04/08/2015 09:06 GMT+7

​Ồ ạt lấy đất ruộng làm gạch

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Gần đây, tại An Giang lại rộ lên nạn lấy đất trồng lúa để làm gạch, ảnh hưởng đến diện tích canh tác lân cận và gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều thửa ruộng ở Chợ Mới (An Giang) bị đào lớp đất mặt để làm gạch - Ảnh: Đ.VỊNH

Tại huyện Chợ Mới, trên cánh đồng ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông tiếng động cơ vang rền, máy xúc liên tục đào bới, mặt ruộng bị đào xuống sâu khoảng 5 tấc để lấy lớp đất mặt bán cho các lò gạch. Theo các chủ lò gạch, lâu nay để có đất làm gạch, họ phải mua lớp đất mặt ruộng với giá 20 triệu đồng/công.

Theo nhiều hộ dân, mấy năm nay giá lúa thấp, làm một công ruộng mỗi năm may lắm chỉ lời 2 triệu đồng nên khi cơ sở sản xuất gạch hỏi mua đất lớp mặt với giá nói trên là họ đồng ý bán ngay.

Ông Nguyễn Văn Viễn, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường (TN-MT) huyện Chợ Mới, cho biết nạn lấy lớp đất mặt ruộng vừa gia tăng trở lại ở các xã Nhơn Mỹ, Long Giang, Mỹ Hội Đông...

Phòng TN-MT và các xã này lập biên bản hơn 20 vụ vi phạm, thanh tra giao thông cũng xử phạt những trường hợp vận chuyển đất quá tải trên đường.

Ông Trần Đặng Đức, giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, cho hay tình trạng này từng tồn tại từ nhiều năm trước, sau một thời gian ngăn chặn thì gần đây lại rộ lên.

Vừa qua sở kiểm tra thực tế tại Chợ Mới, chỉ riêng ba xã: Nhơn Mỹ, Long Giang, Mỹ Hội Đông đã phát hiện hơn 40ha đất nông nghiệp bị đào lấy lớp đất mặt. “Việc này diễn ra khá phức tạp, có dấu hiệu cấp xã buông lỏng quản lý” - ông Đức nói.

Ông Đức cho biết toàn tỉnh An Giang có gần 1.600 lò gạch, do nhu cầu về nguyên liệu tăng nên nạn khai thác đất lớp mặt còn gia tăng ở một số địa phương khác, chứ không riêng gì huyện Chợ Mới.

Cũng theo ông Đức, sản xuất gạch ở An Giang giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động nhưng việc này cũng khiến hằng năm An Giang mất khoảng 50ha đất và hơn 1.400ha đất nông nghiệp bị bạc màu do khai thác lớp đất mặt.

Từ năm 2012, tỉnh đã phổ biến lộ trình cho các cơ sở chuyển đổi công nghệ, chuyển qua làm gạch không nung (không sử dụng đất), nhưng sản xuất loại gạch này cần vốn đầu tư cao và khó nhất là... thiếu nguyên liệu nên đến nay các chủ lò gạch vẫn chưa chuyển đổi.

Còn ông Trương Trung Lập, chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho rằng việc đầu tư sản xuất loại gạch không nung rất tốn kém mà chưa biết tiêu thụ thế nào. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng loại gạch nung rất lớn nên tới đây các cơ sở vẫn duy trì làm gạch nung.

“Vấn đề khó khăn là hiện nay chưa có vùng nguyên liệu tập trung cho lấy đất làm gạch mặc dù chủ trương quy hoạch đã có từ lâu” - ông Lập nói.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên