xúc tình thế, nhưng cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp lại đè nặng đất nước vốn đã kiệt sức bởi chiến tranh.

Trong khi đó, cuộc cấm vận bao vây kinh tế càng làm cho nhân dân thêm điêu đứng. Sản xuất kinh doanh đình đốn, công nhân lao động thất nghiệp tràn lan, gạo và thực phẩm thiếu hụt mặc dù thành phố nằm trên vựa lúa Nam bộ.

Trước thực tiễn đó, lãnh đạo thành phố đã "xé rào", "bung ra" tháo gỡ cho sản xuất lưu thông bằng kế hoạch B, C... Không có lòng yêu nước thương dân sâu sắc thì không thể vượt qua rào cản quy định pháp lý lúc bấy giờ.

Không dám đổi mới tư duy thì không thể nhận ra quy luật phát triển đang tác động dữ dội vào cuộc sống thực tiễn hằng ngày, không thấy được những mâu thuẫn đang xâu xé nền kinh tế và xã hội.

Hành động quả cảm và đầy tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố mà tiên phong là các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh đã được nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương ủng hộ, tiêu biểu là đồng chí Trường Chinh, nhà lý luận sắc bén của Đảng.

Từ đó ánh sáng "đổi mới tư duy" lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân chuyển thành quan điểm tư tưởng trong đường lối chiến lược của Đảng.

Nắm bắt thực tế

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, nhưng là thực tiễn nào? Làm sao nắm bắt được thực tiễn đó?

Phải luôn luôn bám sát cơ sở, bám sát quần chúng nhân dân, biết rõ đời sống của người công nhân lao động chân tay và trí óc, những người làm ra của cải vật chất và văn hóa tinh thần cho xã hội. Cần hiểu rõ thực tiễn đó và tìm ra quy luật vận động của thực tiễn.

Thời kỳ trước đổi mới: Vì sao hàng hóa khan hiếm? Vì sao nhà máy sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa một phần? Vì sao nằm trên đồng bằng Nam bộ mà thành phố bị đói, ăn cơm độn?

Đồng chí bí thư Thành ủy nhìn vào "gô" cơm độn của công nhân mà đau lòng, từ đó quyết tâm tìm mọi cách để tăng sản xuất, làm thêm thu nhập cho công nhân.

Rồi từ một vài nhà máy khởi động làm chuyển động cả quy trình sản xuất lưu thông, kéo cả guồng máy kinh tế - xã hội đi lên.

Kinh nghiệm về tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ đạo ở TP.HCM là những bài học thực tiễn rất sinh động!

Không ngừng có sáng kiến

Ngay sau ngày giải phóng, thành phố đã chủ trương vừa vận động nhân dân trở về quê cũ bám ruộng vườn, công nhân khởi động lại tất cả xưởng máy, đồng thời gấp rút tổ chức lực lượng lao động lên rừng xuống biển.

Hàng vạn thanh niên xung phong ra quân ngày 28-3-1976 là một công trình lớn về tổ chức lực lượng và tổ chức chỉ đạo phối hợp tinh vi, nhạy bén.

Đặc biệt có ý nghĩa và tác động to lớn là việc tổ chức cho một số nhà máy thực hiện kế hoạch B, C thời kỳ trước đổi mới.

Đó là những công trình có tầm nhìn xa, sâu rộng, nhưng phải tổ chức rất cụ thể, chu đáo và dám chịu trách nhiệm trước quần chúng và trước cấp trên là Chính phủ và Trung ương Đảng.

Đồng chí bí thư Thành ủy lúc đó đã trực tiếp chỉ đạo từng nhà máy, từng khâu trong quy trình hoạt động, từ huy động vốn nhân dân, nhập khẩu vật tư nguyên liệu, rồi tổ chức sản xuất và hạch toán hợp lý đến trao đổi hàng hóa với các địa phương để có hàng xuất khẩu rồi nhập khẩu trở lại nguyên liệu vật tư cho vòng quay sản xuất tiếp theo...

Cũng như thế, suốt 40 năm qua thành phố đã không ngừng đề ra sáng kiến, không ngừng tổ chức hoạt động.

Xóa đói giảm nghèo trong nền kinh tế thị trường là một thách thức năng lực tổ chức của thành phố, đã thành công hơn dự kiến, với nhiều chương trình, kế hoạch giúp dân giảm nghèo.

Giúp đỡ người nghèo, cô đơn, bất hạnh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trở thành tập quán tốt ở khu phố, xóm ấp, phường xã.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố thiết thực chăm lo cho người nghèo, trở thành mô hình tốt được nhiều địa phương làm theo, là tổ chức được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" thời kỳ đổi mới, cá nhân chủ tịch sáng lập cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" thời kỳ đổi mới.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa thường xuyên như đi tìm hài cốt liệt sĩ, thăm viếng vùng căn cứ kháng chiến, gia đình thương binh liệt sĩ, hoạt động truyền thống về nguồn của thế hệ trẻ..., xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết trở thành phong trào xã hội, phong trào cứu trợ, từ thiện xã hội là nét đẹp văn hóa của nhân dân thành phố duy trì liên tục suốt 40 năm qua.

Thế hệ lãnh đạo trước đây làm có đúng có sai nhưng bao giờ cũng hết lòng vì nước vì dân, thể hiện sáng ngời lời dạy của Bác Hồ "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", "là người lãnh đạo và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân", cho nên đã ghi sâu hình ảnh đẹp đẽ trong lòng chúng ta và đồng bào cả nước. Thế hệ lãnh đạo thành phố hôm nay có thể thể hiện được "con hơn cha là nhà có phúc" hay chăng?

Mong mỏi đội ngũ cán bộ tốt

Điều mong mỏi ấy đã được các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số tại TP.HCM bày tỏ một cách sôi nổi tại Hội nghị thảo luận, góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM, được Ủy ban MTTQ TP tổ chức sáng 2-10.

“Tôi khẳng định chính sách dân tộc, tôn giáo ở VN nhiều và tốt. Nếu còn chưa tốt ở đâu đó là do đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách này thôi.

Và vì vậy, phải xem lại đội ngũ cán bộ của chúng ta như thế nào”, TS Phú Văn Hẳn - dân tộc Chăm, đến từ Trung tâm Nghiên cứu dân tộc và tôn giáo - Viện Phát triển bền vững Nam bộ - đặt vấn đề.

Chia sẻ điều băn khoăn này, nhân sĩ Hà Tăng, dân tộc Hoa, phó chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho rằng: “Chúng ta cần đội ngũ cán bộ trẻ, phải có cơ chế tuyển chọn nhân tài. Thi tuyển cán bộ công chức rất hệ trọng, mà vừa qua chúng ta làm chưa tới nơi tới chốn”.

Doanh nhân Đặng Quốc Hùng góp ý ngoài việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công tác giám sát, đánh giá cán bộ cũng rất quan trọng.

Trong đó, đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc phải thể hiện rõ nét hơn. TS Trần Thanh Pôn, dân tộc Khmer, thẳng thắn góp ý về mục xây dựng Đảng trong dự thảo: “Trong báo cáo tôi thấy ghi là đưa ra khỏi Đảng những người vi phạm điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tôi nghĩ phải thêm vào: kiên quyết xử lý đảng viên phạm pháp bị tòa án xử lý, phải phạt nặng gấp đôi so với người ngoài Đảng. Như thế mới gọi là đổi mới”.

Cùng với sự quan tâm về đội ngũ cán bộ, các đại biểu cũng góp ý thêm về chính sách đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới.

Ông Kim Sô, giáo cả thánh đường Hồi giáo P.1, Q.8, nói cộng đồng người Chăm ở TP (khoảng 10.000 người) luôn khao khát được nâng cao dân trí để chung tay góp sức với các dân tộc anh em khác xây dựng TP.

Nhiệm kỳ tới, ông mong TP quan tâm hơn phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, để các dân tộc thiểu số cùng được góp phần vào sự phát triển của TP.

MAI HOA

PHẠM CHÁNH TRỰC (nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên