03/08/2015 13:49 GMT+7

Dự án thủy điện bỏ hoang, dân khốn đốn

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG

TT - Nhiều năm trôi qua, người dân xã Hòa Bắc đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan không biết chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc có làm tiếp dự án hay không.

Dự án đã thi công lắp đặt trụ điện xong rồi để hoang phế suốt nhiều năm - Ảnh: Hữu Khá
Dự án đã thi công lắp đặt trụ điện xong rồi để hoang phế suốt nhiều năm - Ảnh: Hữu Khá

Năm 2009, TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) với công suất 49,2 MW cho Công ty cổ phần thủy điện Geruco Sông Côn (đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam), chủ đầu tư. Sau đó chủ đầu tư bỏ ra 78 tỉ đồng làm một số hạng mục rồi bỏ hoang.

Nhiều năm trôi qua, người dân xã Hòa Bắc đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan không biết chủ đầu tư có làm tiếp dự án hay không. Trong khi đó, đất đai của họ chưa được đền bù, hiện vẫn bỏ hoang.

Dân bối rối

Dẫn chúng tôi vượt hơn 20km đồi núi từ thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) đến khu vực canh tác, một hộ dân có đất bị thu hồi bởi dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc lắc đầu tiếc rẻ: “Gần sáu năm nay từ ngày bị thu hồi không sản xuất được chi, thỉnh thoảng vào rừng bứt mây có hái được ít ổi từ vườn mang ra chợ bán, còn lại cây trái trong này bỏ không tiếc quá”. Năm 2009, dự án này được triển khai, thu hồi đất của 149 hộ dân canh tác trong khu vực lòng hồ. Người dân chấp nhận di dời đến nơi ở mới bỏ lại những ngôi nhà, khu vườn với cây trái sum sê trong sự tiếc nuối.

Ông Nguyễn Văn Trung, thôn Tà Lang, kể gia đình ông cùng một số hộ dân vào mở đường, làm nhà ở khu vực dự kiến làm lòng hồ cách đây 20 năm. Với diện tích được cấp hơn 27ha, ông cùng bốn hộ dân có đất đứng tên chung nhận số tiền đền bù 1,4 tỉ đồng. Gần đây khi nghe thông tin dự án bị thu hồi, ông Trung tỏ ra lo lắng: “Hồi trước nghe theo chủ trương của Nhà nước nên dù chưa nhận đầy đủ số tiền đền bù tôi vẫn tình nguyện di dời đầu tiên. Vừa qua nghe dự án bị thu hồi, gia đình tôi rất lo lắng”.

Trong khi đó, một số hộ dân có đất sản xuất bị thu hồi chưa được đền bù thì tỏ ra rất bối rối. “Hồi dự án thông báo triển khai lấy lại đất, tôi phải đi vay tiền mua đất canh tác mới. Mình cứ nghĩ họ thu hồi thì sẽ đền bù cho mình nhưng chờ mãi sáu năm nay không thấy. Đất trong vườn cũ bỏ hoang nhưng đâu dám vào làm vì sợ họ triển khai đột ngột thì khốn đốn” - ông Nguyễn Văn Lân, một hộ dân có đất bị thu hồi bởi dự án, nói.

Một cán bộ xã Hòa Bắc cho biết không nhớ hết có bao nhiêu hộ đã được nhận tiền đền bù và bao nhiêu hộ chưa nhận, vì các trường hợp này đều do các đơn vị khác trực tiếp chi trả cho người dân. “Dự án này dây dưa kéo dài, nên mình không thể nắm hết được. Vừa qua TP có văn bản đồng ý cho người dân vào sản xuất cây ngắn ngày, mình thông báo cho người dân vào lại sản xuất nhưng họ cũng e ngại, không dám làm” - cán bộ này nói.

Thu hồi không dễ

Do dự án chậm trễ kéo dài nên đầu năm 2014, UBND huyện Hòa Vang có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng thu hồi dự án. Đại diện UBND huyện Hòa Vang cho biết tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 149 hộ, trong đó có 122 hộ là đồng bào dân tộc.

Từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay hơn sáu năm, nhân dân đã chấp hành việc kiểm định áp giá đền bù, đồng thời không sản xuất, nhưng dự án chậm triển khai, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Xã Hòa Bắc là xã nghèo, đa số nhân dân là dân tộc thiểu số, người dân sống chủ yếu dựa vào trồng rừng và sản xuất hoa màu, chăn nuôi. Sau khi thu hồi diện tích để thực hiện dự án, nhân dân không còn đất sản xuất, dẫn đến cuộc sống khó khăn hơn.

Sau đó, dự án được HĐND TP Đà Nẵng đồng ý với chủ trương thu hồi. Tuy nhiên, từ đó đến nay UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa có ý kiến chính thức là thu hồi hay cho dự án tiếp tục.

Ông Nguyễn Đình Phúc, phó giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, cho biết đúng ra dự án đã hoàn thành đúng tiến độ năm 2012 nếu không gặp phải những vướng mắc về giải phóng mặt bằng ngoài dự kiến. Theo ông Phúc, hiện tại đến thời điểm này chưa biết có thu hồi dự án hay không. “Nếu trường hợp thu hồi chắc chắn sẽ phát sinh kiện tụng giữa chủ đầu tư với TP. Chủ đầu tư cho rằng lỗi để dự án chậm tiến độ không phải hoàn toàn do bản thân họ mà còn do lỗi của TP trong việc giải phóng mặt bằng” - ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, hiện chủ đầu tư đã bỏ ra 78 tỉ đồng để thực hiện một số công việc như hồ sơ khảo sát địa hình địa chất thủy văn trong phạm vi nghiên cứu của dự án; đo đạc phục vụ việc giải tỏa đền bù, xác định ranh giới xây dựng công trình và làm các thủ tục thu hồi giao đất; thiết kế cơ sở dự án; tổ chức khảo sát đánh giá tác động môi trường, đồng thời triển khai một số gói thầu phụ trợ phục vụ công tác xây dựng công trình chính như: gói thầu rà phá bom mìn, gói thầu đường thi công, điện thi công.

Ông Phúc còn cho biết một nguyên nhân nữa khiến dự án chậm triển khai là do thiếu vốn. Theo quyết định năm 2013 của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015, Công ty cổ phần thủy điện Geruco Sông Côn là đối tượng phải thoái vốn, tập đoàn không được tiếp tục đầu tư vốn để đầu tư dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc.

Để vừa thực hiện thoái vốn và vừa bảo đảm việc triển khai dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc như đã cam kết với TP Đà Nẵng, trong thời gian qua tập đoàn đã làm việc với những đối tác lớn có chuyên ngành về thủy điện để thoái vốn nhưng tới nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Chủ đầu tư từ chối trả lời

Khi được hỏi về dự án, ông Đỗ Trung Hải - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Geruco Sông Côn - từ chối trả lời mọi vấn đề liên quan đến dự án này. Ông Hải nói ngắn gọn: “Tất cả thông tin về dự án này hiện tại y như lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng trả lời”.

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên