26/11/2014 09:00 GMT+7

Rắn lục nhiều vì môi trường sống  bị thu hẹp

NGỌC TÀI - ĐOÀN CƯỜNG
NGỌC TÀI - ĐOÀN CƯỜNG

TT - Tại nhiều tỉnh miền Trung rắn lục đuôi đỏ xuất hiện rất nhiều và nhiều người bị rắn cắn phải nhập viện. Bạn đọc thắc mắc vì sao loài rắn này xuất hiện nhiều như thế.

Người dân ở Quảng Ngãi bắt rắn lục đuôi đỏ - Ảnh: Trần Mai
Người dân ở Quảng Ngãi bắt rắn lục đuôi đỏ - Ảnh: Trần Mai

Trung tá Vũ Ngọc Lương, phó giám đốc Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu (Trại rắn Đồng Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), cho biết qua nghiên cứu cho thấy rắn lục đuôi đỏ (toàn thân màu xanh, chỉ có chót đuôi màu đỏ) tập tính sống trên cây. Ban ngày chúng thường trú ẩn, buổi tối mới bò đi kiếm ăn.

Có một điều đặc biệt là loài rắn lục đuôi đỏ ban ngày chậm chạp nhưng buổi tối lại rất nhanh nhẹn. Do đó người dân sống trong vùng có nhiều rắn nên hạn chế đi ban đêm, nhất là vào những nơi rậm rạp.

Nếu bà con có việc phải đi buổi tối nên trang bị ủng cao su, găng tay và một chiếc gậy để đánh động vào bụi rậm, trường hợp có rắn ở đó chúng sẽ bỏ đi.

Không chỉ trong bụi rậm, nếu rắn xuất hiện nhiều thì khả năng chúng sẽ có mặt ở nhiều nơi, kể cả môi trường sống của con người. 

Theo ông Lương, sở dĩ rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây ở miền Trung một phần do môi trường sống của chúng bị thu hẹp.

Diện tích rừng giảm, người dân trong quá trình sản xuất đã phá rừng, bụi rậm khiến môi trường sống của rắn bị thu hẹp nên mật độ rắn tăng lên.

Còn một khả năng khác là do việc đưa thông tin về rắn dày đặc cũng làm người dân hoang mang cảm thấy rắn ngày càng nhiều hơn.

Ông Lương dẫn chứng tính từ đầu năm đến tháng 10-2014 có tổng cộng 886 người ở các tỉnh, thành bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải vào trung tâm điều trị, chiếm 72% số ca bị rắn cắn, trong khi cả năm 2013 có 803 người bị loài rắn này cắn.

Ông Lương đưa ra số liệu này để nói nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn không tăng đột biến.

* Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng - khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết khoảng hai tuần trở lại đây khoa này tiếp nhận sáu ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn và đều điều trị khỏi.

Theo bác sĩ Hùng, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân không nên garô vết cắn lại vì sẽ làm thiếu máu vùng bị garô gây hoại tử. Khi đó cần rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý, giữ bất động vùng rắn cắn. Sau đó bằng mọi biện pháp phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

“Rắn lục đuôi đỏ có hoạt tính độc tố cao gây rối loạn đông chảy máu, gây sốc, ngưng thở, ngưng tim... Nếu không được đưa vào viện kịp thời hoặc tự chữa tại nhà sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng” - bác sĩ Hùng cảnh báo.

Cũng theo bác sĩ Hùng, người bị rắn lục đuôi đỏ cắn chuyển vào viện càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả.

Các bác sĩ sẽ sơ cứu, làm vệ sinh, bất động vùng bị cắn, làm xét nghiệm độc. Nếu bị rối loạn đông chảy máu thì dùng huyết thanh kháng độc rắn để điều trị.

NGỌC TÀI - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên