07/07/2015 08:45 GMT+7

Đường dây nóng bị cắt khúc

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TT - Đọc bài “Mua cua 1,2kg, luộc xong còn... 420 gam” trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 2-7, tôi thấy việc tổ chức đường dây nóng của Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa nhiều bất cập.

Ai cũng biết ở thành phố du lịch nổi tiếng này hoạt động có thể nói là suốt cả ngày, và khi đêm về những dịch vụ như giải trí, ăn uống, vũ trường... mới thật sự sôi nổi, thế nhưng khi du khách phản ảnh việc buôn bán có dấu hiệu lừa đảo đến đường dây nóng và cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng lại không được hỗ trợ kịp thời.

Du khách được trả lời: “Ngoài giờ hành chính, lực lượng quản lý thị trường không đến được”, rồi là: “Sau đó Chi cục QLTT nhận được ý kiến phản ảnh của du khách do Trung tâm Xúc tiến du lịch chuyển đến bằng... đường văn thư, tang vật không còn nên không đủ căn cứ để xử lý”. “Sau đó” tức sớm nhất cũng là ngày hôm sau thì hỏi sao mà còn “tang vật”?

Thật ra, đây không chỉ là chuyện diễn ra ở đường dây nóng của Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa.

Ngày 3-6, thấy trên đường Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM có nắp cống bị sụp xuống hẳn so với mặt đường có thể gây tai nạn cho người giao thông, tôi đã gọi điện báo cho đường dây nóng của Trung tâm Tiếp nhận thông tin các sự cố về hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.

Hôm sau vẫn chưa thấy ai đến sửa mà đã có người bị ngã xe, nên tôi báo lần thứ hai với lời phàn nàn. Khi tôi xưng tên và nói vị trí có sự cố, điện thoại viên biết ngay và nói với tôi để báo lại đơn vị chức năng đi sửa đường. Điện thoại viên nói họ chỉ tiếp nhận thông tin, còn xử lý vụ việc ra sao thì họ không nắm được.

Tôi thấy cách tổ chức tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin của nhiều đường dây nóng hiện nay bị cắt khúc, bộ phận nào chỉ biết việc bộ phận nấy: phía tiếp nhận ghi nhận sự việc và báo lại cho người, đơn vị có trách nhiệm xử lý thì coi như hoàn thành trách nhiệm, cho dù vụ việc còn nguyên chưa được giải quyết.

Trong khi đó, người dân và du khách lại muốn khi họ báo tin thì phải có phản hồi về xử lý thông tin đó, nghĩa là họ phải được biết đơn vị chức năng đã khởi động đến hiện trường chưa, nếu chưa thì khi nào đến. Họ còn muốn biết luôn số điện thoại của người được cử đi xử lý vụ việc, nhất là các vụ việc đòi hỏi có mặt ngay như vụ mua cua 1,2kg còn 420 gam.

Nếu chưa làm được chuyện chủ động phản hồi cho dân và du khách thì bộ phận tiếp nhận thông tin cũng phải nắm diễn biến tình hình để khi người dân, du khách gọi lại thì biết mà trả lời, vì du khách và người dân chỉ biết một đầu mối là số điện thoại đường dây nóng.

Việc nhiều cơ quan hiện đang tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận nhanh phản ảnh của người dân là tích cực, nhưng cần phải xuất phát từ nhu cầu của người dân và du khách để tổ chức đường dây nóng, đừng để đường dây nóng thành đường dây nguội vì tình trạng bị cắt khúc.

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên