24/10/2014 11:03 GMT+7

Học sinh nói thích được chấm điểm, thích nghe lời khen

L.TRANG - H. HƯƠNG GHI
L.TRANG - H. HƯƠNG GHI

TTO - Phỏng vấn nhanh của Tuổi Trẻ Online với các học sinh tiểu học tại TP.HCM về việc thích nhận điểm số hay lời nhận xét. Với nhiều em, được chấm điểm vẫn thích hơn.

Một tiết luyện viết của học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM - Ảnh tư liệu

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu chính những câu trả lời của các em để người lớn chúng ta tham khảo.

* Chấm điểm vẫn vui hơn

H.N.T (HS lớp 5 một trường tiểu học Q.Tân Bình, TP.HCM): Thầy con nói từ giờ trở đi sẽ không chấm điểm mà chỉ ghi nhận xét thôi. 9-10 là giỏi, 7-8 là khá... Con chả thấy hay ho gì. Chấm điểm vẫn vui hơn!

Thật ra viết lời phê thì trước giờ cũng có rồi, đó là môn tập làm văn. Còn toán có khi thầy vừa chấm điểm vừa phê chứ không lạ lùng gì. Như hôm nay môn toán thầy phê “em làm bài đúng, thầy có lời khen”. Bạn T.P, thầy cũng phê y như vậy: “em làm bài đúng, thầy có lời khen”.

Đọc lời phê con thấy cũng vui nhưng không vui nhiều lắm, tụi con ai cũng buồn vì không được chấm điểm nữa.

* So ai được nhận xét nhiều hơn

Tuấn Khải (lớp 3, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM): Nhận xét con cũng thích nhưng trong lớp có bạn được nhận xét dài, có bạn cô chỉ nhận xét ngắn gọn nên các bạn lại đem ra so đo với nhau. Con thấy cô nhận xét cũng giống nhau giữa các bài của con là bài tốt, đáng khen.

Con thấy nhận xét cũng tốt nhưng có cả chấm điểm nữa thì thích hơn bởi vì làm bài xong phải biết mấy điểm mới biết mình có tiến bộ hay không. Điểm cao thì được khen thưởng.

Bây giờ mỗi lần ra chơi là tụi con mượn vở của nhau để coi bạn nào được nhận xét dài hơn.

* Không có điểm, ngoại la con hậu đậu

Hồ Minh Tú, học sinh lớp 4, nhà ở P.4, Q.Tân Bình: Mấy hôm nay cô giáo không có chấm điểm vô vở của con và các bạn nữa. Thỉnh thoảng cô mới ghi mấy chữ là: “Con phải cẩn thận hơn trong tính toán”, “Con phải dùng từ chính xác hơn trong làm văn”…

Con thích được chấm điểm hơn vì nhìn vào điểm là biết bài của mình đúng hay sai. Với lại nếu cô chấm điểm thì con mới có cái để mang về nhà khoe với bà ngoại. Cô không chấm điểm, ngoại coi vở  toàn la con “hậu đà hậu đậu” thôi.

* Đi học phải có điểm mới vui

Hà Nguyễn Thục Anh, học sinh lớp 3, nhà ở P.6, Q.3, TP.HCM: Con đương nhiên thích được chấm điểm rồi. Đi học phải có điểm mới vui. Đi học mà không chấm điểm con thấy thiếu thiếu một cái gì đó và đương nhiên là buồn. Năm học trước cô chấm điểm nhưng thỉnh thoảng cũng có ghi dặn dò này kia. Tự nhiên bây giờ không chấm điểm nữa, mà lâu lâu cô mới ghi dặn dò chứ đâu phải ngày nào  cũng ghi. Với lại trước khi ghi cô con đã giải thích về bài làm của con rồi.

* Thích được nhận xét hơn cho điểm

Bùi Minh Hiếu (lớp 5, nhà ở chung cư Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TPHCM): Con thích cô nhận xét hơn là cho điểm vì nhiều lý do. Thứ nhất là mỗi lần nhận xét, bài của con sẽ phải đưa cho một bạn trong lớp xem con làm như vậy là đúng hay sai. Sau đó cô giáo mới xem và nhận xét. Nếu có gì sai cô sẽ kêu con lên, chỉ cho con biết lỗi nào cần sửa.

Có khi cô ghi nhận xét, cũng có khi cô không ghi. Nhưng nếu không ghi thì cô sẽ đóng dấu mặt cười vô vở cho con. Mặt cười màu đỏ là tương đương 9-10 điểm. Mặt cười màu xanh tương đương 7-8 điểm.

* Con nhờ mẹ đọc nghe lời nhận xét

Nguyễn Xuân Anh, học sinh lớp 1, nhà ở P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM: Từ khi con đi học tới giờ, cô chưa bao giờ chấm điểm. Nhưng cô có nói nếu cô cho hình mặt cười mà có thêm chữ giỏi là 9, 10 điểm; mặt cười không có chữ giỏi là 7, 8 điểm; mặt không cười là 5, 6 điểm. Mấy ngày gần đây cô không chấm cho con hình mặt cười nữa mà ghi vào vở con bằng chữ đỏ.

Lần đầu tiên con mang về nhờ mẹ đọc cho nghe là: “Con viết chữ có tiến bộ, đã viết chính tả được nhưng tay còn hơi run”, Câu này cô đã nói cho con nghe trên lớp rồi, con rất vui vì được cô khen là “có tiến bộ”, cô còn tặng cho con một viên kẹo nữa.

Con rất thích được cô ghi nhận xét vào vở vì lần nào cũng được cô khen, có lần cô còn khen con viết chữ đẹp hơn hồi đầu năm học rất nhiều. 

Từ ngày 15-10, HS tiểu học cả nước bắt đầu bước vào môi trường học “không điểm số”. Phụ huynh đã thay câu hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?” bằng câu “Hôm nay cô nhận xét con thế nào” khi đón con lúc tan trường.

Giáo viên bắt đầu thực hiện chế độ “chấm” bằng lời, bằng chữ thay vì những con số khô khan, họ cũng chịu áp lực về sổ sách với khối lượng công việc tăng hơn nhiều.

Nhưng đối tượng quan trọng nhất của những đổi mới này chính là HS tiểu học.

Nếu HS lớp 1 thuận lợi hơn do làm quen với nhận xét ngay từ đầu cấp, thì HS các khối còn lại vẫn chưa hết bỡ ngỡ bởi phương pháp đánh giá mới mẻ này.

 

L.TRANG - H. HƯƠNG GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên