29/10/2014 11:29 GMT+7

​Để biển mãi xanh

NGUYỄN ĐẶNG THANH NGÂN (P.17, Q. Gò Vấp, TP.HCM)
NGUYỄN ĐẶNG THANH NGÂN (P.17, Q. Gò Vấp, TP.HCM)

TT - Bạn tôi kể đi du lịch ở Sihanoukville (Campuchia), ngoài giá cả không đắt đỏ, thái độ phục vụ... thì có một ấn tượng nữa để khách du lịch có thể trở lại nơi này chính là ý thức bảo vệ môi trường của người bản địa.

Các bạn tình nguyện viên thu gom rác tại biển Cần Giờ (TP.HCM) - Ảnh: Tổ chức Greentalk cung cấp
Các bạn tình nguyện viên thu gom rác tại biển Cần Giờ (TP.HCM) - Ảnh: Tổ chức Greentalk cung cấp

“Biển nước họ cũng giống biển nước mình, cũng có hàng rong, cũng tụ tập ăn uống nhưng thú vị là khi đến thuê chỗ ngồi trên bờ biển thì người bán hàng sẽ cung cấp bàn, ghế, nước và đặc biệt là...thùng rác” - bạn tôi kể.

Việc làm này tuy nhỏ nhưng tác dụng không hề nhỏ. Du khách sẽ tự động bỏ rác vào thùng vì không ai vứt rác bừa bãi trong khi thùng rác sát bên. Và sau khi tàn tiệc, nhân viên cho thuê chỗ sẽ gom rác trong thùng này đem đi đổ ở nơi đúng quy định. Tất cả mọi việc đều diễn ra như một thói quen từ lâu, không có cảnh tượng “khách đi rác ở lại” như thực trạng hiện nay ở nhiều bãi biển VN.

Biển VN rất đẹp và thu hút lượng lớn du khách đến thăm hằng năm. Tuy nhiên, nhiều khách đồng nghĩa với việc rác thải cũng nhiều hơn trước.

Giờ đây ra biển không khó để bắt gặp cảnh từng nhóm người tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt dưới bãi cát trắng rồi vô tư xả giấy gói bánh kẹo, vỏ đậu phộng, vỏ tôm cua, đồ ăn thừa ngay tại chỗ.

Chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng là đã có ngay một tấm bạt cùng vài tờ giấy báo lót để ngồi ngay trên bãi cát, cứ thế đồ ăn thức uống được bày ngổn ngang và thực khách cũng vô tư vừa ăn vừa xả rác.

Không chỉ bờ biển mà cả công viên, vỉa hè dọc theo con đường biển từ lâu cũng đã trở thành điểm đến của những bữa tiệc dã ngoại tự phát, thời gian cao điểm nhất là buổi trưa và chiều tối.

Kết thúc cuộc vui cũng là lúc khách hàng đứng dậy ra về nhưng chẳng ai cầm rác theo, bãi cát trắng ở lại với vài đống rác. Để cho tiện và tẩu tán nhanh khi lực lượng chức năng kiểm tra (không được bán hàng rong trên biển), những người bán hàng ở khu vực dọc bờ biển không thu gom rác khách xả ra mà đôi khi lại chôn luôn dưới cát.

Vì vậy, mới có cảnh tượng đang tắm biển, sóng đánh dạt lên toàn vỏ hộp xốp và vỏ chai bia, nước ngọt. Hãy nghĩ xem đủ loại rác dạt vào bãi biển sẽ khiến du khách ngần ngại và bối rối như thế nào. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến du khách không muốn trở lại một số bãi biển ở nước ta.

Thật ra, các cơ quan chức năng cũng đã và đang nỗ lực hạn chế việc xả rác bãi biển như tăng cường tuần tra xử phạt, lắp bảng hướng dẫn, tổ chức các ngày chủ nhật xanh cùng chung tay dọn sạch bãi biển...

Tuy nhiên, tôi thấy cách làm của người dân Campuchia khá hay và hiệu quả. Trước mắt khi chưa thể dẹp hoàn toàn các gánh hàng rong và tình trạng tụ tập ăn uống, mua bán dọc bờ biển thì có thể khuyến khích hoặc ban hành quy định bắt buộc các cá nhân bán hàng phải cung cấp thùng rác cho khách để hạn chế tối đa tình trạng xả rác bừa bãi, đồng thời đây cũng là cách làm giúp việc thu gom rác dễ dàng hơn.

Thiết nghĩ, thay vì bị phạt hoặc phải dẹp bỏ chỗ bán hàng thì việc chọn cung cấp thùng rác cho khách hàng là đơn giản và chi phí không nhiều nên sẽ có nhiều người thực hiện.

Du lịch là nguồn thu lớn nhưng không vì thế mà bỏ lơ vấn đề môi trường. Môi trường có xanh thì du lịch mới phát triển và bền vững.

Mời bạn truy cập http://songxanh.tuoitre.vn để xem chi tiết và tham gia cuộc thi “Sống xanh 2014” với tổng giải thưởng lên đến 119 triệu đồng. Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Phương Đông OCB tổ chức để cổ động mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường vì một tương lai xanh.
NGUYỄN ĐẶNG THANH NGÂN (P.17, Q. Gò Vấp, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên