21/07/2015 08:27 GMT+7

Chồng không được nộp hồ sơ cho vợ?

D.NGỌC HÀ ghi
D.NGỌC HÀ ghi

TT - Tôi là chồng, cũng là một đồng sở hữu tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, vậy mà khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho lô đất đứng tên vợ tôi thì lại bị từ chối.

Người dân đến làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 18-7Ảrnh: T.T.D.
Người dân đến làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 18-7 - Ảnh: T.T.D.

Vợ chồng tôi có nhận chuyển nhượng một lô đất trong dự án An Phú - An Khánh (Q.2, TP.HCM). Khi làm hợp đồng chuyển nhượng với công ty, vợ tôi đứng tên một mình trong điều khoản bên mua. Tuy vợ tôi đứng tên nhưng trong suốt quá trình giao dịch với công ty từ việc đóng tiền, làm thủ tục xây dựng, ký hợp đồng với nhà thầu đến việc xin các giấy tờ quyết toán thuế... tôi là người đứng ra làm. Những đơn vị tôi liên hệ đều không có thắc mắc gì.

Đầu tháng 7-2015, tôi làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền). Vì chúng tôi nghĩ đơn giản rằng tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là của chung, ai đứng tên cũng được nên trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chủ quyền chỉ có vợ tôi đứng tên.

Do vợ tôi mới mổ cột sống, bị hạn chế đi lại nên tôi cầm hồ sơ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND Q.2 để nộp. Cô nhân viên tiếp nhận tại đây không chấp nhận mà yêu cầu phải chính vợ tôi đi nộp hoặc phải có giấy ủy quyền của vợ tôi thì mới nhận.

Tôi trình bày lý do vợ tôi đang bệnh và đưa cả giấy đăng ký kết hôn để chứng minh rằng tôi là chồng và căn nhà trên là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, tôi cũng là đồng sở hữu nhà... nhưng người tiếp nhận hồ sơ vẫn một mực không chịu nhận.

Tôi đành phải quay về, đợi cho đến khi vợ tôi khỏe hơn thì chở đến để nộp hồ sơ. Tôi quan sát thấy trong quá trình nộp hồ sơ, vợ tôi không phải ký vào văn bản hay sổ sách gì cả mà chỉ có mặt để cầm hồ sơ đưa cho người tiếp nhận rồi cầm biên nhận ra về.

Tôi thắc mắc vì sao tôi là chồng, cũng là một đồng sở hữu tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình mà không được nộp hồ sơ nhà, đất?

Hơn nữa, biên nhận hồ sơ không phải là một giấy tờ có giá trị tài sản, cũng không có giá trị giao dịch vì chỉ là bằng chứng về việc người dân đã nộp vào cơ quan chức năng bao nhiêu bản chính, bản sao của các loại giấy tờ, chứng từ...

Khi nhận kết quả, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu chính người đứng tên trên biên nhận hoặc có giấy ủy quyền mới được nhận. Vậy thì tại sao tại khâu nộp hồ sơ, các cơ quan chức năng còn đòi hỏi phải “chính chủ” gây phiền hà cho dân?

Đ.C. (Q.2, TP.HCM)

Chưa có quy định, khuyến khích nhận hồ sơ

Đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.2 cho biết cán bộ tiếp nhận từ chối trong trường hợp này là đúng quy định.

Theo quy định, người sở hữu nhà, chủ sử dụng đất phải là người đi nộp hồ sơ làm các thủ tục nhà, đất; nếu người khác đi thay phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất.

Trong thực tế, việc từ chối này để tránh những tranh chấp, khiếu nại về sau của người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một số quận, huyện khác tại TP.HCM như Bình Tân, Bình Thạnh vẫn tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp người nhà của chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất đi nộp thay.

Trên biên nhận hồ sơ ghi rõ tên người trực tiếp đi nộp hồ sơ và tên người yêu cầu thực hiện thủ tục. Sau đó chủ sở hữu, người sử dụng đất “chính chủ” (hoặc người được ủy quyền) phải trực tiếp đi nhận kết quả sau khi giải quyết xong và phải giao lại bản chính biên nhận hồ sơ cho cán bộ trả kết quả.

Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn việc có cho phép hay không thân nhân của chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất đi nộp hồ sơ thay.

Tuy nhiên, Văn phòng Đăng ký đất đai TP khuyến khích các chi nhánh văn phòng chấp nhận trường hợp thân nhân đi nộp hồ sơ thay “chính chủ”. Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chịu khó thực hiện hai thủ tục: tạm thời ngăn chặn giao dịch của nhà, đất trong thời gian thụ lý giải quyết hồ sơ và không giải quyết hồ sơ do thân nhân đi nộp thay sớm hơn thời hạn theo quy định.

Trong thực tế cũng đã xảy ra trường hợp chồng nộp hồ sơ thay cho vợ rồi báo là đã làm mất bản chính biên nhận và làm đơn cớ mất. Người vợ dùng đơn cớ mất này xin được nhận kết quả và không trình bản chính biên nhận. Nhưng khi cơ quan chức năng niêm yết công khai sự việc này thì có người trình báo bản chính biên nhận hồ sơ trên đã được người chồng thế chấp cho người khác để vay tiền.

Những biện pháp trên nhằm tránh xảy ra khiếu nại. Sắp tới, Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ bàn với Sở Tư pháp TP để tìm hướng giải quyết đúng quy định, áp dụng thống nhất trên toàn TP.

D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên