02/12/2014 16:33 GMT+7

Xe đạp điện và nguy cơ nhiễm độc chì từ ắc quy cũ

KS NGUYỄN THANH TUẤN KIỆT (TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CHẾ TẠO MÁY VIỆT CƯỜNG - TP.HCM)
KS NGUYỄN THANH TUẤN KIỆT (TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CHẾ TẠO MÁY VIỆT CƯỜNG - TP.HCM)

TTO - Chì trong bình điện và vỏ nhựa của bình điện khi thải ra môi trường đều là những thứ gây ô nhiễm, độc hại đến sức khỏe con người

Các bạn trẻ đạp xe tham quan một số công trình kiến trúc cổ khác ở TP.HCM như khách sạn Grand, Majestic, Ngân hàng Nhà nước - Ảnh tư liệu

Hiện nay trên cả nước đã có hàng triệu xe gắn máy và ô tô, xe tải cùng các thiết bị khác đều sử dụng bình ắc-quy làm phương tiện tích trữ năng lượng điện.

Không thể phủ nhận tính ưu việt của thiết bị lưu trữ điện này.

Đặc biệt là tại những nơi vùng sâu, miền núi chưa có hệ thống điện quốc gia thì không có thiết bị nào có thể thay thế chúng.

Với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, việc sử dụng xe đạp điện thay thế xe gắn máy sẽ là chuyện tất yếu của đại bộ phận người lao động. Do giá xe đạp điện chỉ vài triệu đồng, bằng 25% giá xe gắn máy nên học sinh, sinh viên sử dụng rất nhiều. 

Các xe đạp điện, xe máy điện do Trung Quốc sản xuất có mẫu mã đẹp nhưng chất lượng thì cần phải xem lại. Do giá rẻ nên chất lượng sẽ không bảo đảm, đặc biệt là chất lượng bình chỉ sử dụng được vài tháng. 

Những thông tin, con số giật mình

Với thông tin gần 500 trẻ em bị phơi nhiễm độc chì từ gấp 4-7 lần ngưỡng cho phép tại làng tái chế bình ắc-quy cũ ở huyện Đông Mai, Hưng Yên trong chương trình thời sự vào 19g ngày 30-11 trên VTV1 khiến Bộ Y tế đã phải vào cuộc điều tra.

Số liệu thống kê khiến chúng ta phải giật mình với lượng ắc-quy tại Việt Nam thải loại ra năm 2010 là 40.000 tấn, dự kiến đến năm 2017 sẽ lên đến khoảng 70.000 tấn ắc-quy chì.

Ảnh chụp lại từ màn hình

Quá trình sản xuất ra ắc-quy chì đã là một quá trình gây ô nhiễm: (sản xuất các tấm chì điện cực, sản xuất nhựa vỏ bình ắc-quy, sản xuất ra a-xít...), và việc thu hồi tái chế hay tiêu hủy lại càng gây ô nhiễm hơn.

Chính vì thế khi nói xe đạp điện, xe máy điện đôi khi chúng ta ngộ nhận là thân thiện môi trường, thuật ngữ tiêu chí mà nhà sản xuất thường đưa ra “xanh” thì chỉ nói đến vấn đề giảm xả thải khí SO2, CO2... mà họ đã cố tình không nhắc đến việc sản xuất cũng như trách nhiệm của mình trong việc tái chế, tiêu hủy chúng.

Độc hại từ chì và nhựa

Với giá xe đạp điện và xe máy điện như hiện nay, chỉ trong vài tháng nữa, cả nước sẽ có thêm hàng triệu chiếc. Hậu quả là hằng năm sẽ thải ra môi trường (chủ yếu là vứt bỏ, tái chế đạt yêu cầu rất ít) hàng ngàn tấn chì độc hại và hàng triệu vỏ nhựa ắc-quy, nguy cơ ngộ độc khi sử dụng các sản phẩm nhựa được tái chế theo công nghệ lạc hậu từ nhựa vỏ ắc-quy là rất cao.

Chưa kể, thói quen sử dụng sai của người dân như: chở quá tải, nạp điện khi điện ắc-quy vẫn còn, nạp chưa đủ thời gian... dẫn đến bình ắc-quy giảm tuổi thọ. Nếu không có cách sử dụng đúng và sử dụng quá nhiều thì trung bình tuổi thọ bình ắc-quy của xe đạp điện khoảng 1 - 2 năm.

Cách sử dụng đúng ắc-quy

Ắc-quy chia thành hai nhóm: loại dùng a-xít (ắc-quy chì, nước) và ắc-quy khô (không dùng dung dịch a-xít). Ắc-quy nước thì phải kiểm tra mức nước thường xuyên trên 2 vạch vỏ bình của nhà sản xuất. Định kỳ kiểm tra 1-2 tháng/lần tùy theo mức độ sử dụng (tùy việc xe đi ít hay nhiều).

1. Chỉ châm thêm nước cất (không phải nước a-xít) khi dung dịch trong bình bị cạn dưới vạch quy định (riêng ắc-quy khô thì không cần châm nước).

2. Để ắc-quy tuổi thọ lâu bền là không sử dụng đến khi ắc-quy cạn kiệt rồi mới mang đi sạc lại.

Tốt nhất là khi ắc-quy còn lại 15-20% là nên sạc lại. (Ví dụ: ắc-quy xe máy điện đi được 60km/lần sạc thì xe đi được quảng đường khoảng 40-45km thì nên sạc điện lại)

3. Khi sạc điện cho ắc quy phải dùng bộ sạc đi kèm theo của nhà sản xuất. (đúng điện áp V, cường độ sạc Ampe). Thông thường cường độ dòng sạc khoảng 10-12% dung lượng bình. Ví dụ: Ắc-quy có dung lượng là 100A, thì dòng sạc sẽ có cường độ là 10-12Ampe. Thời gian sạc khoảng 6-8 giờ tùy theo dung lượng của ắc quy.

4. Phải sạc ắc-quy thật no đủ điện khi để xe không sử dụng. Nếu không sử dụng trong thời gian dài phải sạc lại định kỳ (hàng tháng) với thời gian từ 6 đến 10 giờ. 

5. Không chở quá tải khi sử dụng xe.

Nếu các sản phẩm nhựa này sử dụng trong ngành thực phẩm như: muỗng, đũa, hũ... thì hậu quả vô cùng to lớn. Bài học về sự tiện lợi của túi ni lông, túi xốp ở những năm mới ra đời và mức độ gây ô nhiễm của chúng ngày nay vẫn còn nóng hổi!

Nên sử dụng xe đạp truyền thống

Nên chăng chúng ta sử dụng xe đạp truyền thống rẻ tiền thay thế xe đạp điện. Sử dụng xe đạp vừa vận động cơ thể khỏe mạnh, vừa giảm mức độ gây ô nhiễm lại tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền.

Đi xe đạp có nhiều điều lợi, nên ở nước ngoài, người ta thu nhập hằng tháng vài ngàn USD hơn hẳn chúng ta nhiều lần mà họ vẫn đi xe đạp.

Còn nhớ hồi sinh viên, chúng tôi đi học và làm thêm rất xa đến hơn chục ki-lô-mét nhưng vẫn đạp xe mỗi ngày! Vậy mà cứ đến mỗi tối thứ bảy tôi và “con ngựa sắt” còn đèo người yêu dạo chơi khắp thành phố với bao kỷ niệm đẹp mà có cảm thấy mệt mỏi gì đâu!

Mọi việc dần rồi cũng sẽ quen.

Mặt khác, để góp phần bảo vệ môi trường sống, chúng ta nên sử dụng xe đạp truyền thống là hợp lý nhất.

 

KS NGUYỄN THANH TUẤN KIỆT (TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CHẾ TẠO MÁY VIỆT CƯỜNG - TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên