05/05/2015 10:28 GMT+7

​Tạo “hồn” cho phố đi bộ Nguyễn Huệ

Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)

TT - Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM được thiết kế như một không gian giao tiếp công cộng có “hồn”, sẽ là nơi người dân đến vui chơi, thư giãn và là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Phố đi bộ lung linh về đêm - Ảnh: Hữu Khoa
Cái hồn của phố đi bộ chính là đời sống của nó. 

Cái hồn này chỉ có ở không gian giao tiếp lịch sử, là nơi chốn tạo ra giao tiếp nhân văn và giữ được nét văn hóa riêng, do vậy mới lưu giữ được ký ức trong lòng dân đô thị và là điểm đến hấp dẫn của du khách

Phố đi bộ không chỉ đơn thuần là vấn đề quy hoạch và kiến trúc đô thị mà là một mô hình không gian giao tiếp có công năng đặc biệt. Nó được coi là điểm đặc trưng của đô thị, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng liên quan đến xã hội học đô thị, đến bảo tồn di sản văn hóa đô thị, đến phát triển thương mại và du lịch.

Chính vì vậy, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã tổ chức các phố đi bộ để trung tâm thành phố trở nên hấp dẫn hơn.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ tại  TP.HCM được tổ chức ở cả hai làn đường và dải ngăn cách cũ chính giữa (phá bỏ đi), cũng có thể xem như là quảng trường nối dài, là điểm nhấn của khu trung tâm và là không gian công cộng để người dân đến vui chơi, thư giãn.

Ngoài khu quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là khu trang nghiêm, phần còn lại của đường đi bộ Nguyễn Huệ cần được tổ chức thành khu vực sinh hoạt văn hóa của cộng đồng thường nhật có liên quan đến nhiều mặt như thư giãn, thương mại, văn hóa, bảo tồn.

Khí hậu ở TP.HCM có thể chợt nắng chợt mưa, do vậy ở khu vực này, đoạn gần UBND TP đã được tính toán bố trí hàng cây và các bồn cây dây leo, vừa tạo mỹ quan vừa tạo bóng mát.

Tuy nhiên, cần lưu ý có giàn cho dây leo và có hệ thống phun sương để giữ cho bầu không khí quảng trường được mát. Giữa các cây hai bên đường, cần cho đặt các kiôt đẹp với các dù trang nhã để phục vụ yêu cầu đa dạng của người đi bộ và du khách mang tính thương mại, dịch vụ.

Ở khu vực này cũng cần thường xuyên tổ chức nghệ thuật đường phố (hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, trình diễn, lễ hội di sản)... Vào buổi chiều hoặc tối, có thể tổ chức biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật quy mô nhỏ như ca nhạc, xiếc hiện đại và cổ truyền... để đáp ứng yêu cầu về văn hóa và vui chơi, khi tết đến lại có thể sử dụng làm đường hoa.

Khi đi bộ trên phố, người dân và du khách còn có nhu cầu thưởng ngoạn các công trình vừa cổ điển vừa hiện đại nằm trên phố đi bộ. Do vậy, cần bảo tồn các công trình cổ từ thời Pháp như thương xá, các trụ sở kho bạc, ngân hàng và khách sạn cũ, trụ sở ngân hàng thời trước năm 1975 và những công trình hiện đại sau năm 1975...

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến hệ thống giao thông thuận lợi và các bãi đậu xe đảm bảo phục vụ ở khu vực trung tâm này.

Trong tương lai không xa, khi xây hầm ở giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Huệ, phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể kéo dài tới công viên Bạch Đằng qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, tới công viên bờ sông Thủ Thiêm vào quảng trường trung tâm Thủ Thiêm.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nối dài sẽ là cầu nối giữa quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với quảng trường trung tâm đô thị Thủ Thiêm, nối giữa trung tâm lịch sử (Sài Gòn) với trung tâm hiện đại (Thủ Thiêm). Nếu các đường khác như Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi cũng được TP quy hoạch thành khu phố đi bộ, lúc ấy khu vực này chắc chắn sẽ trở thành khu phố đi bộ hấp dẫn.

Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên