11/07/2015 12:20 GMT+7

Nạn “chăn dắt” trẻ em ăn xin 
tái xuất hiện

PHƯƠNG LINH - LÊ PHAN
PHƯƠNG LINH - LÊ PHAN

TT - Mặc dù TP.HCM đã đưa nhiều người ăn xin không nơi cư trú nhất định vào các trung tâm hỗ trợ xã hội và quyết tâm dẹp nạn “chăn dắt” trẻ em, người già đi ăn xin nhưng hiện nay tình trạng này lại tái xuất hiện ở nhiều tuyến đường.

Người đàn ông này ẵm đứa bé đang ngủ mê man đi xin tiền ở khu vực  ngã tư Minh Phụng - Hàn Hải Nguyên, P.9, Q.11 (TP.HCM) - Ảnh: P.L.
Người đàn ông này ẵm đứa bé đang ngủ mê man đi xin tiền ở khu vực ngã tư Minh Phụng - Hàn Hải Nguyên, P.9, Q.11 (TP.HCM) - Ảnh: P.L.

Cụ thể, trên đoạn đường Minh Phụng và Hàn Hải Nguyên (P.9, Q.11) thường xuyên xuất hiện một người đàn ông có vóc dáng khỏe mạnh nhưng lại ôm đứa bé trai nằm ngủ mê man và đi lang thang khắp các con hẻm để xin tiền.

Ở góc ngã tư Lạc Long Quân - Phú Thọ (P.10, Q.11), hai đứa trẻ (một trai, một gái) trạc 12 tuổi thường ngồi ở góc đường để xin tiền những người ra vào chợ Bình Thới. Tầm hơn 13g trưa, lúc tan chợ, một người đàn ông đeo cặp xách gọn gàng đi đến chỗ hai em và họ cùng di chuyển sang địa điểm khác để “làm ăn”. Bà Trần Thị Đinh, người dân sống cạnh chợ Bình Thới, cho biết: “Hai đứa trẻ này không chỉ dạo quanh khu vực chợ, có khi còn vào gõ cửa tận nhà người dân để xin tiền. Ai hỏi gì tụi nó cũng chỉ lắc đầu im lặng”.

Tiếp nhận thông tin trên, ông Nguyễn Tăng Minh - trưởng Phòng Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.11 - xác nhận: “Hiện tại chúng tôi phát hiện trên địa bàn có một số trường hợp người ăn xin lang thang nhưng vẫn chưa xử lý được bất kỳ trường hợp nào. Cuối tháng 5 vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với lực lượng công an quận có buổi rà soát, kiểm tra thực tế nhưng không thu được kết quả”.

Giao lộ Trần Hưng Đạo - Châu Văn Liêm (Q.5) , theo lời người dân bán tạp hóa tại đó cho biết cứ vài ngày lại xuất hiện 3-4 đứa trẻ dưới 10 tuổi ngồi ngay dưới lòng đường để xin tiền. Nhiều người đi đường lo lắng, ái ngại cho các em vì xe cộ qua lại đông đúc, nguy hiểm.

Ngã tư Nguyễn Ảnh Thủ - QL 22 (Q.12) cũng xuất hiện hai bé gái khoảng 7, 8 tuổi đứng ăn xin vào giờ cao điểm buổi chiều.

Ở ngã tư Lê Trọng Tấn - quốc lộ 1A (Q. Bình Tân) gần đây xuất hiện một bé trai gầy gò đứng xin tiền từ sáng sớm đến chiều tối bất kể mưa nắng. Người đi đường đến cho đồ ăn thì em lắc đầu không nhận.

Ông Nguyễn Thanh Duy Tân, phó chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, cho biết: “Đây là địa phận giáp ranh giữa hai phường nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, phường đã xử lý 3 trường hợp ăn xin tại khu vực ngã tư Nguyễn Thị Tú - quốc lộ 1A và gửi vào các trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em nhưng chưa thấy dấu hiệu chăn dắt”.

Ông Tân còn cho biết thêm thời gian gần đây thỉnh thoảng có xuất hiện nhóm người ăn xin nhưng khi thấy đội kiểm tra thì họ bỏ chạy nên chưa xử lý được. “Đội trật tự dân phố và công an khu vực luôn theo dõi tình hình tại đây để xem có yếu tố “chăn dắt” hay không, từ đó sẽ có hướng xử lý nhanh chóng” - ông Tân nói.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính đến ngày 12-6-2015, Trung tâm Hỗ trợ xã hội đã tiếp nhận 815 trường hợp người xin ăn không có nơi cư trú nhất định và người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn thành phố. Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần cũng tiếp nhận 110 trường hợp người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng có biểu hiện khuyết tật thần kinh, tâm thần.

Ông Lê Chu Giang, trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP, cho biết hiện tượng người xin ăn đã tái xuất hiện ở một số khu vực như: Ngã tư bốn xã, Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, Lê Trọng Tấn - quốc lộ 1A, Lê Văn Lương - Nguyễn Thị Thập...

Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH TP tiếp tục hướng dẫn và phối hợp với quận, huyện thực hiện tập trung người ăn xin thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất. Sở đề nghị các quận, huyện rà soát thường xuyên trên địa bàn, đặc biệt khu vực người xin ăn tái xuất hiện để tổ chức tập trung kịp thời.

Riêng đối với các trường hợp có dấu hiệu “chăn dắt” như: trẻ em bị phơi nắng ăn xin ở các giao lộ và có người lớn gần đó trông chừng, một số người mù, người bán tăm bông có người chở đến nơi ăn xin..., phòng LĐ-TB&XH quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với bộ phận liên quan theo dõi, kiểm tra để đề xuất công an xử lý.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH TP tiếp tục duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ảnh từ người dân về nạn ăn xin trên địa bàn thành phố. Vũ Thủy

PHƯƠNG LINH - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên