08/06/2015 14:19 GMT+7

Quê hương vượt lên chính mình

Benjamin Ngô (TP.HCM)
Benjamin Ngô (TP.HCM)

TTO - Tôi chỉ mong 20 năm tới là quãng thời gian đủ để Việt Nam xử lý dứt điểm những vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa đang tồn đọng bấy lâu.

Ngày 13-5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã lội suối vào hang Sơn Đoòng và trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh về những vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh: T.Thắng

Lâu nay trên mặt báo, người ta thường đọc thấy những bài dạng “thị trường chứng khoán Việt Nam sánh ngang với Singapore”, “Nước ta xếp trong top 5, top 10 quốc gia hạnh phúc nhất”, “Quê hương ta là con rồng mới nổi của châu Á”...

Tôi nghĩ chúng ta cần cái nhìn thực tế rằng đất nước mình đang có một thực trạng ngổn ngang, từ dân sinh đến quốc kế.

Do vậy, đừng quá hồ hởi bức tranh Việt Nam 20 năm tới sẽ lung linh hay huyền ảo, rạng rỡ, mà chỉ mong quãng thời gian đó đủ để xử lý dứt điểm những vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa đang tồn đọng bấy lâu.

Kỳ vọng một đất nước “đáng sống”

Tất nhiên, là người suy nghĩ tích cực, tôi mong mỏi đất nước vào thời điểm 2035 sẽ thật sự “đáng sống”: người dân hành xử văn minh, xã hội dân chủ - công bằng, những quyết sách của Chính phủ ngày càng giúp dân giàu, nước mạnh.

Người dân nước Việt khi ấy không còn phải đau đáu với chuyện mỗi ngày ra đường có nguy cơ bị cần cẩu rơi trúng đầu hoặc ngập lụt đến cả mét khi trời mưa.

Chất lượng sống được cải thiện rõ rệt nếu so với hai thập niên trước nhờ chính sách giảm thiểu nạn ô nhiễm môi trường, cung ứng nguồn thực phẩm xanh và sạch cho người dân và đảm bảo chăm sóc y tế từ nông thôn đến thành thị.

Thời điểm ấy, ngư dân cũng chẳng còn nơm nớp chuyện bị một nước láng giềng cấm đánh bắt cá ở biển Đông khi vấn đề biển Đông đã được giải quyết dứt điểm từ lâu.

Năm 2035, chắc rằng cử nhân ra trường không còn lo thất nghiệp vì chất lượng đào tạo tại các trường đại học đã vượt xa thời kỳ lạc hậu trước đó 20 năm.

Trong bối cảnh đó, trên mặt báo người ta thấy vắng bóng những cái tựa theo kiểu “Việt Nam sẽ sớm được như nước này, như nước kia”.

Bởi các nhà báo cũng như người dân hiểu rằng điều quan trọng là tất cả công dân cùng đóng góp để đất nước vượt lên chính mình, chứ không cần “bơm doping” để tự huyễn hoặc nhau về tương lai của quốc gia sau khi đã thụt lùi quá lâu.         

Giải quyết ngay những vấn đề cấp bách

Tất nhiên, viễn cảnh nêu trên không thể “ngồi không mà có” hoặc chờ giúp đỡ từ bên ngoài. Tôi nghĩ rằng ngay từ bây giờ, Chính phủ cần có những quyết sách xử lý ngay những vấn đề cấp bách của đất nước: chủ quyền biển Đông, gánh nặng nợ công, tham nhũng, bội chi ngân sách nhà nước và kiềm chế lạm phát, phản biện xã hội kịp thời...

Qua việc tiến hành những quyết sách ấy, Việt Nam từng bước chứng tỏ tuân theo các giá trị chung của nhân loại đã được minh chứng tại các nước phát triển, chứ không cần phải mày mò, loay hoay tự mở lối đi riêng như hiện nay.

Để gánh nặng nợ công đang đè ngập đầu mỗi người Việt sẽ có chiều hướng giảm chứ không tăng trong tương lai, Chính phủ cần tăng cường khung thể chế và luật pháp về nợ công và ngân sách nhà nước.

Điều quan trọng là thông qua chiến lược nợ công trung hạn, đưa ra kế hoạch vay của Chính phủ dựa trên đánh giá các rủi ro và chi phí của các khoản nợ khác nhau.

Bước tiếp theo là đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại quốc doanh nhằm giúp giảm các khoản nợ dự phòng.

Mặt khác, cần mạnh tay xử lý các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả và tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Trong lĩnh vực xã hội, Chính phủ cần đẩy mạnh giải pháp bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống người dân. Bộ Y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường y tế dự phòng, có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải bệnh viện. Nhà nước cần những biện pháp giám sát chặt chẽ để đảm bảo lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trước năm 2020.

Về môi trường, Chính phủ ưu tiên các dự án phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Mặt khác, cần tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.   

Về giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo cần giải quyết những vấn đề đang tồn đọng trong nhà trường, chú trọng cơ hội phát triển toàn diện cho học sinh chứ không phải là những “chú gà chọi” bị ám ảnh bởi thi cử như hiện nay.

Về du lịch, thay vì tìm kiếm đại sứ du lịch và tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu đơn điệu tại các hội chợ du lịch kém hiệu quả như hiện nay, Bộ Du lịch cần đẩy mạnh những chiến dịch truyền thông trên diện rộng, nhấn mạnh sự khác biệt của du lịch Việt Nam so với các nước khác trong khu vực, tạo điều kiện tối đa cho các đoàn phim Hollywood đến quay tại nước ta.

Về truyền thông, du lịch Việt Nam cần quảng bá cho du khách biết nước ta không chỉ có hang Sơn Đoòng mà còn có vô số thắng cảnh tự nhiên từ Bắc chí Nam, những tập tục địa phương được gìn giữ và những món ngon tốt cho sức khỏe... 

Mặt khác, cần có những biện pháp đồng bộ như phát triển cơ sở hạ tầng, cửa hàng, điểm giải trí cho du khách tại các địa phương, cũng như đào tạo nhân sự phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm  giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”), hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

Benjamin Ngô (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên