26/10/2014 15:18 GMT+7

​Làm dự án để chỉnh trang đô thị

N.ẨN - D.N.HÀ - M.HOA
N.ẨN - D.N.HÀ - M.HOA

TT - Các cơ quan chức năng, chuyên gia nói gì về giải pháp để hạn chế ảnh hưởng đến người dân khi nâng nền đường, nhà biến thành hầm?

Bà Lý Thị Ba (70 tuổi) bị tai biến chín năm nay, phải bò từ nền nhà lên mặt đường ở hẻm 1007 Lò Gốm, Q.6, TP.HCM  - Ảnh: Quang Định

Theo ông Trần Thuật - nguyên giám đốc chi nhánh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Bộ GTVT) - đơn vị giám sát nhà nước về dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (Q.Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Ðức - nay là đường Phạm Văn Ðồng), trong quá trình nâng cao mặt đường Phạm Văn Ðồng đã xảy ra tình trạng ngập nước ở một số tuyến đường và nhà dân xung quanh.

Thay đổi cách làm dự án

Còn lúng túng

Còn ông Hoàng Song Hà, chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, thừa nhận hiện chưa có quy định về hỗ trợ hay chính sách để giúp đỡ người dân trong trường hợp nhà thấp hay cao hơn so với mặt đường. Chính quyền địa phương chỉ tạo điều kiện cho người dân làm bậc tam cấp ra phía đường để lên hoặc xuống nhà của mình, nhưng phần lớn người dân tự cải tạo nhà.

Những gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ cải tạo nhà theo quy định chung. Khi cấp giấy phép xây dựng, cơ quan chức năng cũng chỉ cung cấp độ cao chuẩn của vỉa hè khu vực và khống chế chiều cao công trình, chiều cao của tầng 1 để người dân tham khảo chứ không bắt buộc về độ cao của sàn tầng trệt.

“Các khu đô thị cũ đang có cơ sở hạ tầng quá thấp vì chưa theo quy hoạch mới nên xảy ra hiện tượng nâng cao nền đường thì nhà dân bị thấp xuống. Ðể giải quyết vấn đề này, TP đã giao cho Sở Quy hoạch - kiến trúc TP lập dự án chỉnh trang đô thị dọc hai bên đường Phạm Văn Ðồng và xa lộ Hà Nội (Q.2, 9 và Thủ Ðức)” - ông Thuật nói.

Cũng theo ông Thuật, để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, cần xã hội hóa kêu gọi các nhà đầu tư chỉnh trang xây dựng khu đô thị mới sẽ giải quyết được tình trạng nền nhà bị thấp so với mặt đường. Trong quá trình thực hiện chỉnh trang đô thị, các nhà đầu tư cần phải thỏa thuận với các hộ dân có mặt tiền sẽ giải tỏa để sau này họ được buôn bán trở lại trên con đường đó.

Còn về giải pháp trước mắt, ông Thuật đề nghị cần căn cứ vào nguồn tài chính TP hoặc huy động các nguồn tài chính khác để làm đường từ nhà người dân bị thấp kết nối với đường bên trên nhằm giảm thiệt hại cho người dân.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng về lâu dài Nhà nước nên thay đổi cách đầu tư các công trình. Khi dự định mở một con đường mới qua khu dân cư, Nhà nước nên tính toán kêu gọi đầu tư để cùng lúc giải phóng mặt bằng trong phạm vi khoảng 50m hai bên con đường. Như vậy, hai bên đường mới mở sẽ có những dự án mới, làm đẹp đô thị, tránh hiện tượng nhà thành “hầm” hoặc nhà siêu nhỏ, siêu mỏng hai bên đường.

Hỗ trợ sửa chữa nhà

Ông Nguyễn Nam Hải, trưởng Phòng Quản lý đô thị Q.Thủ Ðức (TP.HCM), cho biết hiện không có chính sách hỗ trợ chung cho những trường hợp bị ảnh hưởng bởi đường cao hơn nhà. Nếu có hoàn cảnh khó khăn cụ thể thì người dân liên hệ UBND phường, các phường sẽ có cách hỗ trợ hoặc báo cáo để UBND quận tìm cách giải quyết.

Theo ông Hải, phần lớn trường hợp nhà hiện hữu thấp hơn mặt tiền đường mới mở như đường Phạm Văn Ðồng do người dân tự cải tạo. Khi xin phép xây dựng lại, việc xây cao hay thấp là theo yêu cầu của chủ đầu tư, UBND quận sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và hướng dẫn cho dân làm đúng với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc của tuyến đường.

Trong khi đó, đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.6 cho biết hiện đang thống kê số lượng nhà dân có nền bị thấp hơn mặt đường, mặt hẻm ở P.7 và P.8 của quận này để báo cáo, trình UBND TP quyết định hướng giải quyết.

“Ðối với các hộ nghèo thì Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, kể cả hỗ trợ sửa chữa nhà, số này không nhiều. Ngoài ra, nhiều hộ không thuộc diện nghèo nhưng kinh tế khó khăn, chi phí nâng cấp, sửa chữa nhà là một gánh nặng nên cũng cần phải có chính sách hỗ trợ” - đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.6 cho biết.

Theo ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Ban quản lý đầu tư công trình nâng cấp đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án), dự án nâng cấp đô thị TP đã thực hiện nâng cao nền đường ở mấy chục tuyến đường và nhiều hẻm ở các quận: 6, 11, Tân Bình, Tân Phú.

Hiện nhiều tuyến đường ở khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm có cao độ nền đường khoảng 1,3-1,4m, thấp hơn so với cao độ đỉnh triều mới đây được ghi nhận khoảng 1,7m. Nếu nâng cao độ mặt đường lên 2m sẽ có nhiều nền nhà dân bị thấp so với mặt đường.

Cũng theo ông Liêm, với những dự án mở rộng, nâng cấp đường có kinh phí đền bù giải tỏa thì người dân có điều kiện xây dựng nhà mới và nâng cao độ nền nhà tương ứng với nền đường sắp được nâng cao.

Còn việc nâng cao mặt đường tại những nơi không có kinh phí đền bù giải tỏa thì nền nhà dân bị thấp xuống so với mặt đường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ðể giải quyết những khó khăn đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách, ông Liêm đề nghị các địa phương cần quan tâm vận động mạnh thường quân, các tổ chức xã hội hỗ trợ và đề nghị các ngân hàng chính sách xã hội cho người dân vay tiền với lãi suất thấp để sửa chữa nâng cao nền nhà.

 
N.ẨN - D.N.HÀ - M.HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên