17/12/2014 13:50 GMT+7

Trẻ bắt chước hành vi xấu từ truyền hình, hãy cẩn trọng!

ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Diệu Anh
ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Diệu Anh

TTO - Trẻ em hay bắt chước, và thật nguy hiểm khi trẻ bắt chước những hành vi xấu. Câu chuyện người lớn đang biến sân chơi trên truyền hình sa đà vào những trò bắt chước, giả giới tính rất đáng báo động.

Tranh minh họa

Việc đề cao khả năng bắt chước và quá nhiều màn giả gái của người lớn ở chương trình Gương mặt thân quen nhí đã gây lo ngại cho "những tờ giấy trắng" - trẻ em. Lời cảnh báo này trong bài viết Gương mặt thân quen nhí: vui chút ít, băn khoăn quá nhiều đáng để các bậc phụ huynh phải cân nhắc chuyện cùng trẻ xem truyền hình, và dĩ nhiên là cả lời cảnh báo cần thiết đối với các nhà đài, các công ty sản xuất chương trình truyền hình.

Vì sao trẻ hay bắt chước?

Theo thuyết Hành vi, mọi hành vi của con người đều bắt đầu từ việc học được từ người khác, và một trong những yếu tố duy trì hành vi đó là sự củng cố (khích lệ) từ người khác.

Nếu trẻ hát và được khen, trẻ sẽ có xu hướng tiếp tục hát.

Nếu trẻ ăn vạ và được mẹ cho thứ trẻ đang đòi thì trẻ sẽ tiếp tục ăn vạ khi cần đòi điều gì. Đó là người lớn đã củng cố hành vi của trẻ.

Theo tài liệu của Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, trẻ em phát triển những kỹ năng xã hội thông qua việc bắt chước hành vi và cảm xúc của khác qua từng giai đoạn tuổi khác nhau.

Bắt đầu từ 1-3 tháng tuổi, trẻ đã có thể bắt chước vài cử động và biểu lộ nét mặt.

Từ 1 tuổi, trẻ có thể bắt chước những hành vi, nhất là hành vi hàng ngày và quen thuộc của người lớn như quét nhà, lau sàn;

Và mốc quan trọng là khoảng 18 tháng tuổi trở đi, trẻ có thể bắt chước người lớn trong việc nấu ăn, chăm sóc trẻ nhỏ… qua những trò chơi xã hội như bán hàng, chăm sóc búp bê, giả bộ làm bác sỹ…

Khi trẻ có thể bắt chước những hành vi này và thể hiện bằng trò chơi, trẻ tiến một bước quan trọng trong phát triển nhận thức, kỹ năng xã hội, góp phần cho việc phát triển những kỹ năng khác.

Tính hai mặt của việc bắt chước

Thông qua việc bắt chước, trẻ học được hầu hết những điều cần thiết để phát triển: bắt chước ngôn ngữ để giao tiếp, chào hỏi, trao đổi thông tin, thể hiện nhu cầu; bắt chước kỹ năng vận động để biết chạy nhảy, cầm bút viết, vẽ hình, tô màu; phát triển kỹ năng nhận thức để biết đọc, viết, đánh vần, làm toán…

Vì vậy, nếu được sống trong môi trường có những hành vi tốt, trẻ sẽ hình thành và phát triển những hành vi tốt, và có thể tiên lượng một nhân cách tốt khi trẻ trưởng thành.

Ngược lại, những hành vi chúng ta vẫn thường thấy ở trẻ em như đánh người khác, nói tục cũng là do bắt chước từ người khác.

Nếu cha mẹ đánh con lúc tức giận, trẻ sẽ học được kinh nghiệm rằng nếu tức giận, có thể sử dụng hành vi đánh đó.

Nếu gia đình hoặc xung quanh có người nói tục và người khác không phản ứng gì, trẻ sẽ nghĩ rằng điều này là được phép.

Làm gì khi trẻ có bắt chước những hành vi không được mong đợi

Để trẻ không bắt chước và duy trì những hành vi không mong đợi, môi trường sống là điều quan trọng. Môi trường yêu thương sẽ dạy trẻ biết quan tâm người khác, môi trường có sự chia sẻ sẽ dạy trẻ biết nghĩ đến người khác.

Xem xét những nội dung trên truyền hình trước khi cho trẻ xem là điều cần thiết. Hiện nay, có nhiều phim hoạt hình thể hiện rất rõ hành vi bạo lực, và trẻ bắt chước những hành vi đó bằng việc đánh bạn (những trẻ này có thể kèm theo thiếu kỹ năng xã hội và kỹ năng giải quyết vấn đề).

Khi trẻ bắt chước những hành vi xấu từ các chương trình truyền hình, phim ảnh hoặc từ bạn bè, tùy từng lứa tuổi mà phụ huynh hướng dẫn cho trẻ.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, các bé chưa phát triển nhiều về nhận thức nên chỉ cần phớt lờ những hành vi tiêu cực nhẹ (như ăn vạ, nói tục, ném đồ chơi) và khích lệ những hành vi tốt.

Đối với trẻ từ 3 tuổi, tùy vào sự hiểu biết của từng bé, phụ huynh có thể giải thích để tác động vào nhận thức của con, kết hợp với phớt lờ và khích lệ như trên.

Một điều quan trọng nữa, chúng ta cần chú ý tích cực bằng việc khen ngợi, tán thưởng cho những hành vi tốt cũng là một cách để các trẻ hạn chế những hành vi xấu qua việc bắt chước.

Kinh nghiệm của bạn để con mình không bắt chước những hành vi xấu? Bạn làm gì khi con mình có những hành động xấu bắt chước từ truyền hình, bạn bè? 

Hãy chia sẻ cùng mục Tâm sự của Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

[poll width="400px" height="220px"]102[/poll]

ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Diệu Anh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên