28/01/2015 13:28 GMT+7

Đám cưới: nhân danh ngày vui để "nở mày nở mặt"

PHẠM ĐỖ BÌNH AN
PHẠM ĐỖ BÌNH AN

TTO - Không phải chỉ ở thành phố, từ lâu đám cưới tại các vùng quê đã có phong trào “khách đông” và “cỗ to”.

Từ lâu rồi quê tôi đã có phong trào “khách đông” và “cỗ to”. Một gia đình là nông dân, không quan hệ ngoại giao nhiều nhưng mỗi đám mời ít nhất cũng 300 khách, chưa kể anh em thân tộc, bạn bè của con.

Mặc dù nơi tôi ở được coi là vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh nhưng các gia đình cứ thi nhau tổ chức đám cưới, đám gả con cái, đám tân gia… với tiêu chí khách càng đông, cỗ càng to được dân làng khen là chủ nhà cảm thấy hãnh diện hơn với bàn dân thiên hạ.

Nhiều người có thể hỏi “nông dân thôi thì khách ở đâu mà đông thế?”. Chốn quê mà, cái tình cảm dạt dào không chỉ trong xóm, trong ấp mà hai ấp lân cận cũng quen biết rất nhiều, rồi bạn bè lai rai trong cả xã cũng không ít.

Nếu người nào thật sự ít khách thì mời theo kiểu “dây chuyền”, có nghĩa là anh, em bên chồng người chị, em gái; anh em bên vợ của anh, em trai hoặc bạn của những người bạn chẳng hạn.

Còn đám cưới con cháu ông cán bộ đương chức ở địa phương hoặc đang nắm giữ chức vụ gì trong xã, trong thôn thì chẳng đám nào dưới 60 mâm, thậm chí cả 90-100 mâm.

Khách được mời hầu hết bỗng dưng đâm lo vì nông dân đâu có lương tháng như công chức, mỗi tháng một vài đám thì không sao, nhưng vào mùa cưới từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch mỗi tháng hơn chục đám, có ngày đột xuất tới 3-4 đám. Lại bán lúa, bán bắp mà đi tiền mừng chứ bà con, làng xóm mời không đi sao được.

Cỗ cưới ở quê tôi từ lâu rồi gần như không gia đình nào tự làm như trước kia nữa mà đặt ở nhà hàng hoặc những dịch vụ chuyên làm cỗ các đám tiệc.

Hiện tại 1,3-1,5 triệu đồng/mâm với 7-8 món ăn (chưa kể đồ uống) làm cho chiếc bàn tròn đường kính 1,4m xếp chặt cứng. Nếu tính cả bia, nước ngọt và khoảng 15 mâm bữa tối hôm trước thì chí ít cũng hết 2,2 triệu đồng/mâm.

Nhà hàng hay dịch vụ làm cỗ chẳng biết chủ nhà dôi dư là gì, cứ theo số mâm được thỏa thuận đặt ban đầu mà lấy tiền, nắm chắc trong tay lời 30% bởi cỗ ở nông thôn có sơn hào, hải vị gì quanh đi quẩn lại cũng chỉ các món gà luộc, mực xào, bò nhúng giấm, tim gan xào với giá hay đậu… thì làm gì hết bình quân từ 150.000-200.000 đồng/món.

Cũng chỉ vì “khách đông”, “cỗ to” mà không ít nhà cưới con xong rồi đâm hoảng bởi nợ nần.

Vậy đó, cứ thích oai không chịu thua kém người để thêm lo, thêm nghĩ.

PHẠM ĐỖ BÌNH AN

* Đám cưới này đặt bao nhiêu bàn vậy?

Ở nông thôn hiện nay, vấn đề đặt bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu khách cũng là mối quan tâm hàng đầu của một đám cưới. Dòng họ hai bên có nở mày nở mặt hay không cũng từ đó mà ra…

Cả đời người mới có một cái đám cưới - đó là lời giải thích phổ biến nhất của nhiều gia đình đang cố sức tổ chức một bữa tiệc linh đình, rình rang cho con cái mình. Họ đã quên đi giá trị thật sự của ngày cưới mà lao vào tính toán chuyện danh dự, lời lỗ.

Người trong làng hầu như biết mặt nhau cả. Hễ quen là có thể trao thiệp hồng rồi và còn dặn dò: “Hai bác mà không đi là tôi và các cháu buồn lắm đấy!”.

Chính vì không thân nên nhiều bậc cha mẹ đi “rải” thiệp chỉ mời qua loa vài câu kiểu xã giao, mà không mời nhanh thì bao giờ mới “rải” xong hết cả làng.

Còn khách đi dự đám cưới nhiều khi chẳng biết cô dâu, chú rể là ai. Việc của họ là đến bỏ thiệp vào thùng, ngồi vào bàn tiệc. Hên thì ngồi vào bàn có nhiều người thân quen, còn không mạnh ai nấy ăn.

Câu cửa miệng quen thuộc của khách dự là “đám cưới này đặt bao nhiêu bàn vậy?”. Câu trả lời sẽ trở thành công thức để đo đạc “hiệu quả” của đám cưới.

Việc mời bao nhiêu khách đã là một áp lực đối với bậc làm cha mẹ rồi. Họ phải ngồi liệt kê ra một danh sách dài những họ hàng, người thân, bà con hàng xóm, sui gia, bạn làm ăn…

Mời càng nhiều đám cưới càng hoành tráng. Ngoài đường càng nhiều xe hơi thì đám cưới càng danh giá…

Bậc cha mẹ cũng phải tính toán sao để sau đám cưới cặp vợ chồng trẻ không phải gánh nợ nần. Tiền mừng cộng lại, trừ đi chi phí nhạc sống, album ảnh cưới, đám dạm, đám hỏi… sao cho còn đôi chút để con cái lấy vốn làm ăn là tuyệt vời. Còn huề vốn thì coi như không mất gì, thở phào nhẹ nhõm.

Nhà nhà đua nhau tổ chức đám cưới cho nở mày nở mặt, muốn làm tiết kiệm, gọn nhẹ cũng không dám vì sợ bị chê bai. Chỉ có khách dự là “méo mặt”. Dịp cuối năm, gần tết là lúc người người đi phát thiệp, nhà nhà đi ăn tiệc. Đi mừng ngày trăm năm mà gượng cười vui, đi vì nể mặt, đi để mai mốt còn mời trả lại, đi vì không muốn bị “cạch” mặt…

L.ANH

Bạn nghĩ gì về câu chuyện này? Bạn có những câu chuyện tương tự? Giải pháp của bạn trong những trường hợp này?

Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

PHẠM ĐỖ BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên