22/02/2015 08:54 GMT+7

Tiền lì xì: để dành hay san sẻ?

ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC
ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC

TTO - Truyền thống lì xì ngày nay vẫn còn, nhưng ít nhiều có những thay đổi. Phong bao lì xì cho trẻ con đôi khi là dịp để người lớn trả ơn trả nghĩa, vì thế mệnh giá của món tiền lì xì có khi rất lớn.

Vui xuân - ảnh: Lê Đình Quyên dự thi cuộc thi ảnh Xuân 2014

Và cũng chính vì thế mà ý nghĩa nhân văn của truyền thống lì xì đã không còn nữa khi trẻ con thời nay đã biết đánh giá người lớn qua giá trị của món tiền lì xì.

Đã nhiều lần tôi cảm thoáng buồn khi thấy người lớn giục trẻ con ra chào khách hoặc đứng quanh quẩn chờ khách lì xì.

Cũng đã nhiều lần tôi thất vọng khi thấy người lớn bỉu môi, nhăn mặt khi trẻ con mở phong bì lì xì chỉ có món tiền mừng nho nhỏ.

Những cách hành xử ấy chắc chắn sẽ đi vào ý thức của trẻ thơ, góp phần hình thành nên những cái đầu sớm biết cân đo đong đếm.

Tôi từng xem một diễn đàn trên truyền hình về việc phụ huynh nên hướng dẫn con cái làm gì với món tiền lì xì sau ngày Tết.

Những phụ huynh được mời đến diễn đàn đóng góp nhiều ý kiến khác nhau, trong đó tôi đặc biệt nhớ hai ý kiến.

Một phụ huynh đề nghị bố mẹ giúp con nuôi heo đất, rồi sau đó con muốn mua món gì ngang ngửa giá trị của món tiền dành dụm thì đập heo để mua.

Một phụ huynh khác đề nghị lập tài khoản cho con, hướng dẫn con biết cách cộng lãi suất và tính toán  tài khoản, để từ đó biết cách quản lý chi tiêu ngay từ ngày bé.

Là phụ huynh có con trong độ tuổi chưa biết làm gì với tiền lì xì, tôi suy nghĩ về tính hiệu quả của hai đề nghị trên.

Bên cạnh mặt tích cực là giúp con trẻ có ý thức tiết kiệm và biết giá trị của đồng tiền, hai ý kiến này có vẻ chưa hướng cho trẻ đến một giá trị khác nhân văn hơn.

Trước khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, tôi thường đưa con tôi đên một trại trẻ mồ côi. Tôi khuyến khích con tôi san sẻ niềm vui cho các bạn ở đó, những bạn không được may mắn nhận phong bì lì xì nên ánh mắt sáng lấp lánh niềm vui khi cầm trên tay chiếc phong bì đỏ từ một người bạn trạc tuổi của mình.

Cũng có năm con trai tôi chuyển hết tiền lì xì của con thành vở và bút viết, nhờ ông ngoại chở đến trại mồ côi để giúp các bạn có thêm đồ dùng học tập.

Năm nay, tôi mong muốn tinh thần san sẻ đó được nhân lên, không phải chỉ con tôi mà các cháu của tôi cũng nên tìm thấy niềm vui trong chia sẻ.

Tuy vậy, một người cháu của tôi kiên quyết từ chối. Cháu vẫn quen giữ khư khư các món tiền nhận được và cháu có niềm vui thấy số tiền đó được nhân lên.

Tôi thủ thỉ chuyện trò cùng cháu: “Con ạ, đây là lần đầu tiên con san sẻ tiền lì xì của con, vì vậy con chia bớt một món tiền rất nhỏ cũng được. Như vậy, con vẫn có niềm vui giữ lại số tiền lì xì của con, con có thêm niềm vui làm được một việc tốt, và các bạn cũng có được niềm vui từ sự chia sẻ của con. Theo con thì ba niềm vui ấy cộng lại có xứng đáng với một khoản tiền nhỏ con đóng góp không? Năm sau, nếu con thấy ý nghĩa của việc mình làm, tùy con quyết định đóng góp nhiều hơn nữa.”

Cô bé gật đầu vui vẻ đồng ý.

Tôi cũng vui náo nức vì tôi đã thành công trong việc hướng cháu của mình biết nghĩ đến người khác thay vì chỉ khư khư đếm đếm, xếp xếp các tờ tiền và bận lòng nghĩ cách cất giữ cho riêng mình.

Tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ ấm áp hơn khi chúng ta biết nghĩ đến việc đem niềm vui chia bớt cho người khác.

Con cái chúng ta cũng sẽ có những trái tim nhân hậu hơn khi các cháu được khuyên khích biết cho đi, để nhận lại những hạt giống tốt đẹp cho nhân cách ươm mầm.   

Bạn ứng xử như thế nào với món tiền lì xì của con bạn? Ngày còn nhỏ, bạn đã từng dùng tiền có được từ lì xì như thế nào? Hãy chia sẻ cùng TTO qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên