12/10/2014 08:24 GMT+7

​Ứng xử với “ký ức thành phố”

HOÀI TRANG thực hiện
HOÀI TRANG thực hiện

TT - Câu chuyện chặt bỏ hàng loạt cây cổ thụ có tuổi đời trăm năm để phục vụ công trình xây dựng nhà ga metro, hay chuyện bỏ thương xá Tax... đã tạo ra nhiều tranh luận.

Những cây cổ thụ trước Nhà hát TP bị đốn bỏ để thi công nhà ga ngầm tuyến metro số 1 - Ảnh: Hữu Khoa
Những cây cổ thụ trước Nhà hát TP bị đốn bỏ để thi công nhà ga ngầm tuyến metro số 1 - Ảnh: Hữu Khoa

Đơn giản bởi đó là ký ức của người dân TP.HCM, là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Câu chuyện này được giải quyết thế nào trong mắt giới kiến trúc sư?

* KTS NGUYỄN VĂN TẤT:

Cần một thiết chế tốt hơn

Câu chuyện thương xá Tax cũng như nhiều câu chuyện tương tự, nếu đặt ra ở một thời điểm sớm hơn có lẽ là một sinh hoạt thú vị và tích cực với TP là đằng khác
KTS NGUYỄN VĂN TẤT

Không riêng gì vấn đề thương xá Tax của Sài Gòn hôm nay trong bối cảnh phát triển đô thị hiện đại, mà hầu hết các khía cạnh cuộc sống của xã hội đều luôn đặt ra trước những yêu cầu lựa chọn và ra quyết định.

Có khi còn phải chọn lựa trong áp lực rất nghiệt ngã, nhất là khi phải cân nhắc các thứ giá trị “không cùng đơn vị quy đổi”, chỉ có thể cảm nhận mà thôi.

Rủi thay, câu chuyện về hồn vía đô thị mà ai cũng “có khả năng quan tâm” lại thuộc về hàng khó nhất này.

Khó không chỉ vì nhiều người có khả năng nêu ý kiến, mà khó còn vì nhiều giới thật sự có trách nhiệm trong việc ra quyết định.

Đứng trước sự đòi hỏi của cuộc sống đô thị phát triển, khi có cơ hội và điều kiện đầu tư hẳn không ai lại nói không với điều kiện hạ tầng giao thông hiện đại như tàu điện ngầm.

Cũng như khi đã có nhiều triệu du khách một năm với nguồn thu ngoại tệ khổng lồ, ai cũng thấy nhiều nhà cao tầng, nhiều trung tâm thương mại dịch vụ to lớn là nhu cầu hợp lý.

Vì mưu sinh, vì phát triển chứ không đơn thuần làm to, làm nhiều cho bằng anh bằng chị.

Nhưng thông thường bài toán không đơn giản như việc nhiều ít, nhỏ to, không và có... mà thường là chuyện rất đau đầu của việc đánh đổi: muốn được phải chấp nhận mất.

Câu chuyện thường gặp, thường xảy ra tranh luận trong quy hoạch kiến trúc đô thị thì triền miên.

Ai ở TP này đều có thể kể một vài việc tương tự như biểu tượng thống nhất ở công viên 23-9, khách sạn Caravelle bên hông Nhà hát TP, tòa nhà PDD phía sau trụ sở UBND TP, cao ốc Hàn Quốc ở cuối công viên 23-9... và nay sự ra đi của những hàng cây trăm năm tuổi ở trung tâm và tháp thông gió cho ga tàu điện ngầm ngay trong khuôn viên thương xá Tax...

Hãy đón nhận sự kiện trên như vốn là mâu thuẫn bản chất của sự phát triển.

Tuy nhiên cái không đáng có là sự bất an của nhiều người, nhiều giới cùng có tình cảm và trách nhiệm về sự phát triển và bảo vệ giá trị tốt đẹp của TP này.

Nếu cần có một động thái không thể khác thì sự chia sẻ “cái lý của sự mất mát” một cách rõ ràng, minh bạch là sự cần thiết đối với mọi công dân TP, đặc biệt với giới chuyên môn sâu có liên quan với sự việc.

Mỗi lần có một sự kiện nhạy cảm kiểu “nỗi buồn thương xá Tax” thì các báo đài lại xôn xao làm chức trách đưa tin, phỏng vấn...

Các nhà nghiên cứu có tên tuổi lại có ý kiến, cảm thán, đề xuất... trong khi mọi việc có khi đã vào quy trình vận hành dự án rồi.

Trong điều kiện như vậy, nhiều người có ý thức trách nhiệm lại ngại lên tiếng vì rõ ràng là trong sự đã rồi.

Hơn nữa, phát biểu vài câu về một sự việc có tính thời sự, gấp gáp lại rất phức tạp mà thiếu thông tin chi tiết thì vô tình các nhà nghiên cứu bị đặt vào tình cảnh nói thì dễ hồ đồ, không nói thì bứt rứt.

Do vậy, câu chuyện thương xá Tax cũng như nhiều câu chuyện tương tự, nếu đặt ra ở một thời điểm sớm hơn có lẽ là một sinh hoạt thú vị và tích cực với TP là đằng khác.

Và tôi nghĩ điều này TP có thể làm được nếu có một thiết chế tốt hơn về chuẩn bị ra quyết định các vấn đề nhạy cảm hoặc có tính chuyên môn, tính nhân văn cao.

* KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Thiếu quy hoạch rõ ràng cho khu trung tâm

* KTS  NGUYỄN MINH TIẾN:

“Hồn vía” Sài Gòn

Vấn đề phá dỡ thương xá Tax hay giữ lại chỉ là một vụ việc trong bức tranh toàn cảnh về bảo vệ “hồn vía” của TP Sài Gòn 300 tuổi này.

Ngay từ những năm 1990, TP từng có một chương trình nghiên cứu tương đối tổng thể khi chưa có quá nhiều những “hồn vía” bị phá dỡ.

Khi đó chúng tôi - những người làm công tác nghiên cứu bảo tồn di sản kiến trúc của Sài Gòn - đã đề xuất một bản danh mục kiến trúc và cảnh quan đô thị cần giữ gìn bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm 120 đối tượng là công trình đơn lẻ, vừa có tuyến cảnh quan mà trong đó có cả tuyến cảnh quan đường Nguyễn Huệ.

Đáng tiếc là những nghiên cứu tổng quan đó chưa được khai thác cho việc phát triển khu trung tâm Sài Gòn một cách thích đáng.

Bảo tồn thường bị ngộ nhận là yếu tố cản trở phát triển.

Tuy nhiên, chính sự hấp dẫn của một đô thị có bản sắc là lý do mà khách thập phương cất công tìm đến.

Trước tiên là tham quan du lịch, sau đó là yêu mến mảnh đất, nơi chốn, con người, rồi là đầu tư vốn liếng buôn bán làm ăn đi cùng những cơ hội giao thương cho người dân bản địa.

Chúng ta đang bị động trong vấn đề phát triển khu trung tâm.

Đầu tiên là việc bảo tồn và phát triển, bảo tồn cái gì và phát triển cái gì.

Thứ hai là quy hoạch chiều cao.

Thứ ba là vấn đề giao thông. Nếu tính toán theo tiêu chuẩn quốc gia, một văn phòng 100m2 phải có chỗ để 1 ôtô, một căn hộ/1-1,5 ôtô, nhà hàng thì có chỗ để khoảng 100 xe máy hoặc 20 ôtô...

Những tiêu chuẩn đó với các công trình mới không những không đủ mà còn không bù được diện tích bãi xe vốn đã quá hiếm hoi của TP.

Cuối cùng, người dân rõ ràng không có thông tin và không được tham gia quá trình quy hoạch phát triển, không được chuẩn bị về mặt tâm lý dẫn đến tình trạng bị sốc, chưa kể việc làm ăn, sinh sống bị ảnh hưởng.

Giải pháp cho vấn đề này, theo tôi, cần có một quy hoạch rõ ràng cho khu trung tâm, bao gồm trung tâm lịch sử và khu trung tâm mới.

Trung tâm lịch sử cho tới nay chưa có văn bản nào xác định, nhưng theo quan điểm của những nhà nghiên cứu, tối thiểu phải bao gồm khu vực từ UBND TP đến chợ Bến Thành, vòng qua công viên Tao Đàn, khu vực Trường Lê Quý Đôn, Bảo tàng Mỹ thuật, Tòa án, khu nhà thờ Đức Bà - Bưu điện rồi Bệnh viện Nhi Đồng, Nhà hát TP, thương xá Tax và cuối cùng trở về UBND cùng khu vực lân cận.

Trong đó, ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi là rất quan trọng của khu lịch sử bởi những trục chính của khu trung tâm bao gồm Lê Duẩn - trục chính trị, Nguyễn Huệ - trục hành chính, Lê Lợi - dịch vụ thương mại và khu bờ sông bến Bạch Đằng từ lâu đã được định hình.

Với khu vực này, việc phát triển cao tầng phải rất cẩn trọng, nếu không sẽ phá vỡ hết cảnh quan lịch sử.

Nhiều quan điểm từ lâu cũng đã đặt việc phát triển các khu cao tầng ở một phần quận 1, 3, 4, Bình Thạnh và bờ đông Thủ Thiêm.

Trong đó, với đặc điểm là khu chuyển tiếp giữa trung tâm lịch sử và trung tâm mới Thủ Thiêm, thì thương xá Tax càng không nên xây quá cao, đến 40 tầng, trong khi tại Thủ Thiêm cũng khống chế chiều cao các tòa nhà chỉ đến 40 tầng.

Về quy hoạch ngầm, khu trung tâm có ba nhà ga ngầm Bến Thành, Nhà hát TP, Ba Son thì nhất thiết các khu vực liên quan cũng phải có quy hoạch cả tầng ngầm.

Và không chỉ có metro mà còn phải kết nối với tầng ngầm các cao ốc xung quanh đã, đang và sẽ xây dựng.

Về quy hoạch cảnh quan và cây xanh, từ những quy hoạch trên phải tính trước được những hàng cây nào phải chặt bỏ, cũng như phải “bù đắp” lại bằng gì để đáp ứng diện tích cây xanh vốn đã rất hiếm hoi ở TP.

Về quy hoạch giao thông, phải tính toán tới việc kết nối metro thế nào với các loại hình giao thông khác (xe buýt, ôtô, xe máy rồi các bãi giữ xe...).

Cuối cùng, những quy hoạch nói trên phải có sự tham gia của người dân TP, các chuyên gia, ban ngành... để ai cũng thông hiểu và có sự chuẩn bị về mọi mặt và cùng tham gia xây dựng, phát triển TP.

* KTS NGUYỄN HỮU THÁI:

Cái cây cũng là ký ức nổi bật

Chuyện thương xá Tax và hàng loạt cây cổ thụ thì đã xảy ra mất rồi. Nay cái lo lớn nhất là TP sẽ ứng xử với các công trình tương tự ra sao trong tương lai?

Cách đây hai tuần, chúng tôi có tham dự buổi nói chuyện về kiến trúc bền vững của bà Angela Brady - nguyên chủ tịch Hội đồng kiến trúc hoàng gia Anh.

Bà cho biết ở phương Tây, ngay cây đường phố cũng được xếp hạng như công trình kiến trúc, có phân cấp ứng xử với chúng, không thể tùy tiện đốn bỏ.

Có loại có thể bỏ hoặc thay thế, nhưng có loại phải duy trì với bất cứ giá nào vì chúng cũng thuộc “di sản và ký ức” của thành phố.

Ở nhiều nước, các quy định về bảo tồn rất chặt chẽ, và cơ quan giám sát chính là bộ phận văn hóa - xã hội của hội đồng nhân dân.

Còn ở ta, tôi nhớ cứ mỗi lần một “ký ức” nổi bật nào đó bị xâm hại thì người dân lại la lên, báo chí và giới chuyên gia vào cuộc, các cơ quan liên quan cứ bên này đổ bên kia hoặc phớt lờ đi vì họ nghĩ rằng đâu sẽ lại vào đấy! 

Nếu không muốn lặp lại các việc làm đáng tiếc nói trên, chính quyền TP cần sớm rà soát lại chính sách về bảo tồn của mình, nhất là quyết tâm thực hiện điều đó.

 

HOÀI TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên