29/01/2015 11:23 GMT+7

Thi công quốc lộ bầy hầy:Tổng cục muốn thay, Bình Phước cố giữ

BÁ SƠN - NHẤT NGUYÊN
BÁ SƠN - NHẤT NGUYÊN

TT - Đề nghị thường trực HÐND tỉnh Bình Phước tiếp tục cho chủ đầu tư quốc lộ (QL) 13 An Lộc - Chiu Riu vay ưu đãi 50 tỉ đồng, trong khi chủ đầu tư chưa cam kết đến bao giờ sẽ hoàn thành tuyến đường.

Chị Phan Thị Thìn (39 tuổi, ở ấp 9, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh) phải dùng bạt che kín nhà do đường quá bụi - Ảnh: Xuân An

Đó là nội dung công văn do chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ký gửi thường trực HÐND tỉnh Bình Phước.

Mặc dù mới đây Tổng cục Ðường bộ VN đã kiến nghị Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước thay chủ đầu tư dự án BOT QL13 An Lộc - Chiu Riu để tìm kiếm nhà đầu tư khác đủ năng lực thực hiện dự án, nhưng tới nay quan điểm của nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Phước vẫn muốn giữ lại chủ đầu tư hiện tại.

Cố giữ nhà đầu tư

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ có trách nhiệm liên quan của Bình Phước nói mặc dù đánh giá “chủ đầu tư năng lực kém” nhưng “vẫn chưa nghĩ tới chuyện đổi nhà đầu tư vì dự án này hiệu quả kinh tế thấp, sẽ không có nhà đầu tư khác bỏ vốn đầu tư”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi căn cứ nào để đưa ra nhận định trên thì vị cán bộ này nói “đó chỉ là phán đoán, tỉnh Bình Phước chưa hề tiến hành kêu gọi đầu tư”.

Trong khi đó, ngày 19-1 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm ký công văn đề nghị lấy 50 tỉ đồng từ ngân sách tiếp tục “bơm tiền” cho Công ty cổ phần BOT QL13 An Lộc - Hoa Lư vay ưu đãi. Gói tín dụng này sẽ được thực hiện thông qua quỹ đầu tư phát triển tỉnh.

Mục đích để chủ đầu tư “tiến hành thảm nhựa một bên toàn tuyến trước Tết Nguyên đán”, nhưng “trường hợp không thể thảm nhựa toàn tuyến kịp thì phải thảm nhựa những khu vực có nhiều dân cư sống, những đoạn còn lại phải lu lèn đá để tiếp tục thảm nhựa”.

Như vậy, trước bức xúc của người dân phản đối việc thi công đường bầy hầy, UBND tỉnh Bình Phước chọn giải pháp tình thế để an lòng dân.

Nhưng có thể Tết Nguyên đán này người dân vẫn sẽ phải ăn tết cùng với khói bụi, vì chỉ còn khoảng ba tuần nữa là tới tết nên một cán bộ ngành giao thông nhận định khó có thể thảm nhựa hàng chục kilômet của toàn tuyến đường. Hơn nữa, 50 tỉ đồng không thấm vào đâu so với tổng vốn đầu tư gần 690 tỉ đồng của dự án.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Phước đã cho chủ đầu tư vay 100 tỉ đồng, cộng với 50 tỉ đợt mới nhất là 150 tỉ đồng. Phần vốn còn lại đáng lẽ chủ đầu tư phải vay ngân hàng nhưng tới nay chủ đầu tư vẫn chưa chịu thực hiện.

Theo tìm hiểu, hàng trăm tỉ đồng mà UBND tỉnh Bình Phước cho chủ đầu tư vay không phải trả lãi suất, mà chỉ phải trả 1% phí quản lý cho quỹ đầu tư phát triển tỉnh.

Việc UBND tỉnh Bình Phước ưu ái Công ty An Lộc - Hoa Lư còn thể hiện rõ qua việc kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho công ty này đặt trạm thu phí phá vỡ quy định khoảng cách giữa hai trạm thu phí tối thiểu 70km.

Cụ thể: QL13 qua Bình Phước đã được “chặt khúc” đoạn từ Tham Rớt (giáp Bình Dương) tới An Lộc (thị xã Bình Long) để làm một dự án BOT với hai trạm thu phí.

Với việc cho Công ty An Lộc - Hoa Lư đặt trạm thu phí tại km105+700 thì khoảng cách với trạm thu phí của dự án Tham Rớt - An Lộc chỉ khoảng 16km.

Sau khi vận hành một thời gian, dự kiến Công ty An Lộc - Hoa Lư còn được đặt thêm một trạm nữa tại cuối đường, dù dự án mà công ty này thực hiện chỉ dài 32,5km.

Nhiều hộ dân hai bên quốc lộ 13 qua huyện Lộc Ninh (Bình Phước) rao bán nhà vì luôn phải sống trong cảnh bụi mù mịt - Ảnh: Xuân An

Ai chịu trách nhiệm?

Việc chủ đầu tư QL13 thi công bầy hầy, vi phạm hợp đồng thì đã rõ. Cũng không khó để xác định từng cá nhân, đơn vị liên quan, nhưng ai sẽ phải đứng ra nhận lỗi và bị xử lý thì tới nay chưa có cơ quan nào xác định.

Ðối với Công ty cổ phần BOT An Lộc - Hoa Lư, người đứng ra ký hợp đồng BOT và cũng là chủ tịch HÐQT đầu tiên của công ty này là ông Ðỗ Quốc Quýt, khi đó đại diện Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé, là cổ đông lớn nhất của công ty. Ông Quýt sau đó vi phạm kỷ luật và đã thôi các chức vụ nói trên.

Từ tháng 8-2013, ông Nguyễn Tấn Hải lên làm lãnh đạo Công ty Cao su Sông Bé kiêm chủ tịch HÐQT của Công ty An Lộc - Hoa Lư nhưng dự án QL13 cũng không tiến triển được bao nhiêu.

Tới cuối năm 2014, ông Nguyễn Tấn Hải chuyển về làm bí thư huyện Chơn Thành (Bình Phước) nên suốt nhiều tháng Công ty An Lộc - Hoa Lư không có chủ tịch HÐQT.

Ðây cũng là khoảng thời gian việc thi công QL13 bị đình trệ hoàn toàn, chủ đầu tư cũng không cho tưới nước chống bụi nên đã dẫn tới phản ứng của người dân như vừa qua.

Từ tháng 1-2015, chủ tịch HÐQT mới của Công ty An Lộc - Hoa Lư được bầu ra là ông Nguyễn Ðông Dần, cũng đồng thời là tổng giám đốc Công ty Cao su Sông Bé, trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước. Nhưng tới nay, vị này cũng chưa đưa ra được giải pháp đột phá nào cho QL13.

Ðối với UBND tỉnh Bình Phước, đáng lẽ phải hoàn thành trong 24 tháng (dự án khởi công từ năm 2011) nhưng đã qua hai nhiệm kỳ chủ tịch UBND tỉnh là ông Trương Tấn Thiệu (đã bị miễn nhiệm) và Nguyễn Văn Trăm (đương nhiệm) nhưng tuyến đường vẫn chưa xong.

Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Bộ Tài chính đặt ra quy định về khoảng cách tối thiểu 70km giữa hai trạm thu phí BOT rồi lại cho phép chủ đầu tư dự án QL13 tại Bình Phước vi phạm quy định này. Với trách nhiệm quản lý nhà nước đối với QL13, Bộ GTVT đã đồng ý cho UBND tỉnh Bình Phước nhận làm dự án nhưng lại thiếu giám sát, để dự án bầy hầy làm khổ dân.

Có lẽ đã đến lúc cần có một cơ quan độc lập ở trung ương vào cuộc kiểm tra việc thực hiện dự án QL13 tại Bình Phước có minh bạch, tiêu cực và quá ưu ái chủ đầu tư hay không..., cũng như để tháo gỡ “mớ bòng bong” tại tuyến đường này.

Chưa biết khi nào dự án hoàn thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-1, ông Phạm Văn Tòng - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết sở dĩ UBND tỉnh tiếp tục đề nghị cho Công ty An Lộc - Hoa Lư vay 50 tỉ đồng do trước đây tỉnh đã cam kết cho chủ đầu tư vay tổng cộng 200 tỉ đồng, nhưng do khó khăn nên chưa thực hiện được.

Về việc chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, không chịu vay ngân hàng để thực hiện dự án, ông Tòng cho biết sau khi tỉnh tiếp tục cho vay 50 tỉ đồng thì chủ đầu tư đã cam kết sẽ đàm phán với ngân hàng thương mại để vay vốn. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa nói rõ tới khi nào sẽ vay vốn ngân hàng.

Ông Phạm Văn Tòng cũng nói chưa thể khẳng định tới khi nào dự án QL13 sẽ hoàn thành. Trước mắt với 50 tỉ đồng nói trên thì UBND tỉnh chỉ yêu cầu chủ đầu tư phải thảm nhựa một bên trước Tết Nguyên đán để bớt bụi cho người dân.

Về việc tại sao UBND tỉnh quá ưu ái chủ đầu tư và có hay không nhóm lợi ích chi phối dự án, ông Tòng nói “không có chuyện nhóm lợi ích đâu” và khẳng định việc UBND tỉnh Bình Phước hỗ trợ chủ đầu tư do dự án này “lưu lượng xe ít, không hiệu quả về kinh tế”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tại sao không tính toán lượng xe ngay từ đầu, không thẩm định năng lực chủ đầu tư và không đấu thầu công khai, ông Tòng nói trước đây ông không phụ trách dự án này mà chỉ phụ trách thời gian gần đây do phát sinh vấn đề tài chính của dự án.

Về giải pháp nào để hoàn thành dự án và nếu chủ đầu tư tiếp tục chây ỳ thì có cắt hợp đồng, tìm kiếm chủ đầu tư mới không, ông Tòng nói sau Tết Nguyên đán thường trực UBND tỉnh Bình Phước sẽ họp để xem xét và kiến nghị thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề này.  

B.SƠN

 

BÁ SƠN - NHẤT NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên