21/04/2015 08:39 GMT+7

​“Rác âm thanh” trên xe buýt

NGỌC ẨN ghi
NGỌC ẨN ghi

TT - Đó là lời phàn nàn của hai bạn đọc về một số tài xế xe buýt ở TP.HCM mở các chương trình giải trí có nội dung không phù hợp và âm lượng lớn gây khó chịu, mệt mỏi cho người đi xe.

Cần điều chỉnh việc phát các chương trình giải trí không phù hợp trên xe buýt - Ảnh: Hữu Khoa

“Điếc tai” trên xe buýt

Tôi có nghe nhiều sinh viên ở TP.HCM thường đi xe buýt phản ảnh nhiều tài xế xe buýt mở nhạc liên tục, có xe mở nhạc trữ tình, dân ca dễ nghe, nhưng cũng có tài xế cho phát các bản nhạc trẻ, nhạc chế ầm ĩ tạo cho hành khách trên xe cảm giác mệt mỏi, khó chịu.

Mới đây đi trên một chuyến xe buýt từ Đại học Quốc gia TP.HCM về Q.8, tôi thấy tài xế cho phát đi phát lại một bài hát chế lời với nhạc bị cắt ghép, chỉnh sửa, nội dung lệch lạc so với bài hát gốc nghe rất khó chịu. Tương tự, trên một chuyến xe buýt đến Đại học Sư phạm kỹ thuật, hành khách chúng tôi cũng bị hành bởi trên xe phát liên tục các bài nhạc chế như Ở nhà quê mới lên, Hôm qua em đi nhà thương... khiến người đi xe ngán ngẩm.

Còn trên một chuyến xe khác, tài xế mở nhạc trẻ sôi động với âm thanh khá lớn, tôi nghe một sinh viên than thở: “Buổi trưa mà phải nghe mấy bản nhạc đinh tai nhức óc này thật là đau đầu, khó chịu”.

Tôi có nghe vài tài xế xe buýt giải thích họ sử dụng âm nhạc trên xe để giảm căng thẳng, tăng cường sự tỉnh táo cho việc lái xe hằng ngày. Một tài xế nói hiện tại không có quy định nào cấm hay bắt buộc tài xế phải phục vụ nhu cầu âm nhạc cho hành khách. Tài xế cũng không biết hành khách thích loại nhạc nào nên cứ mở theo nhạc mình có.

Tôi không biết giải thích của các tài xế đúng hay không, nhưng tôi nghĩ rằng cũng nên xem lại việc mở nhạc trên xe buýt, tránh tình trạng khách đi xe buýt có cảm giác bị “điếc tai” .

THU DUNG

Mở nhạc như ở nhà riêng

Nhiều sinh viên trường tôi (Trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) than phiền rất khó chịu với chương trình ca nhạc thường mở trên xe buýt. Có hôm, một nữ sinh phàn nàn bác tài tuyến xe buýt quen thuộc mở đĩa kể truyện ma làm cả xe nhốn nháo.

Trước đó, một sinh viên cũng kể phải nghe những bản nhạc mà sinh viên liệt vào loại nhạc rác trên suốt chuyến xe đến trường.

Đi xe khách liên tỉnh thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp một số bác tài vô tư mở các thể loại nhạc gây khó chịu cho không ít người trên xe. Có vẻ như các bác tài xe buýt, xe khách mở cho chúng tôi nghe những bản nhạc, chương trình giải trí mà họ thích, y như phương tiện công cộng này chính là nhà riêng của họ.

Tôi nghĩ không gian trên xe buýt, xe khách cũng có thể hiểu là một dạng thức không gian công cộng. Bên cạnh đó, việc hành khách đi xe buýt hay xe khách có trả tiền, tức là họ bỏ một số tiền nhất định để được cung cấp dịch vụ và các chương trình giải trí trên xe cũng được liệt vào loại dịch vụ mà nhà xe cung cấp.

Thiết nghĩ thành phố cần những quy định về việc cung cấp dịch vụ giải trí trên các phương tiện công cộng, đó có thể là những chương trình radio thời sự, thông tin khoa học, kiến thức tiêu dùng, hay giới thiệu cơ hội việc làm... chắc chắn sẽ hữu ích hơn với người đi xe buýt.

TRẦN NAM

* Ông Phùng Đăng Hải (tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM - đơn vị có nhiều tuyến xe buýt đến các trường đại học):

Đã từng xử lý, nhắc nhở

Loại nhạc mà các lái xe mở trên xe hầu hết là những bản nhạc nhẹ trữ tình và được phép lưu hành. Có thể do hành khách trên xe thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi nên không phù hợp với toàn bộ khách, gây khó chịu cho một số hành khách nhất định.

Trước đây, các đơn vị thành viên trong khối Liên hiệp HTX vận tải thành phố cũng đã tiếp nhận thông tin phản ảnh của hành khách đi xe buýt về trường hợp một số tài xế mở các thể loại nhạc gây khó chịu cho hành khách trên xe. Đơn vị cũng đã xác minh, xử lý, nhắc nhở, khiển trách và bố trí học lại nghiệp vụ vận tải hành khách công cộng đối với các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, nội dung này cũng đã được đưa ra trong chương trình tập huấn nghiệp vụ hằng tuần do đơn vị tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở đội ngũ lái xe - tiếp viên. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra của đơn vị, nếu phát hiện trường hợp xe nào vi phạm hoặc hành khách phản ảnh những sự việc như trên sẽ xử lý nghiêm.

Qua việc này, đơn vị cũng đề nghị hành khách nếu có phát hiện những trường hợp tương tự xảy ra trên các tuyến xe buýt do liên hiệp quản lý thì hãy cung cấp cụ thể biển số xe, mã số tuyến... cho đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm chấn chỉnh chung tạo sự thoải mái cho hành khách sử dụng phương tiện công cộng.

* Ông Nguyễn Hữu Vĩnh San (phó phòng điều hành Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn, SaigonBus):

Nên mở radio

Hiện nay chưa có quy định về việc phải phục vụ các chương trình giải trí trên xe buýt, có chăng là một vài tài xế mở các chương trình giải trí để tránh căng thẳng khi tham gia giao thông trên đường.

Công ty đã thường xuyên nhắc nhở tài xế xe buýt nếu có mở chương trình giải trí chỉ nên mở các kênh trên radio như VOH, VOV giao thông, không nên mở băng đĩa nhạc có nội dung không phù hợp.

* Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Điều chỉnh việc cung ứng dịch vụ

Về ý kiến “nhà cung cấp dịch vụ xe buýt hoặc xe khách liên tỉnh cần có những quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ giải trí trên các phương tiện công cộng sao cho phù hợp thị hiếu chung của hành khách đi xe”, tôi nghĩ các nhà cung cấp dịch vụ cần phải quan tâm chấn chỉnh.

Để làm điều này, tôi đề nghị những người đi xe nên phản ảnh cụ thể các trường hợp này như biển số xe, một số bài hát được xem là nhạc sến, nhạc rác, tuyến đường xe chạy...

Qua đó các doanh nghiệp chủ quản có thể kiểm tra, nhắc nhở lái xe, người phục vụ trên xe để tránh trường hợp tái diễn, đồng thời điều chỉnh việc cung ứng dịch vụ cho phù hợp với thị hiếu chung của hành khách.

 

NGỌC ẨN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên