13/11/2014 10:03 GMT+7

​Yêu cầu làm rõ việc “bán đứng” người lao động

T.B.DŨNG - M.VINH
T.B.DŨNG - M.VINH

TT - Thường trực Thành ủy Kon Tum đã gửi văn bản yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm của “cò” bán đứng người lao động, truy tố nếu có dấu hiệu hình sự.

Người thân các lao động bị bán đứng mong chờ tin con em mình
Người thân các lao động bị bán đứng mong chờ tin con em mình

Liên quan đến vụ hàng chục lao động người địa phương tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) bị “cò” lao động đưa đi thu hoạch cà phê rồi “bán đứng”, chiều 12-11 ông Phan Văn Thế - chủ tịch UBND TP Kon Tum - cho biết đã trực tiếp liên hệ với lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng đề nghị phối hợp đưa số lao động còn lại trở về địa phương. 

Trong khi đó, Công an TP Kon Tum xác định tiếp tục có thêm 12 người dân khác ở xã Kroong bị các đối tượng “cò” bán đứng tương tự như 21 lao động ở hai xã Chư Hreng, Ðắk Rơ Wa (Tuổi Trẻ ngày 8-11).

Thường trực Thành ủy Kon Tum cũng đã có văn bản yêu cầu công an, chính quyền các xã điều tra làm rõ, đưa ra truy tố các đối tượng “cò” nếu có dấu hiệu hình sự.

Trong một diễn biến khác, chiều 12-11 Công an huyện Ðức Trọng (Lâm Ðồng) đã bàn giao 10 lao động (trú tại TP Kon Tum) đang làm việc tại địa phương này cho đại diện người dân xã Kroong (TP Kon Tum) để đưa về lại địa phương.

Ðây là 10 trong tổng số hàng chục lao động được cho là đã bị các đối tượng “cò” đưa đi Lâm Ðồng hái cà phê rồi “bán đứng” trước đó.

Tại buổi làm việc, các lao động cho biết đã được người lạ đưa lên xe hứa qua Lâm Ðồng thu hoạch cà phê với mức lương cao, tuy nhiên đến nơi thì phải làm các công việc khác.

Làm việc với công an, bà Vũ Thị Thu - giám đốc Công ty Ðức Hoàng (huyện Ðức Trọng) - cho biết bà nhận số lao động này từ giới thiệu của một người đàn ông tên Tuấn tại Ðắk Lắk. Mỗi lần ông Tuấn đưa lao động đến, Công ty Ðức Hoàng trả cho ông Tuấn 500.000 đồng/người.

Bà Thu cho biết ngoài việc “bồi dưỡng” cho “cò” Tuấn, bà còn đưa cho ông Tuấn một khoản tiền lớn để đưa lại cho gia đình các lao động, mỗi gia đình có một lao động làm cho Công ty Ðức Hoàng được ứng 1,8 triệu đồng.

Tuy nhiên, các lao động và người thân tại TP Kon Tum nói họ chỉ nhận được từ 300.000-500.000 đồng trong lúc được đưa đi chứ không hề có việc đã nhận 1,8 triệu đồng như bà Thu nói.

Nhiều gia đình tại TP Kon Tum có con em đang lao động tại Lâm Ðồng cũng cho biết nhiều ngày nay con em họ gọi điện về nói gia đình đưa tiền qua “chuộc về”.

Lý do là các lao động này phải làm việc nặng nhọc và bị đánh đập nhưng không thể trốn ra được bên ngoài do bị “giam lỏng”. Nhiều gia đình phải thu xếp để nộp từ 1,8-2 triệu đồng mới được đưa con em trở về.

Công an huyện Ðức Trọng cho biết trước khi diễn ra việc bàn giao lao động, Công ty Ðức Hoàng đã yêu cầu mỗi lao động phải trả lại 1,5 triệu đồng (gồm phí môi giới cho “cò”, tiền ăn, tiền xe) cho công ty, tuy nhiên sau khi làm việc với công an thì đơn vị này đã bàn giao lao động vô điều kiện.             

T.B.DŨNG - M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên